Không kém dầu hay khí đốt, loại lương thực quan trọng số một thế giới này cũng đang nằm giữa vòng xoáy tăng giá
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ mới đây dự báo sẽ gây ra những tác động không đồng đều đến khu vực châu Á, trong đó Philippines và Indonesia là những nước dễ bị ảnh hưởng nhất.
- 19-09-2022Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp, nông dân Việt Nam sẽ trúng giá?
- 18-09-2022Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tìm mua gạo Việt
- 16-09-2022Lý do gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ tăng giá
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm. Đây là mặt hàng mà một số nước nghèo ở châu Phi nhập khẩu để làm thức ăn, dù loại gạo này chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Đồng thời, New Delhi còn áp thuế 20% đối với một số loại gạo khác nhằm đảm bảo nguồn cung và hạ nhiệt giá gạo trong nước sau khi sản lượng đi xuống vì thiếu mưa. Lệnh này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 9/9.
Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và đang cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar. Đất nước tỷ dân này xuất khẩu gạo tới hơn 150 quốc gia và bất kỳ sự giảm sút nào trong hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ đều sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực toàn cầu.
Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu kỷ lục 21,5 triệu tấn gạo, nhiều hơn tổng lượng hàng mà 4 nước xếp sau là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại. Tuy nhiên, sản lượng đã giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước kể từ ngày 2/9. Nguyên nhân là do lượng mưa ở dưới mức trung bình, ảnh hưởng đến việc thu hoạch.
Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng của công ty dịch vụ tài chính cho biết, đối với Ấn Độ, tháng 7 và tháng 8 là những tháng quan trọng nhất, vì dựa vào lượng mưa để xác định lượng lúa được gieo. Năm nay, các đợt mưa gió mùa không đều đã làm giảm sản lượng.
Các bang sản xuất gạo lớn của Ấn Độ như Tây Bengal, Bihar và Uttar Pradesh đang nhận được lượng mưa ít hơn từ 30% đến 40%, Varma cho biết. Mặc dù lượng mưa tăng lên vào cuối tháng 8, nhưng “việc gieo sạ càng bị trì hoãn, thì nguy cơ năng suất sẽ càng thấp hơn.”
Đầu năm nay, quốc gia Nam Á này đã hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường để kiểm soát giá nội địa tăng do cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến thị trường lương thực toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Những quốc gia nào bị ảnh hưởng?
Mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã thông báo rằng sản lượng gạo trong mùa gió Tây Nam từ tháng 6 đến tháng 10 có thể giảm từ 10 đến 12 triệu tấn, điều này chỉ ra rằng năng suất cây trồng có thể giảm tới 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Tác động của lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ được cảm nhận trực tiếp bởi các quốc gia nhập khẩu từ Ấn Độ và gián tiếp bởi tất cả các nhà nhập khẩu gạo, bởi điều này sẽ tác động tới giá gạo toàn cầu”, theo một báo cáo của Nomura được công bố gần đây.
Kết quả từ Nomura cho thấy giá gạo vẫn ở mức cao trong năm nay, với mức tăng giá trên các thị trường bán lẻ đạt khoảng 9,3% vào tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 6,6% vào năm 2022. Lạm phát giá tiêu dùng (CPI) đối với gạo cũng tăng vọt 3,6% theo năm tính đến tháng 7, tăng từ 0,5% vào năm 2022.
Ảnh minh họa.
Philippines, quốc gia nhập khẩu hơn 20% nhu cầu tiêu thụ gạo, là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất châu Á, gạo và các sản phẩm từ gạo chiếm 25% thị phần trong rổ lương thực CPI, có tỷ trọng cao nhất trong khu vực, theo Statista. Vì vậy, quốc gia ở châu Á này có nguy cơ bị tăng giá cao nhất, Nomura cho biết.
Lạm phát ở nước này ở mức 6,3% trong tháng 8, dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Philippines cho thấy - cao hơn mức mục tiêu của ngân hàng trung ương là 2% đến 4%. Do đó, lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ sẽ là một đòn giáng mạnh vào quốc gia Đông Nam Á này.
Tương tự, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng sẽ gây bất lợi cho Indonesia. Indonesia có thể là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai ở châu Á.
Nomura báo cáo rằng quốc gia này phụ thuộc vào nhập khẩu với 2,1% nhu cầu tiêu thụ gạo. Theo Statista, gạo chiếm khoảng 15% trong rổ lương thực CPI.
Tuy nhiên, đối với một số quốc gia châu Á khác, "cơn đau" có thể chỉ ở mức tối thiểu.
Singapore nhập khẩu toàn bộ gạo của mình, với 28,07% trong số đó đến từ Ấn Độ vào năm 2021, theo Trade Map. Nhưng quốc gia này không dễ bị tổn thương như Philippines và Indonesia vì “tỷ trọng gạo trong rổ tính CPI là tương đối nhỏ”, Varma lưu ý.
Một số quốc gia có thể được hưởng lợi
Thái Lan và Việt Nam có nhiều khả năng sẽ thu được lợi nhuận từ lệnh cấm của Ấn Độ. Đó là bởi vì đây là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới. Hai nước này có khả năng cao sẽ trở thành lựa chọn thay thế cho các quốc gia đang tìm cách lấp đầy khoảng trống.
Tổng sản lượng gạo của Việt Nam đạt khoảng 44 triệu tấn vào năm 2021, với xuất khẩu mang lại 3,133 tỷ USD, theo một báo cáo được công bố vào tháng 7 của công ty nghiên cứu Global Information.
Dữ liệu từ Statista cho thấy Thái Lan sản xuất 21,4 triệu tấn gạo vào năm 2021, tăng 2,18 triệu tấn so với năm trước.
Ảnh minh họa.
Với sự gia tăng xuất khẩu và lệnh cấm của Ấn Độ gây áp lực lên giá gạo, giá trị xuất khẩu gạo nói chung sẽ tăng lên và hai quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ điều đó.
“Bất kỳ ai hiện đang nhập khẩu từ Ấn Độ sẽ tìm cách nhập khẩu nhiều hơn từ Thái Lan và Việt Nam,” Varma nói.
Theo đưa tin từ Nikkei, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan sẽ thăm Việt Nam vào đầu tháng 10 tới để hội đàm với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc nâng giá xuất khẩu gạo.
Nikkei ghi nhận, giá gạo xuất khẩu tại Việt Nam đã bắt đầu đi lên sau khi Ấn Độ áp thuế. Trước đó, theo dữ liệu từ Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) thì trong tháng 8, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đạt khoảng 446 USD/tấn trong tháng 8, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá gạo tại Việt Nam leo lên mức 385 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước cũng ghi nhận giá các mặt hàng gạo nguyên liệu, thành phẩm tiếp tục tăng. Cụ thể, ngày 15/9, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang ở mức 8.250 - 8.300 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 8.850 - 8.900 đồng/kg, tăng 50 - 100 đồng/kg. Giá tấm ở mức 8.400 - 8.500 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg, giá cám khô 7.750 - 7.850 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg.
Tham khảo: CNBC
Nhịp sống Thị trường