MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không giới hạn độ tuổi lao động tự do nhận gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng

Tính đến nay, nhiều địa phương cơ bản triển khai xong hỗ trợ cho các nhóm người dân gồm người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo trong gói an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều đơn vị, việc hỗ trợ cho nhóm lao động tự do đang gặp nhiều vướng mắc trong xác định các tiêu chí, như độ tuổi, công việc...

Ông Nguyễn Đình Tiên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Đống Đa (TP Hà Nội) cho biết, qua rà soát trên địa bàn quận, nhóm lao động tự do là phức tạp nhất. Nhóm này theo Nghị quyết 42 và Quyết định số 15 mới chỉ quy định cư trú hợp pháp, phi nông nghiệp, mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo, còn về độ tuổi chưa nói rõ.

"Trường hợp một cụ già 80 tuổi, bán trà đá, công việc chính đem lại thu nhập cho cả gia đình có được nhận trợ cấp theo nhóm lao động tự do hay không?”, ông Tiên đặt câu hỏi.

Nhiều địa phương cũng cho biết, lao động tự do áp dụng tiêu chí phi nông nghiệp cũng xảy ra nhiều trường hợp phức tạp, gây lúng túng cho các cơ sở. Chẳng hạn, một số người dân có ruộng nhưng không làm mà đi làm các công việc khác như xây dựng, bán hàng rong…Cũng có trường hợp không có ruộng nhưng lại mượn để làm…và bị mất việc do dịch COVID – 19 thì có được hưởng trợ cấp hay không?

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm: "Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc". Mặt khác, pháp luật hiện hành không quy định trong hay ngoài độ tuổi lao động (khái niệm từ đủ 15 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ, từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi đối với nam chỉ áp dụng trong quy định về pháp luật bảo hiểm xã hội).

Do đó, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm theo Quyết định số 15 sẽ không bị giới hạn trong hay ngoài độ tuổi lao động.

Về cơ sở để xác định có được hưởng trợ cấp hay không, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, căn cứ vào thu nhập trong thời gian xảy ra dịch COVID – 19. Thu nhập của những lao động này giảm sâu dưới mức chuẩn cận nghèo.

Cụ thể, mức này quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg là 1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Trường hợp địa phương có chuẩn nghèo riêng thì áp dụng theo chuẩn nghèo của địa phương (Khoản 3 Điều 19 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg).

Ngoài ra, các lao động tự do thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp được hỗ trợ phải làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, căn cứ vào điều kiện và tình hình triển khai của từng địa phương, UBND các tỉnh, thành có thể quyết định hỗ trợ cho các đối tượng khác khác ngoài các đối tượng quy định trên. Tiền hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Theo Dương Hưng

Tiền phong

Trở lên trên