Không phải Brexit, đại dịch "trăm năm cô đơn" mới đang là hiểm họa lan rộng từ Anh ra toàn thế giới
"Bất kể bạn có bao nhiêu tiền, bạn cũng chẳng thể chống lại sự cô đơn", tác giả Tim O’Brien khi viết về tiểu sử Tổng thống Mỹ Donald Trump tổng kết.
Rebecca là một phụ nữ bình thường như bao người khác tại Anh. Cô thông minh, quyến rũ và có một sự nghiệp thành đạt. Tuy nhiên, điều khiến mọi người băn khoăn lại là việc cô còn độc thân. Mối quan hệ nghiêm túc cách đấy 4 năm khi cô 31 tuổi đã chấm dứt và kể từ đó đến nay, Rebecca chưa yêu thêm lần nào nữa.
"Rất nhiều người không hiểu tại sao tôi còn độc thân. Tôi có một sự nghiệp thành đạt, một gia đình hạnh phúc với người thân cùng rất nhiều bạn bè. Tuy nhiên phần lớn bạn bè tôi đã có gia đình và con cái. Tôi hạnh phúc thay cho họ nhưng trớ trêu là tôi chẳng gọi cho ai được khi cần chia sẻ chuyện buồn, chẳng có ai coi tôi là người quan trọng nhất đời họ… Hiện ai là người gần gũi nhất với tôi? Đó là người bố của tôi", cô Rebecca than vãn.
Như một hệ quả tất yếu, Rebecca phải tìm đến Internet cho những cuộc hẹn hò. Cô cho biết mình đã xem mắt được ít nhất 100 lần thông qua Internet. Lần nào cô cũng cố gắng để tìm kiếm nửa kia nhưng hầu hết các cuộc hẹn đều không thành công, và cảm giác của cô ngày càng chán nản hơn.
"Cảm giác đó như thế nào", phóng viên tờ Economist hỏi cô khi cô cho họ xem lý lịch cá nhân trên trang hẹn hò Guardian Soulmates. Đến thời điểm hiện tại có 1.305 người đã xem trang lý lịch của cô và 356 người thích nó.
"Tôi phải thừa nhận rằng mình cô đơn và muốn có một gia đình. Dù khá xấu hổ và buồn nhưng tôi vẫn phải nói điều đó", Rebecca nói.
Trớ trêu thay, chẳng có ai trên trang hẹn hò Soulmates của Rebecca thừa nhận rằng mình đang cô đơn cả, dù chúng đang dần trở thành một đại dịch ở Anh.
Quốc gia cô đơn nhất Châu Âu
Theo báo cáo của Tổng cụ thống kê Anh (ONS), đất nước này là quốc gia cô đơn nhất Châu Âu. Đồng quan điểm trên, nhà văn Deborah Moggach thừa nhận cô đơn đang là 1 dạng bệnh dịch hoành hành ở đây, điều trớ trêu là chả ai dám thừa nhận. Người Anh có thể nói về mọi thứ, kể cả cái chết một cách không kiêng kỵ nhưng chẳng ai dám thừa nhận mình cô đơn.
"Ơn Chúa, may mà giá nhà ở Lodon quá đắt nên tôi chẳng thể mua 1 căn và phải chia sẻ tiền thuê nhà với những người khác", một người phụ nữ 30 tuổi tại Anh cho biết.
Đây là một rủi ro vô cùng lớn cho cả xã hội cũng như nền kinh tế Anh. Trong khi những thách thức như nạn vô gia cư, đói nghèo, bệnh tật có thể đối phó bằng các chương trình an sinh xã hội, y tế hay kích thích kinh tế thì chính phủ hầu như chẳng thể làm gì với đại dịch cô đơn.
Số liệu nghiên cứu của London School of Economics (LSE) năm 2017 cho thấy Anh tiêu tốn bình quân khoảng 6.000 Bảng (hơn 7.900 USD) mỗi người cho chi phí y tế có liên quan đến tình trạng cô đơn. Nghiên cứu cũng cho thấy cô đơn tạo nên những tác dụng xấu tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày và chỉ có khoảng 22% dân số Anh là hoàn toàn không mắc bệnh dịch này.
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi vào năm 2018, chính quyền London phải thúc đẩy hơn 120 dự án với tổng trị giá 11,5 triệu Bảng (15,15 triệu USD) để giải quyết nạn cô đơn, nhắm đến các chương trình du lịch dã ngoại, phát cà phê miễn phí tại quán bar hay hàng loạt những sự kiện cộng đồng để giảm thiểu sự cô đơn.
Cũng trong năm 2018, Thủ tướng Anh Theresa May đã chỉ định Thứ trưởng bộ văn hóa, truyền thông và thể thao Tracey Crouch làm "Bộ trưởng Bộ cô đơn" đầu tiên trên thế giới.
Nguyên nhân của quyết định này là thống kê cho thấy có 7,7 triệu người Anh đang cảm thấy cô đơn dù được sống trong xã hội chất lượng cao. Đặc biệt số lượng người cô đơn trong độ tuổi 45-64 tại Anh tăng qua từng năm.
Thậm chí có khoảng 17 triệu người Anh ít khi liên lạc với bạn bè cũng như người thân, hơn 1 triệu người cao tuổi không có ai để nói chuyện và chẳng dám thừa nhận điều đó với người thân hay bạn cùng tuổi. Khoảng 41% số người trên 65 tuổi tại Anh chỉ có niềm vui là chiếc tivi cùng thú cưng của họ.
Cô đơn cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều người gọi đến trung tâm cứu trợ khẩn cấp Samaritans tại Anh để nói chuyện. Khoảng ¾ số nhân viên tại đây cho biết họ phải tiếp 1-5 người cảm thấy cô đơn mỗi ngày trên điện thoại.
Lan ra toàn thế giới
Không riêng gì nước Anh, các bác sĩ và chính trị gia ở nước giàu cũng đang vô cùng lo lắng về đại dịch này. Hàng loạt các chiến dịch chống cô đơn đã được triển khai ở Anh, Đan Mạch và Australia. Tại Nhật Bản, chính phủ còn chuyên khảo sát cộng đồng "Hikikomori", tức những người đóng cửa với xã hội và ru rú trong nhà.
Trong khi các loại bệnh khác có thể đo lường thì "cô đơn" lại khó kiếm soát bởi chẳng ai đong đếm được tình cảm. Thế nào thì mới bị gọi là cô đơn?
Tỷ lệ những người thừa nhận mình cô đơn ở Mỹ, Anh và Nhật Bản (%)
"Cô đơn là cảm giác vô dụng. Bạn cảm thấy mình không thích ứng được với xã hội, mọi người không hiểu bạn. Bạn cảm thấy tệ về bản thân mình cũng như cảm thấy bị xã hội chối bỏ. Ví dụ mọi người cùng nhau đến quán bar chơi nhưng lại không mời bạn. Tại sao ư? Bởi vì có gì đó sai sai với bạn", anh Jame, một nhà khởi nghiệp và môi giới bất động sản tại Anh thừa nhận.
Bản thân James là 1 tỷ phú tự thân và rõ ràng thành công, tiền bạc chẳng giúp anh bớt cô đơn. Ngay cả nhà viết tiểu sử nổi tiếng Tim O’Brien khi miêu tả về Tổng thống Mỹ Donald Trump trong quá trình viết sách cho nhà lãnh đạo này cũng phải thừa nhận "ông ấy là một trong những người cô đơn nhất thế giới mà tôi từng biết".
"Bất kể bạn có bao nhiêu tiền, bạn cũng chẳng thể chống lại sự cô đơn", ông Tim nói.
Trên thực tế, các chuyên gia cũng không xác định chính xác được thế nào là cô đơn. Họ đơn thuần chỉ xác nhận tình trạng ít giao tiếp và thống kê chúng chứ không xác nhận chính xác được bệnh dịch cô đơn bởi nhiều người dù quan hệ nhiều vẫn cảm thấy lạc lõng và ngược lại.
Từ quan điểm trên, Tổ chức phi chính phủ Kaiser Family Foundation (KFF) của Mỹ đã thực hiện khảo sát và cho kết quả 9% người lớn tại Nhật thừa nhận ít giao tiếp với xã hội, con số này là 22% tại Mỹ và 23% ở Anh. Tất nhiên con số này thấp hơn nhiều so với thực tế vì chẳng ai muốn trông như kẻ thất bại.
Năm 2010, một báo cáo khoa học cũng ước tính khoảng 35% số người trên 45 tuổi tại Mỹ thấy cô đơn. Trong đó, khoảng 45% số người này thấy cô đơn đã ít nhất 6 năm ròng và khoảng 32% là từ 1-5 năm.
Tại Nhật, khảo sát năm 2016 cho thấy hơn nửa triệu người dân nước này đã ngồi lì trong nhà suốt 6 tháng trời không liên hệ với thế giới bên ngoài. Khoảng 15% số người Nhật thường xuyên ăn một mình.
Tỷ lệ hộ gia đình 1 thành viên ngày càng tăng ở Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản
Trước năm 1960, tỷ lệ hộ gia đình 1 thành viên hiếm khi vượt quá 10% tại Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản nhưng giờ đây chúng lại tràn lan ở nhiều nơi. Ngay cả ở những thành phố lớn như Stockholm-Thụy Điển cũng có phần lớn hộ gia đình là đơn thân.
Trong khoảng 1985-2009, kích cỡ mạng lưới xã hội của 1 công dân Mỹ, bao gồm những quan hệ mà anh ta có, đã giảm hơn 1/3. Ngày càng ít người Mỹ tham gia các hội thánh hay những câu lạc bộ văn hóa, thể thao.
Nghiên cứu năm 2015 của chuyên gia Julianne Holt Lunstad tại trường đại học Brigham Young University cho thấy những người cô đơn có tỷ lệ dễ tử vong cao hơn 26% so với người thường, trong khi những người sống 1 mình thường dễ chết hơn 32%.
Nguyên nhân cô đơn
Vậy tại sao tỷ lệ cô đơn lại ngày càng cao bất chấp thu nhập, tuổi tác, tình trạng sức khỏe? Nghiên cứu năm 2015 của trường Oslo Metropolitan University cho thấy văn hóa đóng vai trò quan trọng cho sự cô đơn. Rất nhiều quốc gia có văn hóa cha mẹ sống gần con cái để chăm sóc khi về già và họ cảm thấy cô đơn hơn khi mọi chuyện không diễn ra như truyền thống.
Nguyên nhân nữa là do công nghệ. Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy hầu hết những thanh thiếu niên 15 tuổi ở các nước phát triển thấy cô đơn ngày càng nhiều trong khoảng 2003-2015. Tỷ lệ trẻ vị thành niên Mỹ ít ra ngoài chơi với bạn bè cũng tăng mạnh từ năm 2009.
Đây là giai đoạn smartphone cũng như công nghệ viễn thông phát triển mạnh. Nghiên cứu năm 2017 của trường Pittsburgh cho thấy những bạn trẻ trong độ tuổi 19-32 thường xuyên dùng mạng xã hội dễ cô đơn gấp đôi so với những người không dùng.
Vậy làm thế nào để hết cô đơn?
Theo thầy tu nổi tiếng dòng Benedictine và cũng là bậc thầy bộ môn thiền định, ông Laurence Freeman, có sự khác nhau giữa "cô đơn" và "tĩnh lặng".
Theo ông Freeman, cô đơn là một cảm giác tồi tệ về sự thất bại, đi kèm với nó là nỗi tủi hổ. Đó là lý do không nhiều người thừa nhận mình cô đơn. Khi một người mất sự kết nối với xã hội, họ cảm thấy vấn đề là ở họ, mình đã làm sai điều gì đó hoặc bị trừng phạt vì yếu tố nào đó. Hệ quả là nhiều người âm thầm chịu đựng cô đơn để rồi bộc phát những hệ lụy không lường.
Ngược lại, tĩnh lặng là trạng thái khi một người khám phá và chấp nhận sự khác biệt của bản thân, qua đó chuẩn bị được nền tảng cho những mối quan hệ bền lâu hơn sau này.
"Vậy chúng ta có thể học cách thoát khỏi sự cô đơn hay không? Tôi nghĩ là có, bằng cách trân trọng sự tĩnh lặng. Tuy nhiên tôi nghĩ để thoát hoàn toàn khỏi bệnh dịch cô đơn là điều gần như không thể", thầy tu Laurence nói.
Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chưa chắc thoát được nỗi cô đơn.
Nhịp Sống Kinh Tế