Không có EU, nước Anh chẳng là gì
Theo khảo sát của hãng Ipsos Mori, hơn 50% số cử tri Anh thừa nhận vấn nạn người nhập cư là lý do chính khiến họ bỏ phiếu cho Brexit. Tuy nhiên, những người di cư lại có nhiều đóng góp cho nền kinh tế nước này.
- 21-06-2016Vì sao nước Anh muốn rời EU?
- 20-06-2016Anh và EU: Ở lại mới tốt cho cả hai
- 20-06-2016Lịch sử châu Âu có thể bị đảo lộn nếu Anh rời EU
Cuộc tranh luận về việc Anh có nên rời Liên minh Châu Âu (EU) hay không, còn gọi là Brexit, đang diễn ra khá gay cấn và tỷ lệ khảo sát cho mỗi nhóm ủng hộ và phản đối đang thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, những vấn đề chính mà cử tri Anh quan tâm trước khi đi bỏ phiếu vào ngày 23/6 tới đây có lẽ chỉ xoay quanh vấn đề việc làm, tăng trưởng kinh tế và tài chính công.
Không có EU, nước Anh chẳng là gì
Nước Anh từng có tốc độ tăng trưởng áp chót trong bảng xếp hàng 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) trước khi gia nhập EEC (tiền thân của EU) vào năm 1973. Sau 43 năm là thành viên của EU, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh hiện đứng đầu G7. Dù không có minh chứng cụ thể nào cho việc gia nhập EU khiến Anh được lợi tăng trưởng nhanh chóng như vậy nhưng rõ ràng trở thành thành viên EU đã giúp Anh có những cải tiến đáng về về kinh tế.
Những người ủng hộ Brexit cho rằng tốc độ tăng trưởng tuyệt đối của Anh đã thấp hơn kể từ sau năm 1973 và sự cải thiện về kinh tế là nhờ chính sách cải cách của Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher chứ không phải do EU.
Trái ngược lại, những người phản đối Brexit cho rằng tất cả các nước phát triển đều có tốc độ tăng trưởng tuyệt đối chậm lại trong thời kỳ hậu Thế Chiến II chú không riêng gì Anh và Eu có đóng vai trò quan trọng cho sự hồi sinh của kinh tế Anh.
Giáo sư Nick Crafts của trường đại học Warwick-Anh ước tính Eu đã hỗ trợ kinh tế Anh tăng trưởng thêm khoảng 10% nhờ môi trường cạnh tranh rộng hơn cũng như lợi thế tiếp cận thị trường Châu Âu dễ hơn.
Rời EU, Anh sẽ mất nhiều hiệp định thương mại
Trong trường hợp Brexit xảy ra, nhiều khả năng Anh sẽ phải đàm phán lại với 27 nước thành viên EU, 50 quốc gia khác trong những hiệp định thương mại có đại diện là EU và 161 nền kinh tế của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).
Phía ủng hộ Brexit cho rằng Anh vẫn có thể tiếp cận thị trường EU dưới quy định của WTO và thậm chí có thể đàm phán lại một số điều khoản nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh, điều mà nước này khó làm khi là thành viên của EU. Những người ủng hộ nói rằng Đức và nhiều thành viên EU khác đang có thặng dư thương mại với Anh và họ sẽ cần phải đàm phán lại với chính quyền Luân Độn về các điều khoản thương mại khi Brexit xảy ra.
Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng quá trình đàm phán sẽ rất mất thời gian và đương nhiên các doanh nghiệp Anh sẽ không dễ dàng tiếp cận được thị trường EU nếu Brexit xảy ra, dù quy định của WTO vẫn còn hiệu lực. Hơn nữa, Anh khó lòng áp dụng quy định của WTO khi nước này không có lộ trình giảm thuế quan riêng cũng như các cam kết về trợ cấp dịch vụ cũng như nông nghiệp, qua đó khiến Anh dễ bị tổn thương khi giải quyết các tranh chấp thương mại theo điều luật của WTO.
Thậm chí, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng nhận định Anh có thể sẽ không còn là ưu tiên cao nhất đối với thương mại Mỹ khi nước này rời bỏ EU.
Đây mới là nguyên nhân chính cho vụ Brexit
Theo khảo sát của hãng Ipsos Mori, hơn 50% số cử tri Anh thừa nhận vấn nạn người nhập cư là lý do chính khiến họ bỏ phiếu cho Brexit.
Trong năm 2015, tổng số người nhập cư vào Anh đạt 333.000 người, cao gấp 3 lần so với số lượng mục tiêu mà Thủ tướng Anh David Cameron cam kết vào năm 2010 và nâng tổng số lao động nhập cư tại nước này lên khoảng 3 triệu người. Như vậy, kể từ năm 1998 số người nhập cư vào Anh đã tăng bình quân hơn 100.000 người mỗi năm.
Tất nhiên, việc lượng người nhập cư lớn khiến xã hội Anh bị ảnh hưởng, thị trường bất động sản và dịch vụ công gặp quá tải. Dẫu vậy, Anh không thể làm gì nhiều khi EU có chính sách tự do đi lại giữa các nước thành viên.
Những người ủng hộ Brexit cho rằng dù họ không ngăn chặn được hoàn toàn dòng người di cư vào Anh nhưng Brexit có thể hạn chế tình trạng này.
Mặc dù vậy, phía người phản đối Brexit cho rằng việc Anh rời Châu Âu sẽ chẳng thay đổi gì nhiều khi Anh là một nền kinh tế phát triển và vẫn sẽ thu hút lao động từ nhiều nơi trên thế giới.
Bên cạnh đó, những lao động nhập cư từ EU cũng đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Anh so với những lao động từ nước ngoài EU.
Nghiên cứu của Oxford Migration Observatory cho thấy khoảng 1,9 triệu lao động nhập cư từ EU tại Anh đang làm việc, chiếm 63% tổng số người nhập cư từ EU vào Anh. Tỷ lệ này là khá cao so với những người nhập cư từ các quốc gia khác.
Ngoài ra, nghiên cứu của trường đại học Luân Đôn cũng cho thấy người lao động nhập cư từ EU vào Anh đóng góp cho nền kinh tế 1,34 Bảng Anh cho mỗi Bảng Anh mà họ nhận được.
Rõ ràng, lao động nhập cư đang ngày càng đóng vai trò quan trọng cho kinh tế Anh. Hiện khoảng 10% bác sĩ tại Anh là đến từ các quốc gia khác tại EU.
Lao động nhập cư không khiến mức lương của Anh giảm
Bảng dưới cho thấy sự thay đổi mức lương trong khoảng 2008-2015 tại các địa phương khác nhau của Anh và không có minh chứng nào cho thấy người nhập cư khiến mức lương tại quốc gia này suy giảm. Nhiều cùng có số lao động nhập cư cao nhưng mức tăng lương không hề thấp.
Một nghiên cứu của ngân hàng trung ương Anh (BoE) cho thấy số người lao động nhập cư trình độ thấp cứ tăng khoảng 10 điểm phần trăm sẽ khiến mức lương bình quân tại Anh giảm 2%. Dẫu vậy, số người nhập cư từ EU vào Anh chỉ tăng khoảng 2 điểm phần trăm trong khoảng 2008-2015 nên thực tế mức lương tại Anh chỉ bị giảm 0,4% trong 7 năm qua do lao động từ EU.
Những quy định của EU đang kiềm chế kinh tế Anh?
Trên thực tế, những quy định của EU ảnh hưởng rất nhỏ đến sự sáng tạo, đổi mới, cạnh tranh cũng như tăng trưởng kinh tế tại Anh. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy chỉ số PMR của Anh ở mức khá thấp trong các thành viên và chỉ cao hơn Hà Lan (Mỹ không có số liệu năm 2013).
Product Market Regulation-PMR là chỉ số đo lường ảnh hưởng của các quy định luật pháp đến khả năng doanh nghiệp tiếp cận thị trường cũng như khả năng sáng tạo của công ty. Chỉ số này càng cao chứng tỏ luật pháp tại nền kinh tế này cản trở càng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hơn nữa, những điều luật của EU được xây dựng nhằm tạo nhiều khoảng trống cho các thành viên, cho phép họ nới lỏng hoặc thắt chặt các quy định kinh doanh tùy điều kiện và quyết định của từng nước. Vì vậy, không có bằng chứng nào để nói các quy định của EU kiềm hãm sự phát triển và kinh doanh của các công ty tại Anh.
Khoản “lệ phí” 350 triệu Bảng Anh mỗi tuần
Những người ủng hộ Brexit từng sử dụng việc chính quyền Luân Đôn phải đóng góp 350 triệu Bảng Anh mỗi tuần cho EU làm công cụ tuyên truyền ủng hộ nước này rời nhóm.
Tuy nhiên, trước áp lực của dư luận và các chuyên gia, phe ủng hộ đã buộc phải thừa nhận con số này thấp hơn mức 350 triệu Bảng Anh và chỉ vào khoảng 163 triệu Bảng mỗi tuần. Ngân sách của Anh trong năm 2015 đã chi tổng cộng 8,5 tỷ Bảng Anh cho Eu như khoản lệ phí hàng năm.
Dẫu vậy, những người ủng hộ Brexit cho rằng số tiền này có thể được tiết kiệm cho các khoản đầu tư khác nếu Anh rời EU.
Tuy nhiên, con số 8,5 tỷ Bảng Anh chỉ tương đương 1 Bảng Anh cho mỗi 100 Bảng chi tiêu công của chính quyền Luân Đôn hàng năm. Như vậy, số tiền tiết kiện được trên thực tế là khá nhỏ.
Ngoài ra, Viện nghiên cứu tài chính IFS đã chỉ ra rằng kinh tế Anh sẽ tăng trưởng chậm hơn nếu rời EU, qua đó giảm nguồn thu từ thuế và tăng chi tiêu công. Theo đó, nếu tăng trưởng kinh tế dù chỉ giảm 0,6% thì toàn bộ số tiền tiết kiệm trên sẽ chẳng là gi so với những mất mát mà nền kinh tế Anh gặp phải.
Viện IFS cũng nhận định chính phủ Anh sẽ mất 20-40 tỷ Bảng tiền thuế mỗi năm nếu rời EU.
Nhận định của chuyên gia
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định brexit sẽ đem lại tổn thương cho cả Anh lẫn EU, dù họ nghiên cứu theo các mô hình và số liệu khác nhau.
Rõ ràng, Anh sẽ mất nhiều lợi thế tự do thương mại với các thị trường khi rời EU và không thể cân bằng lại sớm trong ngắn hạn.
Những người ủng hộ Brexit cho rằng kinh tế Anh sẽ tốt hơn nếu Anh đàm phán thương mại song phương với các thị trường khi không bị níu kéo bởi các quy định của Eu cũng như những bất đồng trong nhóm.
Dẫu vậy, liệu Anh có khả năng đàm phán thành công hay không còn là một dấu hỏi và mất bao lâu để hoàn thành những hiệp định này thì vẫn chưa rõ.
Rõ ràng, việc Anh rời EU sẽ đem đến những tổn thương to lớn cho nền kinh tế của cả 2 phía trong ngắn hạn và điều này có đem lại lợi ích thực sự hay không thì không chuyên gia nào dám chắc chắn.
Trí thức trẻ/CafeBiz