Không phải đất nền, đây mới là loại nhà ở tăng giá ảo “khủng” ở Sài Gòn
"Việc tăng giá nhà đất “ảo” hiện nay ngoài yếu tố gia tăng giá nhà đất theo sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng thì có “bàn tay” làm giá của bộ phận “cò” nhà đất", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.
- 03-05-2017Có tiền, nên đầu tư vào đất nền thời điểm này hay không?
- 28-04-2017Đất nền “sốt” giá: Cần cẩn trọng!
Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên nhắc đến tình trạng giá đất nền ở các quận huyện vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Củ Chi, Cần Giờ… bị thổi giá một cách chóng mặt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một phân khúc nhà đất khác tăng giá “khủng” không kém đó là nhà đất mà phần lớn là nhà trong hẻm.
Tại quận Gò Vấp, nơi có tình hình giao dịch nhà đất sôi động cho thấy rõ sự tăng vọt về giá cả. Những căn nhà có đủ thể loại diện tích đất từ vài chục m2 đến ngôi nhà mặt tiền các con đường lớn như Nguyễn Huy Lượng, Quang Trung, Phan Huy Ích… đã tăng giá đáng kể thời gian qua.
“Chỉ cách đây một năm trước, nếu người mua nhà có nhu cầu mua một căn nhà trong hẻm, diện tích đất chừng 30m2, kích thước khoảng 4mx8m, một trệt một lầu hoặc gác suốt, giá trên thị trường khoảng 1- 1,3 tỷ”, một “cò” nhà đất khu vực này cho biết.
Nhưng sau Tết Nguyên đán đinh dậu vừa qua thì giá nhà đất ở khu vực này đã đội lên rất nhiều. Ai cầm trong tay khoảng 1,5 tỷ cũng chưa chắc kiếm được một căn nhà với yêu cầu như trên. Và nếu có thì vị trí sẽ không được “mát lòng” như hẻm nhỏ, hình dáng đất không đẹp… Thay vào đó, cùng loại nhà như trên, người mua phải có tầm 2 tỷ mới mong mua được căn nhà chừng 30-40m2 đất.
“Do giá đã tăng quá nhanh nên hiện giờ người dân lẫn dân đầu tư khá dè dặt trong việc quyết định mua nhà. Giao dịch nhà đất tại Gò Vấp đã hạ nhiệt so với trước tết nhiều rồi”, một môi giới nhà đất khu Gò Vấp cho hay.
Một trường hợp khác tại quận 2 mà tôi vừa chứng kiến giao dịch. Vợ chồng anh chị D. bán căn nhà trong hẻm nhỏ diện tích gần 46m2 với giá 1 tỷ đồng. Bán xong rồi họ mới biết mình bán “hớ” so với giá thị trường.
“Chúng tôi mua căn nhà này cách đây 4 năm giá 700 triệu. Do hẻm chật, môi trường sống không phù hợp với lũ trẻ nên vợ chồng tôi bán để chuyển sang ở chung cư”, anh chị D. chia sẻ lý do bán nhà.
Như họ nói thì sau khi bán nhà nhiều người tỏ ra tiếc vì giá bán quá mềm so với giá thị trường bởi khu nhà chị ở quận 2 rất gần trung tâm thành phố. Nhưng anh chị cho biết anh chị rao bán căn nhà này cách đây cả năm trời, lúc đầu rao hơn 900 triệu, qua tết có tăng lên chút nhưng không ngờ vẫn thấp hơn mức tăng trên thị trường.
“Sau này tôi mới biết người mua nhà tôi là dân “lái” nhà đất. Họ mua nhà tôi rồi sau đó sang tay liền cho người khác “kiếm” ngay khoản tiền lời 200 triệu”, anh chị D. cho biết.
Anh chị còn cho biết thêm, tìm hiểu thì thấy người mua sau này cũng là dân “lái” nhà đất và họ cũng sẽ tìm khách để bán trong nay mai…
“Qua tìm hiểu thì chúng tôi thấy là mấy người mua nhà bây giờ đa phần là dân buôn đi săn những ngôi nhà vừa tầm tiền khoảng dưới 2 tỷ rồi “tân trang” và bán lại kiếm lời. Bản thân những người cò họ cũng nói bây giờ mấy ai mua nhà ở thực đâu toàn dân mua rồi bán kiếm lời”, anh chị D. nói.
Với dân lướt bất động sản kiểu này, họ vào đẩy giá và rút rất nhanh, người chịu thiệt chính là những người có nhu cầu mua ở thực. Họ sẽ phải chịu mức giá “chát” để sở hữu một ngôi nhà bởi sau khi qua tay nhiều dân “lái” thì giá nhà đã đội lên tới 30-50%!
Nhận định về thực trạng giao dịch nhà đất hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) thừa nhận việc tăng giá nhà đất “ảo” hiện nay ngoài yếu tố gia tăng giá nhà đất theo sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng thì có “bàn tay” làm giá của bộ phận “cò” nhà đất.
“Đây là yếu tố tiềm ẩn nhiều mối lo cho thị trường nhà đất hiện nay. Người dân có nhu cầu ở thực thì lo ngại không dám mua bán vì không biết đường nào mà lần.” vị này bày tỏ.
Và thực tế cho thấy tình trạng giao dịch nhà đất thời gian qua đã “xèo” đi rất nhiều. Dân tình quan sát tình hình giá cả tăng chóng mặt nên cũng ngại nhảy vào “chảo” đất đang nóng lên mỗi ngày một cách bất hợp lý.
Không chỉ hai quận trên mà hầu hết các quận huyện ở TP.HCM trong đó đa phần là quận ngoài trung tâm đều có tình trạng giá nhà gắn liền với đất tăng giá “ảo” thời gian qua. Các chuyên gia cho rằng người mua nhà cần thật thận trọng trong việc quyết định xuống tiền để tránh việc “ôm” phải hàng “bỏng tay”, nhất là với những ai sử dụng tiền vay ngân hàng…
BizLIVE