Không được phép xây dựng sân golf trên đất quốc phòng, an ninh
Theo Nghị định 52 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/6, việc xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf không được xây trên đất quốc phòng, an ninh hoặc đất rừng, đất trồng lúa...
Không được xây sân golf trên đất quốc phòng, an ninh
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020. Trong đó, Nghị định quy định điều kiện sử dụng đất để thực hiện dự án sân golf.
ghị định 52 quy định không được xây sân golf trên đất quốc phòng, an ninh.
NTheo đó, các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf gồm: Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa, trừ trường hợp quy định; đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, di tích thuộc danh mục kiểm kê của UBND cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định;
Đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao; đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Đê điều, Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo.
Dự án sân golf ở vùng trung du, miền núi được sử dụng tối đa không quá 5 ha đất trồng lúa một vụ, phân tán tại địa điểm xây dựng và phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, điều kiện thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dự án sân golf sử dụng đất rừng sản xuất không phải là rừng tự nhiên phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp…
Sân golf chỉ được mở rộng khi đã đưa vào hoạt động
Nghị định 52 cũng quy định cụ thể điều kiện xây dựng, mở rộng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf.
Theo đó, diện tích sân golf tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90 ha (bình quân không quá 5 ha trên một lỗ golf); diện tích dự án sân golf xây dựng lần đầu không được quá 270 ha (54 lỗ golf).
Nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng sân golf trong thời hạn không quá 36 tháng (đối với sân golf 18 lỗ) hoặc không quá 48 tháng (đối với sân golf khác) kể từ ngày được quyết định cho thuê đất.
Việc mở rộng dự án sân golf đã được quyết định chủ trương đầu tư chỉ được xem xét sau khi dự án đó đã hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động và đáp ứng các điều kiện quy định.
Trường hợp nhà đầu tư đề xuất các dự án sân golf khác nhau trên cùng địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì đề xuất dự án sân golf kế tiếp của nhà đầu tư đó chỉ được xem xét sau khi dự án sân golf đã được quyết định chủ trương đầu tư trước đó hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động.
Cũng theo Nghị định này, nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf phải đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính và các điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đất đai; ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (đối với trường hợp phải ký quỹ) theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đồng thời, nhà đầu tư phải tự bảo đảm các yêu cầu, điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.
Nhà đầu tư chỉ được triển khai thực hiện dự án sân golf sau khi có quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Những địa điểm nào phù hợp để xây dựng sân golf?
Theo Nghị định 52, sân golf được xây dựng tại địa điểm đáp ứng các điều kiện như: Phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định; phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có liên quan; đáp ứng điều kiện xây dựng công trình cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật kết nối trong và ngoài khu vực sân golf;
Phù hợp với yêu cầu lập hành lang bảo vệ nguồn nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, tài nguyên môi trường biển, hải đảo.
Được biết, mới đây dư luận xôn xao việc UBND tỉnh Bắc Ninh xin ý kiến về việc thẩm định thực hiện dự án sân golf quốc tế Thuận Thành có quy mô 18 lỗ tại xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành (ngay cạnh sông Đuống) do liên danh Công ty CP đầu tư và phát triển bất động sản Hudland (Công ty Hudland) và Công ty CP tư vấn và thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long) làm chủ đầu tư.
Nhiều ý kiến cho rằng, làm sân golf cạnh sông Đuống là không hợp lý, bởi dự án này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, khi lượng chất thải từ sân golf đổ ra sông Đuống- nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm nghìn hộ dân.
Liên quan đến liên danh nhà đầu tư (Công ty Hudland, Công ty Thăng Long) đang xin làm dự án sân golf quốc tế Thuận Thành, Bộ Tài chính cho biết, với các tài liệu báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy 2 công ty này có nợ đọng lớn, thua lỗ nhiều năm. Bên cạnh đó, Bộ này đề nghị cần bổ sung thuyết minh về tính toán hiệu quả kinh tế và khả năng đóng góp đối với địa phương để khẳng định về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án...
Tiền phong