Không phải đầu tư homestay nào cũng “ngon ăn”, đây mới là cách tạo lợi nhuận bất ngờ
Bất động sản nghỉ dưỡng, BĐS xanh (loại hình homestay) giúp đa dạng hoá nhu cầu của thị trường BĐS. Xu hướng mua đầu tư, khai thác, sử dụng loại hình này ngày càng nổi lên trong bối cảnh dịch Covid-19. Liệu đây có phải là sân chơi dài hạn của giới đầu tư địa ốc?
Chia sẻ tại Tọa đàm do Forbes tổ chức mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, BĐS nhà vườn, BĐS xanh đang giúp thị trường BĐS đa dạng sự lựa chọn. Thu nhập của người dân càng tốt, loại hình BĐS này ngày càng đáp ứng nhu cầu mới của người dân. Khi điều kiện kinh tế tốt lên, đa phần người mua nghĩ đến nhu cầu nghỉ dưỡng, gần gũi thiên nhiên, thư giãn bản thân. Đặc biệt, dịch Covid-19 càng thúc đẩy nhu cầu sở hữu BĐS nhà vườn, BĐS xanh phát triển.
"Đây là loại hình giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn. Họ mua để khai thác, sử dụng, đầu tư trong thời gian tới, nhu cầu này càng phát sinh nhiều", ông Kiệt nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho hay, trong giai đoạn dịch bệnh, khi ngành du lịch bị ảnh hưởng thì việc các nhà đầu tư ngần ngại tham gia vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng là điều dễ hiểu. Song đây chỉ là những ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Việt Nam có khí hậu ôn hòa, cảnh đẹp phong phú, văn hóa đậm đà bản sắc… Không chỉ sở hữu thuận lợi về tài nguyên du lịch, những năm gần đây, với sự tham gia của nhiều tập đoàn BĐS lớn tạo ra những quần thể nghỉ dưỡng đẳng cấp, du lịch Việt Nam đang ngày càng thu hút hơn trên trường Quốc tế. Trong tương lai, Việt Nam chắc chắn sẽ là điểm đến du lịch của thế giới. BĐS nghỉ dưỡng và phát triển du lịch là hai yếu tố song hành, tác động tương hỗ lẫn nhau. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, BĐS nghỉ dưỡng sẽ vẫn là kênh đầu tư hiệu quả khi dịch bệnh được kiểm soát và du lịch phục hồi.
Tuy nhiên việc đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng phải gắn liền với câu chuyện khai thác, quản lý và vận hành hiệu quả. Những dự án có quy hoạch bài bản, đến từ thương hiệu hàng đầu, được vận hành quản lý chuyên nghiệp sẽ là nền tảng thu hút du khách, từ đó giúp bài toán đầu tư của khách hàng được đảm bảo, ổn định. Mặt khác, quỹ đất đẹp ven biển, vị trí tốt hiện nay không còn nhiều. Tính hữu hạn cũng là yếu tố tạo ra sức hấp dẫn cho BĐS nghỉ dưỡng.
BĐS xanh cũng đang là xu hướng trong vài năm gần đây, phát triển song song với BĐS nghỉ dưỡng. Nếu BĐS nghỉ dưỡng nghiêng về đầu tư thì BĐS xanh (homestay) lại hướng tới nhu cầu hưởng thụ, sống xanh, sở hữu cá nhân nhiều hơn. Nhu cầu này đã phát triển mạnh trong những năm gần đây và cũng sẽ là một xu hướng đầu tư, sở hữu trong thời gian tới.
Còn ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cho rằng, loại hình homestay hiện nay đang phát triển song song với BĐS truyền thông. Loại hình này nghiêng về nhu cầu khám phá nhiều hơn. Chẳng hạn, trong thời điểm dịch Covid-19, tại thị trường Bảo Lộc (Lâm Đồng), số lượng phân lô bán nền nhà vườn tăng đột biến, lên mấy ngàn sản phẩm trong vòng 6 tháng.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, trong thời gian ngắn, loại hình này sẽ phát triển mạnh, nhưng về dài hạn, nhà đầu tư sẽ quay lại với sản phẩm truyền thống.
Trước đó, cũng chia sẻ tại hội thảo về BĐS, chuyên gia Trần Khánh Quang cho rằng, gần đây, việc "bỏ phố về vườn" hay xây dựng các homestay/farmstay đang nổi lên như một xu hướng và được cho là thuận theo tự nhiên, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân hiện nay. Có thể chia cách thức đầu tư này theo hai dạng. Thứ nhất là "bỏ phố về vườn", những bạn trẻ sẵn sàng bán hết nhà cửa về lập nghiệp. Thứ hai, nhóm đối tượng là cư dân thành phố muốn mua một mảnh vườn hay căn nhà nhỏ để làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần và cho thuê khi phòng trống.
Với nhóm thứ nhất, những bạn "bỏ phố về vườn" mà đam mê nông nghiệp thực sự, làm nghiêm túc, dù sau 5 năm có thể thất bại nhưng giá những lô đất đó lúc nào cũng tăng gấp đôi.Với nhóm thứ hai, việc đầu tư một mảnh vườn nhỏ rồi xây nhà làm nơi nghỉ dưỡng có thể đối mặt với rất nhiều vấn đề. Theo vị chuyên gia này, chúng ta không phải ai cũng biết làm nông nghiệp, đừng nghĩ mua đất là có thể trồng được cây, làm được vườn. Việc chăm sóc từng loại cây đều cần kỹ thuật, chưa kể đến việc không quen với môi trường sống dân dã tại nông thôn.
Về mặt pháp lý, không phải cứ có đất là xây được nhà. Nếu như người dân nông thôn đã sinh sống ở đó từ lâu, họ xây một căn nhà nhỏ thì có thể được chấp nhận, nhưng với người từ thành phố về, nếu không phải đất thổ cư thì chính quyền sẽ không cho phép xây dựng. Do đó, phải mua đất đã được chuyển đổi sang thổ cư.
Về mặt quản lý, nhà vườn hay farmstay đều cần đầu tư nguồn tài chính và công sức chăm sóc, duy trì không hề nhỏ. Ví dụ, sau khi mua mảnh đất hết 1 tỷ đồng, nhà đầu tư tiếp tục phải chi tiền cải tạo khoảng 200 - 300 triệu đồng, xây thêm nhà mất 400 - 500 triệu đồng, chưa kể hàng tháng phải bỏ ra tiền chăm sóc khoảng 10 triệu đồng.
Một điểm khác mà nhà đầu tư nên lưu tâm đó là tiềm năng phát triển của khu vực đó. Trong tương lai, khu vực này có phát triển thành khu dân cư hoặc khu nghỉ dưỡng hay không? Nếu mua một lô đất trong rừng mà 10 năm tới nó vẫn là rừng hoặc thuộc diện bị nhà nước thu hồi thì tiền đầu tư của chúng ta sẽ trở nên vô ích.
Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên xác định rõ mục đích của mình là gì, chủ yếu để gia đình nghỉ dưỡng hay cho thuê, mục tiêu lợi suất là bao nhiêu, từ đó đưa ra quyết định "rót tiền" vào loại hình bất động sản phù hợp.