Không dễ huy động vàng trong dân
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì nghiên cứu, xem xét và báo cáo Chính phủ về vấn đề huy động được nguồn lực trong dân (gồm cả vàng và tiền), tạo nguồn vốn phục vụ tăng tưởng kinh tế. Đây là chỉ đạo thiết thực, song việc thực thi, được đánh giá là không dễ.
- 07-07-2016Huy động vàng và tiền trong dân liệu có khả thi?
- 05-07-2016Huy động 500 tấn vàng trong dân: “Phải là việc đương nhiên”
- 04-07-2016Thủ tướng giao NHNN chủ trì nghiên cứu việc huy động vàng và tiền trong dân
Nên hay chưa?
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, theo ước tính của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), hiện có khoảng 350-400 tấn vàng, tương đương 16-18 tỷ USD, đang được cất trữ trong dân của cả nước chưa được đưa vào lưu thông. Nếu huy động được nguồn lực này, Chính phủ và doanh nghiệp (DN) sẽ có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin trên nhận được sự quan tâm vì những ngày qua, dưới sức tác động của sự kiện người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và những tác động về kinh tế, chính trị khác, giá vàng được dự báo có thể tăng lên tới 1.400 USD/oz. Cùng với đó là giá vàng trong nước đã có đợt "leo thang".
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), giá vàng thế giới biến động như thế nào đều sẽ ảnh hưởng đến giá vàng trong nước. Giá vàng càng cao thì nhu cầu mua vàng, găm giữ vàng càng nhiều lên, bởi vàng luôn là “hầm trú ẩn tài sản” an toàn nhất, có tính thanh khoản cao trên thị trường.
Vì thế, việc huy động vàng từ dân chúng và việc thành lập sàn vàng Quốc gia được nhiều chuyên gia “gật đầu” đồng thuận trong thời điểm này. Tất nhiên, ai cũng có thể thấy được lợi ích của việc huy động được nguồn lực này từ dân, bởi dân chúng không chỉ găm giữ vàng mà còn là tiền mặt, ngoại tệ. Nhưng vấn đề là làm thế nào để quản lý và huy động hiệu quả được nguồn lực này. Đối với tiền mặt, Chính phủ, NHNN cũng như các ngân hàng thương mại đã có nhiều chủ trương để huy động hiệu quả, tạo mặt bằng lãi suất khá ổn định, tăng giảm theo quy luật thị trường.
Tuy nhiên, đối với vàng, nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi tổ chức hay DN nào sẽ đứng ra làm việc này. Bởi trước đây, hậu quả của việc các ngân hàng thương mại sử dụng sai mục đích vốn huy động từ vàng đã gây ra những con số lỗ lên tới hàng trăm tỷ đồng, là một trong những nguyên nhân tác động đến đổ vỡ thanh khoản. Hơn nữa, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, chính vì thị trường vàng đang có biến động và đang cực kỳ hỗn loạn nên việc huy động vàng từ dân chúng cần phải có những bước xem xét cẩn trọng. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, thời điểm này nếu có sàn vàng, vấn đề sẽ càng trở nên phức tạp hơn.
DN hay NHNN?
Đầu tháng 7 này, VGTA đã gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến việc các DN vay vàng của người dân phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ có dẫn tới tình trạng vàng hóa nền kinh tế hay không.
Theo VGTA, hoạt động vay vàng của DN là đúng với các quy định hiện hành của pháp luật. Hơn nữa, khi vay vàng của người dân, DN không cho vay lại, không thu phí giữ hộ mà chỉ dùng làm nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức. Do đó, DN vay vốn bằng vàng không tạo tâm lý đầu cơ tích trữ trong dân, không ảnh hưởng đến lộ trình giảm "vàng hoá" trong nền kinh tế vì thực tế với số lãi chỉ 1-1,2%/năm là rất thấp so với lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại thì người dân sẽ không đổ xô đi mua vàng để cho DN vay kiếm lời.
VGTA cũng cho biết, tổng số lượng vàng mà các DN là thành viên của Hiệp hội vay của người dân trong năm 2015 cũng chỉ trong khoảng 20.000 lượng, tương đương 750 kg vàng. Do đó, việc vay mượn vàng này không gây ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nước cũng như chủ trương chống “vàng hóa” của NHNN.
Đồng tình với quan điểm này của VGTA, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu đề nghị, trong phạm vi quy định của mình, NHNN nên xem xét và nghiên cứu về hoạt động vay vàng của DN. Nếu việc này không phạm luật, NHNN có thể dùng một vài DN làm thí điểm, với điều kiện là chỉ vay vàng để sản xuất trang sức. Nếu thí điểm này không dẫn đến việc người dân đổ xô mua vàng, găm giữ vàng để cho vay lấy lãi, không gây thiệt hại cho dân và không ảnh hưởng đến thị trường vàng cũng như chủ trương chống “vàng hóa” thì NHNN có thể tiến tới triển khai một cách rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, để thực hiện một cách tốt nhất, đúng tôn chỉ mục tiêu của việc huy động vàng trong dân chúng, NHNN phải là cơ quan đứng ra “cầm chịch”, trực tiếp nghiên cứu và thực hiện. Bởi theo đúng luật, chỉ có NHNN mới được phép huy động vàng, thông qua phát hành chứng chỉ vàng và đảm bảo có lãi cho người gửi, trong khi các DN chỉ gọi là vay vàng và vàng được vay chỉ dùng để sản xuất, kinh doanh.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc huy động vàng của NHNN không còn là chuyện khả thi hay không mà đã mang tính bắt buộc, là sự hợp lý nên mới được Thủ tướng giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, xem xét. NHNN là cơ quan chủ quản, quản lý thị trường vàng nên sẽ nắm được rõ nhất số lượng vàng trong dân là bao nhiêu, bao nhiêu % trong số đó có thể huy động được, làm sao để huy động được, phân bổ và sử dụng như thế nào… Đây đều là những vấn đề cấp bách, những dấu hỏi lớn buộc NHNN phải trả lời được trong đề án chung về việc huy động vàng trong dân chúng sẽ trình Chính phủ vào thời gian tới.
Theo nhiều chuyên gia, khó khăn đầu tiên và cốt lõi của vấn đề này là làm sao thay đổi được tâm lý coi vàng là tài sản an toàn có thể sử dụng trong mọi thời điểm trong dân chúng. Tại Việt Nam, tâm lý này còn rất nặng nề nên sẽ có một bộ phận không muốn mang vàng đi gửi. Do đó, chính sách nào cũng cần phải tôn trọng tư duy này, bởi ngay cả một vài ngân hàng trung ương quốc tế cũng đều có một tỷ lệ nào đó trong tài sản dự trữ quốc gia là vàng nên rút vàng dưới “gối đầu giường” của người dân Việt Nam không phải chuyện dễ dàng.
Báo hải quan