MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không muốn phải xin tiền bố mẹ, dân văn phòng thất nghiệp lâm vào đường cùng, phải bán vàng và chấp nhận mức sống chỉ 2 triệu/tháng

17-07-2024 - 15:37 PM | Lifestyle

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, trải nghiệm thất nghiệp đã dạy cho họ nhiều bài học về cách quản lý tài chính.

Với nhiều người, họ khó biết mình có thể sống tiết kiệm đến đâu nếu không rơi vào tình cảnh hết tiền. Thất nghiệp là một trong những hoàn cảnh như thế. Rơi vào cảnh thu nhập không còn trong khi chi phí sinh hoạt vẫn ngày ngày tăng cao nên nhiều người trẻ đành phải hạ mức sống, chấp nhận mua sắm với sự tính toán từng đồng một.

Sống giữa thành phố lớn với chi tiêu chỉ 2-3 triệu đồng/tháng - một mức chi phí tưởng như khó khăn khi còn có công việc, song họ đã duy trì được trong nhiều tháng kể từ khi thất nghiệp.

Chỉ tiêu 2-3 triệu đồng/tháng từ khi thất nghiệp

Từng kiếm được mức thu nhập ổn là 15 triệu đồng/tháng nên Thanh Thảo (2002) cũng mặc nhiên để suy nghĩ "lương cao mà, cứ tiêu đi" choán lấy mình. Cho đến tận khi không may thất nghiệp 3 tháng, cô bạn mới "bừng tỉnh". Sau khi thất nghiệp, cô bạn thậm chí còn phải bán bớt số vàng đã phải tích lũy từ trước đó để lo chi phí sinh hoạt.

Thanh Thảo tâm sự: "  Sau khi hết tiền, mình hạn chế đi chơi hơn. Trước đây, toàn là mình chủ động rủ bạn bè đi chơi ấy. Giờ thì khác, mình chỉ đi cà phê 1-2 lần/tháng, để gặp những người bạn lâu ngày chưa gặp thôi. Đồng thời, cũng phải cắt giảm ăn ngoài, hôm nào bất đắc dĩ lắm mới ăn nhưng cũng ăn những thứ rẻ thôi. Mỹ phẩm thì cái gì hết mà rất cần, mình mới mua, chứ không mua vô tội vạ nữa. Còn nhu cầu mua quần áo và mấy thứ trông hay hay nhưng chẳng có tác dụng gì thì mình cắt hoàn toàn" .

Thanh Thảo chia sẻ và cho biết nhờ tiết chế việc ăn chơi, mua sắm mà cô vẫn "sống khỏe" suốt mấy tháng trời với số tiền 2-3 triệu mà thi thoảng bố mẹ "tiếp tế". Cuộc sống vẫn thoải mái chứ không đến mức thiếu thốn hay khổ sở quá.

Không muốn phải xin tiền bố mẹ, dân văn phòng thất nghiệp lâm vào đường cùng, phải bán vàng và chấp nhận mức sống chỉ 2 triệu/tháng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Không may mắn như Thanh Thảo, Hoài Thương (SN 1999, Hà Nội) đã rơi vào cả khủng hoàng tài chính và tinh thần sau bị sa thải vào tháng 8/2023. Cô bạn tâm sự: "Bất ngờ bị sa thải, mình chưa chuẩn bị gì cho tình huống này. Mất khoảng 5 tháng đầu sau nghỉ việc, mình vẫn chi tiêu với mức sống khi còn làm dân văn phòng. Tuy nhiên, khi thấy tài khoản ngân hàng dần vơi đi, mình buộc phải đứng dậy. Vì nếu cứ duy trì ở mức sống này, một đứa 25 tuổi như mình sẽ cần ngửa tay xin tiền bố mẹ".

Và để thực hiện mục tiêu sống tốt khi thất nghiệp, cô nàng đã cắt giảm mọi khoản chi tiêu chỉ còn 2 triệu đồng/tháng. Cụ thể như sau:

- Tiền nhà: 0 đồng. Bởi lẽ Hoài Thương đang ở cùng nhà với gia đình, do đó không cần tốn chi phí nào cho mức tiêu dùng này.

- Tiền ăn uống: 900 ngàn đồng.

Hoài Thương đang tận dụng quãng thời gian nghỉ việc để giảm cân, do đó số tiền chi cho ăn uống của cô bạn cũng được giảm tối đa. Mỗi ngày, cô bạn chỉ tốn 30 ngàn đồng cho chi phí ăn uống. Để tiết kiệm chi phí, Hoài Thương tự nấu ăn tại nhà, kết hợp tận dụng "nhà có gì thì ăn nấy".

- Tiền cafe và trà chanh thư giãn cùng bạn bè: 300 ngàn đồng.

- Tiền đổ xăng: 300 ngàn đồng.

- Các khoản chi còn lại (mua đồ mỹ phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày, đi đám cưới và hỏi thăm họ hàng…): 500 ngàn đồng.

Cô nàng chia sẻ: “Ở thời điểm thất nghiệp mình cắt bỏ hoàn toàn những khoản chi tiêu tốn kém sau đây: Mua quần áo mới - Đi du lịch dài ngày - Các khoản đăng ký hàng tháng như Spotify, Netflix,...

Nếu như ngày trước, mình là người chủ động rủ rê bạn bè tham gia các buổi ăn uống và liên hoan tốn kém, thì giờ đây mình luôn kêu họ đến những nơi có mức giá rẻ hơn, chỉ khoảng 50 - 100 ngàn đồng/bữa, chứ không còn là ăn uống 300 - 500 ngàn đồng/bữa như trước. Một điều đặc biệt là hiện giờ nhóm bạn mình cũng có nhiều người rơi vào bão sa thải, do đó dễ dàng để chúng mình rủ nhau tiết kiệm hơn”.

Không muốn phải xin tiền bố mẹ, dân văn phòng thất nghiệp lâm vào đường cùng, phải bán vàng và chấp nhận mức sống chỉ 2 triệu/tháng- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Thất nghiệp dạy mình nhiều bài học đắt giá"

Thất nghiệp 3 tháng, phải bán vàng để lấy tiền "phục vụ bản thân" nhưng đã giúp Thanh Thảo trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình: Khỏe hơn, suy nghĩ tích cực hơn, chi tiêu có mục đích hơn.

"Mình không biết việc giảm tần suất ăn chơi và từ bỏ thói quen mua linh tinh có được coi là thành tựu không nữa. Dù bây giờ mình chưa có tiền tiết kiệm, nhưng mình thấy sống tiết kiệm như hiện tại ổn hơn nhiều so với ngày xưa. Sức khoẻ mình ổn hơn, suy nghĩ mình tích cực hơn vì mình luôn hướng đến việc tiết kiệm để mua được những thứ to to, ra tấm ra món", cô nàng tâm sự.

Còn về phía Hoài Thương, nhớ lại quãng thời gian chỉ tiêu 2 triệu đồng/tháng khi thất nghiệp, ở khía cạnh tích cực thì cô bạn còn vẫn thầm cảm ơn lần sa thải đột ngột đó.

Hoài Thương bày tỏ: “Đầu tiên, mình thấy biết ơn vì nhờ đó, mình mới học được cách chi tiêu tiết kiệm. Chưa bao giờ mình thấy bản thân ‘rỗng ví' như trải nghiệm này. Nhờ đó, mình biết học cách đa dạng thu nhập, trích tiền lương hàng tháng để đầu tư và gửi tiết kiệm.

Ngoài ra, quả thật trước khi thất nghiệp, mình vẫn còn suy nghĩ mơ hồ về tương lai. Mình luôn nghĩ, mình sẽ chỉ cố gắng làm một công việc văn phòng với mức lương 30-40 triệu đồng/tháng. Sau đó, mình cưới chồng và cả hai cùng cố gắng mua căn nhà ở Hà Nội, thế là có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, mình nhận ra kể cả khi bạn đã nỗ lực làm việc thì vẫn có thể xuất hiện một biến số khiến kế hoạch cuộc đời chệch hướng hoàn toàn.

Và nếu không có lần sa thải đó, có lẽ cả cuộc đời này mình sẽ chỉ làm nhân viên văn phòng. Và rồi mình không dám thoát ra khỏi vòng an toàn mà chính mình xây dựng nên. Chỉ khi rỗng túi và có quãng thời gian đi chậm lại để nhìn mọi thứ xung quanh, mình mới mong muốn khởi nghiệp để tự làm chủ một lần hơn bao giờ hết. Vì lúc đó, mình không chỉ có cơ hội tự làm giàu, mà còn làm chủ cuộc đời mình, chứ không phụ thuộc vào ý kiến hay sự đồng ý hay không của bất kỳ ai".

Theo Nguyệt

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên