MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không đổi mới tư duy về động lực tăng trưởng chúng ta sẽ 'dậm chân tại chỗ'

TS. Nguyễn Đình Cung: Cần một cách tiếp cận động lực tăng trưởng mới – động lực tăng trưởng theo vùng kinh tế. Ảnh VGP/Nhật Bắc

TS. Nguyễn Đình Cung: Cần một cách tiếp cận động lực tăng trưởng mới – động lực tăng trưởng theo vùng kinh tế. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chỉ khi nào khu vực Đông Nam bộ và khu vực sông Hồng (hai khu vực chiếm tới 60% GDP của cả nước) đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thì cả Việt Nam mới đổi mới được mô hình tăng trưởng.

Đề xuất thành lập tổ công tác độc lập gỡ vướng cho đầu tư công và đầu tư tư nhân

Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ sự thận trọng: Chúng ta không nên đánh giá quá cao thành tích của năm nay.

Ông cho rằng, nếu phân tích kỹ mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong cả nhiệm kỳ, năm ngoái 2,5%, năm nay 7,5% thì qua 2 năm mới đạt 5,5%. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra của cả nhiệm kỳ là tăng trưởng 6,5-7%. Như vậy trong 3 năm còn lại, chúng ta phải nỗ lực rất lớn.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, hiện nay áp lực lạm phát đang rất cao, chính sách tiền tệ sắp tới đây không thể hỗ trợ tăng trưởng, dư địa của chính sách tài khóa sẽ giảm, chi phí đầu vào tăng, đầu ra không tăng được có nghĩa là lợi nhuận doanh nghiệp đang giảm sút, dòng tiền vào doanh nghiệp, vào sản xuất đang có vấn đề.

Về động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian sắp tới, các dự báo cho thấy, xuất khẩu sẽ giảm, FDI vào sẽ giảm, như thế giải ngân FDI sắp tới sẽ giảm. Đầu tư của khu vực nhà nước tuy có cải thiện đều nhưng chưa có những thay đổi đột phá. Đầu tư của khu vực tư nhân cũng như thế.

Tóm lại, các yếu tố mang tính động lực phát triển của nền kinh tế trong thời gian sắp tới là "không nhiều tích cực". Chính vì vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp để ứng phó.

Trước hết, về đầu tư công, TS. Trần Đình Cung đề nghị Thủ tướng nên lập một Tổ để phân tích rõ những nguyên nhân. Tổ này là tổ độc lập, phân tích đánh giá, phân loại các nguyên nhân, đề xuất phương án xử lý.

Tương tự với đầu tư nhân, hiện ở các địa phương, nhiều dự án lớn, nhỏ đều đang bị ách tắc, cho nên cũng cần có một Tổ để phân loại nguyên nhân, đề xuất các biện pháp chỉ đạo, tháo gỡ ách tắc cho cả dòng vốn đầu tư cả nhà nước và tư nhân - một nguồn lực rất lớn nhưng chúng ta chưa sử dụng một cách thực sự hiệu quả như kỳ vọng.

Cần một cách tiếp cận động lực tăng trưởng mới – động lực tăng trưởng theo vùng kinh tế

Để duy trì và phục hồi động lực tăng trưởng, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nhìn trong tương lai 5-7 năm tới, nếu chúng ta đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao toàn bộ nhiệm kỳ tăng trưởng 6,5-7%, thì cần một cách tiếp cận động lực tăng trưởng khác đó là động lực tăng trưởng theo vùng kinh tế.

Theo ông, động lực tăng trưởng của miền Đông Nam bộ và khu vực sông Hồng chiếm 60% GDP. Do đó, nếu chúng ta tập trung thúc đẩy 2 vùng này, tháo gỡ điểm ngẽn của nó, làm nó phát triển tăng trưởng 9-10% thì cả nước sẽ tăng trưởng 7-8%. Đây là vấn đề hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Vì vậy phải có một hệ khuyến khích đầu tư mới để thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào những vùng đô thị phát triển, chứ không phải vào vùng sâu, vùng xa. Đó là cách chúng ta tạo động lực tăng trưởng, đồng thời đổi mới mô hình tăng trưởng.

Chỉ khi 2 đầu của đất nước đổi mới mô hình tăng trưởng thì cả Việt Nam mới đổi mới được mô hình tăng trưởng. Nếu không chúng ta sẽ "dậm chân tại chỗ". Tái cơ cấu, tái cơ cấu và tái cơ cấu nói mãi vẫn không tái được.

Theo PV

VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên