MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không đóng được vị thế hợp đồng, câu hỏi chưa có lời đáp trên TTCK phái sinh

Với mỗi thị trường mới, yếu tố thanh khoản của sản phẩm luôn tồn tại rủi ro. Tương tự với sản phẩm phái sinh, vấn đề thanh khoản sẽ được VSD, HNX và các đơn vị thành viên xử lý ra sao khi thị trường bắt đầu "mở" tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ngày 12/7/2017, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Quyết định số 1289/QĐ-BTC về việc tiếp nhận, bổ nhiệm ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Vị trí này đã được lấp đầy sau gần một tháng rưỡi ông Vũ Bằng nghỉ hưu theo chế độ.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, Ủy ban chứng khoán đã có Chủ tịch mới, và cũng là người đã gắn bó chặt chẽ với thị trường trái phiếu Chính phủ và hệ thống giao dịch tại HNX từ những ngày đầu, sẽ ấn nút khai mở thị trường chứng khoán phái sinh đang bị “nằm chờ” khá lâu. Nghị định về phái sinh đã được ban hành từ năm 2015, dự kiến vận hành vào tháng 6/2017 và thông tin mới đây nhất là sẽ ra mắt vào tháng 8/2017. Không biết ngày ra mắt chứng khoán phái sinh có tiếp tục bị trì hoãn nữa không, nhưng hiện tất cả thành viên thị trường đều đã sẵn sàng hệ thống chờ ngày khai mở.

Hai ngày gần đây, Sở GDCK Hà Nội phối hợp với CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã tổ chức chương trình giao dịch thử thị trường phái sinh cho các nhà báo, với mong muốn các nhà báo được trải nghiệm trên hệ thống như những nhà đầu tư thật. Mỗi nhà báo sẽ được cấp hạn mức 1 tỷ đồng và giao dịch trên hệ thống của SSI. Với số tiền 1 tỷ đồng vốn ban đầu, hệ thống sẽ chuyển 500 triệu ký quỹ trên VSD và 500 triệu đồng đặt tại SSI, sau 1 tiếng giao dịch thử, có một số nhà đầu tư lãi 99 triệu, nhưng cũng có nhà đầu tư lỗ hơn 100 triệu.Sau buổi thử nghiệm, tâm lý chung của các nhà báo đều cho rằng, “chỉ là đoán lên hay xuống” nhưng thực sự kiếm được tiền trên thị trường phái sinh không hề là đơn giản.

Các nhà báo giao dịch thử nghiệm tại SSI

Trước đó, tại hội thảo NDH Talk về “Cơ hội và rủi ro khi đầu tư trên TTCK phái sinh”, bà Nguyễn Vũ Thùy Hương, giám đốc Nguồn vốn kiêm giám đốc dự án phái sinh CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI đã chia sẻ, điều đầu tiên các nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh là cần phải hiểu rõ thị trường chứng khoán phái sinh là gì và các rủi ro có thể gặp phải khi tham gia thị trường này.

Nhà đầu tư có thể coi đây là công cụ đầu tư và sản phẩm đầu tư bình thường, NĐT khi muốn giao dịch chỉ cần mở tài khoản và cách thức đặt lệnh giống thị trường cơ sở. Điểm khác biệt là trên thị trường cơ sở tỷ lệ margin ở mức 50-50 nhưng trên thị trường phái sinh tỷ lệ margin lên đến 80-20, 70-30. Đây là một tỷ lệ ký quỹ rất cao, và nhà đầu tư có thể mua bán ngay trong ngày (T+0).

Với cơ chế cho short (bán tài sản khi chưa sở hữu nó), và “mark to market” (hạch toán lãi lỗ ngay lập tức), cơ chế của thị trường phái sinh cho phép nhà đầu tư và các bên theo dõi lãi và lỗ phát sinh hàng ngày do đó dễ kiểm soát rủi ro hơn. Bên cạnh đó, bản thân các giao dịch trên thị trường phái sinh là để hưởng chênh lệch giá và nếu có mức lãi hay lỗ thì nhà đầu tư rất nhanh chóng cân nhắc về việc nên đóng vị thế.

Thị trường phái sinh là một trò chơi “zero sum game”, tức là nếu có người này lãi thì ở đâu đó ngoài kia sẽ có một người chịu lỗ. Vai trò của Trung tâm lưu ký trên thị trường là đối tác bù trừ trung tâm, được hiểu nôm na là chủ thể đứng giữa các bên giao dịch, người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán. Nhưng VSD chỉ là trung gian, người bán muốn bán phải có người mua lệnh đối ứng, nếu không sẽ không đóng được vị thế.

Đó cũng là câu chuyện đau đầu trên thị trường phái sinh lúc này, đó là trong trường hợp thị trường mất thanh khoản và nhà đầu tư muốn bán không bán được (trong trường hợp đóng vị thế mua), muốn mua không mua được (trong trường hợp đóng vị thế bán).

Với biên độ của sàn Hà Nội là 10% và sàn HOSE là 7%, xét trong trường hợp “xấu nhất” xảy ra, thị trường sụt giảm 10% giá trị, nhà đầu tư có thể sẽ mất toàn bộ lượng tiền thực hiện giao dịch ngay trong phiên.

Lấy ví dụ, một nhà đầu tư ký quỹ tại VSD có khoản tiền 500 triệu đồng. VSD cho phép nhà đầu tư sử dụng tối đa 80% giá trị ký quỹ để thực hiện giao dịch, tương đương 400 triệu đồng.

Với chỉ số HNX30 được giả định ở mức 105 điểm. Giá trị mỗi hợp đồng phái sinh sẽ ở mức 10,5 triệu đồng/1HĐ. Để thực hiện giao dịch mua 1 hợp đồng, NĐT sẽ cần một khoản ký quỹ 10% giá trị hợp đồng, tương đương 1,05 triệu đồng.

Như vậy nếu dùng 400 triệu đồng, nhà đầu tư có thể mua được:

Số HĐ = 400 triệu/1,05 triệu =381 HĐ

Trong trường hợp, với biên độ giao dịch trên thị trường phái sinh là 10%, trong trường hợp “xấu nhất” xảy ra khi tất cả các cổ phiếu trên thị trường đồng loạt giảm sàn khiến thị trường giảm kịch biên độ (khoảng 9%), lúc này chỉ số HNX30 sẽ rơi từ 105 điểm xuống còn 95,5,5 điểm. Điều này sẽ khiến nhà đầu tư sẽ mất:

Số tiền lỗ = 381* (105-95,55) *100.000 = 360 triệu đồng.

Lúc này, nhà đầu tư sẽ lỗ 360 triệu đồng. Ngày hôm sau VSD sẽ yêu cầu NĐT có thể sẽ sử dụng phần còn lại trong khoản ký quỹ của NĐT (100 triệu đồng) và yêu cầu NĐT bổ sung tiền vào tài khoản để cân bằng lượng ký quỹ ban đầu. Nếu trong phiên tiếp theo, NĐT không thể bổ sung nộp ký quỹ, và thị trường tiếp tục sụt giảm trung tâm lưu ký chứng khoán sẽ tiến hành đóng vị thế và chấm dứt giao dịch của NĐT tự động.

Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp xấu nhất, thị trường liên tục giảm 2 phiên với biên độ 9%, nhưng VSD không thể đóng vị thế của NĐT, điều gì sẽ xảy ra?

Trả lời câu hỏi trên, bà Lê Thị Thanh Tâm- Trưởng phòng Dịch vụ Tài Chính – CTCP Chứng khoán Sài Gòn cho biết, trường hợp thị trường mất thanh khoản hoàn toàn là điều rất khó xảy ra, việc này diễn ra khi có một “cú sốc” rất lớn tác động vào thị trường. Trong trường hợp này, CTCK sẽ kết hợp với VSD “đóng băng” giao dịch của HĐ, để tìm hiểu nguyên nhân và sau đó sẽ quy rõ trách nhiệm cho mỗi bên để xử lý.

Trên thị trường phái sinh, giao dịch là nhà đầu tư thực hiện nhưng thành viên bù trừ phải chịu trách nhiệm đến cùng. Nếu nhà đầu tư mất thanh toán thì trách nhiệm sẽ thuộc về thành viên bù trừ nên phải có biện pháp kiểm soát được điều này. Đồng thời, nhà đầu tư là một phần nhưng CTCK và thành viên bù trừ phải nhận diện rủi ro để sẵn sàng cho các kịch bản đỗ vỡ.

Hiện thị trường phái sinh có 2 sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, mỗi hợp đồng bao gồm kỳ hạn tháng hiện tại, tháng kế tiếp và 2 tháng cuối 2 quý tiếp theo, tức là mỗi chỉ số sẽ có khoảng 4 mã. Khả năng mất trắng khoản tiền đầu tư là hoàn toàn có, nhưng có trường hợp nào không thể đóng nổi vị thế không? Cơ chế khớp lệnh trên thị trường phái sinh những như trên cơ sở, đó là ưu tiên về giá, sau đó ưu tiên về thời gian. Do chỉ số là tổng hợp của cả thị trường nên biến động sẽ không như chỉ số riêng lẻ và rất khó có trường hợp đóng băng toàn thị trường và nhà đầu tư không thể đóng nổi vị thế.

Điều này có thể thấy, mặc dù là một thị trường nhiều tiềm năng và nhiều yếu tố hấp dẫn như có thể giao dịch long – short (hai chiều), giao dịch real- time (T+0), nhận tiền thanh toán (T+1)…nhưng vẫn hiện diễn rủi ro lớn về thanh khoản đối với một thị trường mới. Mỗi thị trường mới bao giờ cũng có 2 vấn đề, thứ nhất là thanh khoản và thứ hai là khi thanh khoản quá lớn thì làm sao để điều tiết. Vì thế, NĐT cần cân nhắc kỹ và đưa ra những quyết định cẩn thận trước khi gia nhập thị trường. NĐT nên xác định mức độ chấp nhận rủi ro, cùng với việc tìm hiểu các phương pháp giao dịch tốt nhất để tạo ra hiệu quả.

Theo Phan Tùng

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên