Không được trả cổ tức bằng tiền mặt, các ngân hàng sẽ phát hành thêm hàng tỷ cổ phiếu năm 2022?
Yêu cầu không chia cổ tức bằng tiền mặt của NHNN nhiều khả năng sẽ thúc đẩy hoạt động phát hành cổ phiếu tại các ngân hàng như năm 2 năm trước. Trước đó, các nhà băng đã đưa thêm vào thị trường khoảng 8 tỷ cổ phiếu thông qua việc trả cổ tức trong năm 2021.
- 19-01-2022Cổ phiếu ngân hàng nào mang lỗ về cho nhà đầu tư nhiều nhất từ đầu năm?
- 17-01-2022Cổ phiếu ngân hàng ''quay đầu'' trong phiên chiều: STB giảm gần sàn, VCB ngược dòng tăng gần 3,4%
- 17-01-2022Sáng đầu tuần cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, có mã tăng kịch trần
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022.
Đáng chú ý, tại văn bản này, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt, thiết thực, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, các TCTD cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022 để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Đây là năm thứ ba liên tiếp Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Trong năm 2021, cơ quan này cũng đã ra chỉ thị tương tự buộc các ngân hàng phải chuyển sang trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.
Việc chia cổ tức cổ phiếu tại các ngân hàng quốc doanh từ năm 2021 đã được hỗ trợ bởi Nghị định 121/2020, cho phép Chính phủ bơm vốn vào các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu Nhà nước trên 50%. Trong khi tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu của các ngân hàng tư nhân cao hơn so với các năm trước do NHNN không cho phép trả cổ tức tiền mặt trong 2020 và 2021.
Trên cơ sở đó, các ngân hàng đã đưa thêm vào thị trường khoảng 8 tỷ cổ phiếu thông qua việc trả cổ tức trong năm 2021.
Một số đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức lớn trong năm 2021 có thể kể đến như VPBank phát hành 1,97 tỷ cổ phần trả cổ tức và thưởng; VietinBank phát hành 1,1 tỷ cổ phần để trả cổ tức còn lại của các năm 2017, 2018 và 2019 với tổng tỷ lệ 29,07%; BIDV phát hành 1,04 tỷ cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 25,77%; Vietcombank phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức năm 2019; MB phát hành gần 980 triệu cp để trả cổ tức theo tỷ lệ 35%; ACB phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25%;...
Như vậy với chỉ thị mới được Thống đốc đưa, nhiều khả năng hoạt động phát hành cổ phiếu trả cổ tức sẽ tiếp diễn ra sôi động trong năm 2022. Đặc biệt là khi các ngân hàng vẫn lãi lớn trong năm 2021 và nhu cầu tăng vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh vẫn luôn thường trực.
Năm 2021, MSB đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Ngân hàng này dự kiến tiếp tục tăng vốn theo cách đó trong năm 2022, hướng đến mục tiêu vốn điều lệ đạt 20.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo MSB cho biết, Ngân hàng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức năm 2021, tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ. Ngân hàng muốn tỷ lệ an toàn vốn cao hơn so với tiêu chuẩn chung, nhưng vẫn sẽ đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
Tương tự, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV vẫn tiếp tục đề xuất tăng thêm vốn dù ngân hàng này vừa mới thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu và đang dẫn đầu về quy mô vốn điều lệ.
Theo ông Tú, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước. Áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel 2 nâng cao, Basel 3 và đặc biệt trong giai đoạn tới 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.
Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Tú viện dẫn số liệu của World Bank, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 13% năm 2015 xuống còn 11,1% vào tháng 6/2021. CAR 4 ngân hàng thương mại Nhà nước còn thấp hơn chỉ khoảng 9,17% với 3 ngân hàng thương mại đã áp dụng Thông tư 41 và khoảng hơn 10% với Agribank – hiện đang áp dụng Thông tư 22.
Với BIDV, mặc dù đã được chấp thuận chia cổ tức 25,77% để tăng vốn song theo hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh dư nợ cho vay, cơ cấu nợ hỗ trợ khách hàng và yêu cầu thực hiện Basel II, Basel III khiến áp lực với hệ số CAR ngày càng tăng.
"Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, trước mắt, thông qua các hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP)…", ông Phan Đức Tú nói.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank cho rằng, việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) và tăng trưởng kinh doanh trong trung, dài hạn.
Đặc biệt, bộ đệm vốn dày sẽ giúp các ngân hàng có lợi thế trong việc được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng để mở rộng cho vay, gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ, đảm bảo sớm hoàn thành tiêu chuẩn của Basel II cũng như tiến đến Basel III.
Trí Thức Trẻ
- Khối ngoại gom cổ phiếu HDB phiên thứ 8 liên tiếp, giá tăng mạnh
- Nhiều cổ phiếu ngân hàng bật tăng mạnh, EIB được khối ngoại gom ròng hơn 3,9 triệu cp với thanh khoản đột biến
- Yếu tố nào giúp VIB đảo chiều tăng mạnh phiên 29/3?
- Chứng khoán Mirae Asset gọi tên 6 ngân hàng đáng chú ý trong năm 2022, một ông lớn Big 4 có lợi nhuận ước tăng hơn 101%
- Cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ, STB và BID giảm sâu kèm thanh khoản đột biến