Không kết hôn trở thành trạng thái “bình thường mới” tại quốc gia châu Á, ai muốn sinh con mới là chuyện bất ngờ
Ngay cả khi đất nước đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về nhân khẩu học, tại Hàn Quốc, việc không kết hôn không còn là lựa chọn cá nhân mà phát triển thành cả phong trào.
- 18-06-2024Sính lễ lên tới 1 tỷ đồng, cần có nhà, có ô tô: Nam giới nông thôn Trung Quốc chật vật để kết hôn khiến cơ quan chức năng phải lập tức vào cuộc
- 15-05-2024Cái chết gây rúng động của Mèo béo: Bi kịch của nam giới Trung Quốc ở tuổi kết hôn
- 30-03-2024Không muốn kết hôn, nhiều phụ nữ chi hơn 10 triệu đồng mua búp bê về làm con: "Con nuôi" được thiết kế theo ý muốn, được đi học ở trường mầm non riêng biệt
Mặc nhiều nỗ lực của chính phủ, chủ nghĩa phi hôn nhân tại Hàn Quốc - đất nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới năm 2023 vẫn ngày càng tăng cao.
Những con số thống kê giật mình
Một cuộc khảo sát công bố vào tháng 3 vừa qua cho thấy chỉ một nửa dân số trưởng thành ở Hàn Quốc sẵn sàng kết hôn và chưa đến một nửa muốn có con trong tương lai.
Trong số 1.059 người chưa kết hôn từ 19 đến 49 tuổi được khảo sát chỉ có 51,7% cho biết họ muốn có gia đình nhỏ. Trong khi đó, khoảng 24,5% thẳng thắn nói rằng hôn nhân không phải là tương lai của họ, 19,1% cho biết họ vẫn chưa quyết định.
Xét theo giới tính, nam giới sẵn sàng kết hôn nhiều hơn nữ giới: 56,3% so với 47,2%.
Về việc có con, 46% nói “Không”. Chỉ có 28,3% sẵn sàng sinh con. Trong số những người đã kết hôn, 46,5% “đang nghĩ đến việc có con”, trong khi 24,7% cho biết họ “sẽ không có con”. Trong số những người đã kết hôn và có ít nhất một con, 76,1% cho biết họ không có kế hoạch sinh thêm con.
Quá nửa người trẻ Hàn Quốc không mặn mà với hôn nhân và càng ít người muốn sinh con
Tình trạng này diễn ra khi hầu hết mọi người đều ý thức về vấn đề già hóa dân số nghiêm trọng của Hàn Quốc. Gần như có sự nhất trí - 93,9% - rằng tỷ lệ sinh giảm ở Hàn Quốc là một "vấn đề xã hội" và họ cho rằng nguyên nhân của vấn đề này là do khó khăn trong việc cân bằng công việc và chăm sóc con cái.
Chủ nghĩa xa lánh hôn nhân
Tỷ lệ kết hôn sụt giảm ở Hàn Quốc thậm chí còn tạo ra thuật ngữ "chủ nghĩa phi hôn nhân". Không giống như việc chỉ đơn giản là chưa kết hôn, ngụ ý rằng hôn nhân có thể ở phía trước, chủ nghĩa phi hôn nhân đề cập đến những người quyết định phản đối hôn nhân.
Từ vài năm nay, một nhóm phụ nữ ở Hàn Quốc đã có phong trào 4B - tức “4 Không”: không hẹn hò, không yêu đương, không tình dục và không hôn nhân.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc cho biết tỷ lệ nam giới chưa kết hôn ở độ tuổi 30 cao hơn gấp 5 lần so với 30 năm trước. Tỷ lệ ở phụ nữ cao gấp 8 lần.
Phụ nữ xứ Hàn có phong trào “4 Không”: không hẹn hò, không yêu đương, không tình dục và không hôn nhân
Kim Young-ran, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, cho biết: “Những lý do chính khiến thế hệ trẻ không kết hôn chủ yếu là do kinh tế, bao gồm giá bất động sản tăng vọt và chi phí giáo dục cao. Vì vậy, việc hỗ trợ các hộ gia đình độc thân không tạo ra động lực để mọi người quyết định có kết hôn hay không, cũng như không góp phần làm giảm tỷ lệ sinh. Tôi tin rằng việc hỗ trợ tích cực hơn cho các hộ gia đình độc thân trẻ tuổi sẽ dẫn đến ổn định kinh tế . Và có lẽ điều này thậm chí có thể dẫn đến khao khát hôn nhân".
Xã hội dần chấp nhận người độc thân
Là một quốc gia Đông Á, Hàn Quốc cũng có văn hóa coi trọng gia đình. Nhưng những năm gần đây, sự gia tăng số hộ gia đình độc thân cũng đồng nghĩa với việc gia tăng sự đồng thuận của xã hội với nhóm người ngày càng đông này.
Ví dụ, việc ăn uống một mình và sự kỳ thị đối với việc đi ăn nhà hàng một mình đang mờ dần ở Hàn Quốc.
Một chuỗi nhà hàng ở Seoul đã điều chỉnh món ăn cổ điển của Hàn Quốc để phục vụ xu hướng này.
Possum - thịt lợn hấp ăn kèm kim chi và rau - theo truyền thống được phục vụ theo khẩu phần lớn để chia sẻ cho các nhóm. Nhưng chuỗi nhà hàng này hiện cung cấp các phần đơn lẻ và bán rất chạy.
Một thực khách ở độ tuổi 30 cho biết: “Tôi đến đây vì có thể ăn một mình, trong khi trước đây tôi phải gọi cho hai người trở lên. Thật tuyệt vì tôi có thể ăn mà không phải lo lắng cho ai khác”.
Những quán ăn cho người đi một mình đã trở nên phổ biến tại Hàn Quốc
Người sáng lập chuỗi cho biết ông đã phát hiện ra xu hướng đang nổi lên cách đây một thập kỷ và đã bắt kịp nó. Giám đốc điều hành Park Yo-ha cho biết ông còn đang nghĩ đến việc mở quán rượu phục vụ người đi một mình, giúp mọi người có thể dễ dàng uống rượu một mình mà không cảm thấy xấu hổ.
Trong khi đó, nhân viên công ty mỹ phẩm Lush Korea thì được nhận "trợ cấp ngoài hôn nhân". Trước đây, như nhiều doanh nghiệp khác, Lush Korea sẽ tặng nhân viên một món quà trị giá khoảng 500.000 won (gần 10 triệu đồng) khi kết hôn. Hiện nay, nếu có người tuyên bố có ý định không bao giờ kết hôn, công ty cũng sẽ trao 500.000 won và 10 ngày nghỉ phép. Nếu sau này nhân viên thay đổi ý kiến và làm đám cưới, họ sẽ không nhận được phần quà cưới nữa.
Kim Seul-ki - một nhân viên đã đưa ra cam kết không kết hôn và nhận phần quà nói: “Tôi đã đăng ký tham gia chương trình này và rất vui vì có thể nhận được những lợi ích giống như những người đã kết hôn. Nó thúc đẩy tôi làm việc vì tôi cảm thấy mọi người đều được đối xử như nhau".
Đại diện của Lush Korea cho biết trợ cấp ngoài hôn nhân không được tạo ra để khuyến khích lối sống độc thân mà để thúc đẩy sự tôn trọng các lối sống và giá trị đa dạng. Chương trình đặc biệt này thậm chí còn thúc đẩy tuyển dụng vì nhiều người trẻ thích công ty có văn hóa như vậy.
Nguồn: NHK, Hani
Đời sống và pháp luật