Không phải doanh thu, không phải lợi nhuận, cái cổ đông quan tâm nhất là sự giàu có của mình
Suy cho cùng, giá cổ phiếu (chứ không phải lợi nhuận) thể hiện trực tiếp sự giàu có của cổ đông nên sự quan tâm của cổ đông đến giá cổ phiếu là điều tất yếu. Muốn đẹp lòng nhà đầu tư, doanh nghiệp hay chuẩn bị sẵn sàng để nghe và giải đáp những khúc mắc của cổ đông về giá cổ phiếu.
Mùa đại hội cổ đông năm nay, vấn đề giá cổ phiếu lại một lần nữa được nhà đầu tư, cổ đông chất vấn mạnh mẽ lên lãnh đạo doanh nghiệp. Suy cho cùng, giá cổ phiếu (chứ không phải lợi nhuận) thể hiện trực tiếp sự giàu có của cổ đông nên sự quan tâm của cổ đông đến giá cổ phiếu là điều tất yếu.
Nắm bắt được điều này, không ít doanh nghiệp đã làm khác biệt. Thay vì chỉ chăm chăm nói về kế hoạch kinh doanh, họ đã nói thêm về những nỗ lực của họ trong việc tạo nên sự giàu có cho cổ đông.
Đầu tiên phải kể đến Traphaco, công ty dược này lên kế hoạch đến năm 2020 tăng giá trị vốn hóa thị trường lên đến mức 10.000 tỷ đồng, tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận 500 tỷ đồng, tức gấp 2,4 lần năm 2016. Điều này hàm ý rằng, nếu chiến lược phát triển của công ty được thực hiện thành công thì đến năm 2020, các cổ đông của công ty sẽ giàu có gấp 2,5 lần mức hiện tại, tương đương mức độ gia tăng giá cổ phiếu (và tài sản của cổ đông) bình quân hàng năm (không tính tới cổ tức) là 36%/năm, một mức lãi suất rất cao nếu so với lãi suất ngân hàng hiện nay.
Tại đại hội cổ đông năm nay của CTCP Tập đoàn FLC, nhiều cổ đông đã đưa ra câu hỏi về giá trị cổ phiếu FLC. Cụ thể, giá trị sổ sách của cổ phiếu FLC là hơn 13 nghìn đồng. Trong khi đó thị giá cổ phiếu FLC chỉ loanh quanh mức 8.000 đồng, dưới giá trị thực? HĐQT đã có động thái, kế hoạch gì để nâng cao giá trị thị giá của FLC?... Trả lời câu hỏi này, ông Trịnh Văn Quyết cho biết đây là điều quan tâm của rất nhiều cổ đông, cổ phiếu của FLC dưới giá trị bản thân tôi cũng cảm thấy rất không vui. Lý do quan trọng nhất là cổ phiếu FLC là cổ phiếu của thị trường, đi lên, đi xuống theo xu hướng của thị trường. FLC luôn dẫn đầu thị trường về thanh khoản, nhưng có rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ (chiếm đến 70%), các cổ đông nhỏ lẻ thường mua bán theo thị trường kéo giá trị cổ phiếu xuống.
Ông Quyết nói thêm: “Để cải thiện tình hình này, trong thời gian qua tôi có đàm phán với một số quỹ và định chế tài chính trong và ngoài nước sẽ cùng với các thành viên HĐQT sẽ cam kết đầu tư cổ phiếu FLC lâu dài và nắm giữ trên 50% cổ phiếu. Tôi tin chắc năm 2017, cổ phiếu FLC sẽ được cải thiện và đạt được giá trị thực, nhưng cũng không thể nhanh được mà cần có một quá trình. Cổ tức năm từ năm nay sẽ luôn cao hơn những năm vừa qua”.
Ngoài những lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều nỗi trăn trở về giá cổ phiếu thì cũng không ít doanh nghiệp vẫn đau đầu với biến động của giá. Suy cho cùng, một khi cổ phiếu đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thì ngoài những nỗ lực từ doanh nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào quy luật cung cầu trên thị trường và họ có muốn cũng khó lòng thay đổi được thực trạng này.
Điển hình là tại đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG), cổ đông thắc mắc giá cổ phiếu phụ thuộc giá trị công ty. Giá cổ phiếu xuống thấp thế có nghĩa giá trị công ty cũng không thể tốt? Bên cạnh đó, ngoại trừ Chủ tịch sở hữu nhiều cổ phiếu, còn những thành viên khác trong ban lãnh đạo công ty sở hữu rất ít, tại sao giá cổ phiếu xuống thấp thế mà ban lãnh đạo cũng không mua vào?
Nói về giá cổ phiếu thấp mà ban lãnh đạo công ty không thấy mua vào, là do bản thân mỗi cá nhân, không thể thay các cá nhân đó trả lời. Tuy nhiên, về phía công ty, sẽ đặt vấn đề với các thành viên HĐQT và BKS, song, việc mua hay không là quyền của mỗi cá nhân. Còn về công ty, mọi hoạt động vẫn bình thường.
Đại hội cổ đông năm nay của CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) cũng không mấy bình yên khi cổ đông bức xúc, chất vấn gay gắt về vấn đề giá cổ phiếu giảm sâu, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – chủ tịch TSC cho rằng giá cổ phiếu là yếu tố cung cầu thị trường. Điều mà ban lãnh đạo công có thể làm được tốt nhất là có thể minh bạch hóa hoạt động công ty, đưa thông tin nhanh nhất, chính xác nhất tới cổ đông cũng như nỗ lực hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Dù vậy, ý kiến của Chủ tịch TSC cũng không thực sự làm thỏa mãn cổ đông và có cổ đông còn bức xúc lên tiếng: “tôi giành hết cả tiền lương hưu để đầu tư TSC đã lâu nhưng chẳng được gì cả. Giá cổ phiếu thì đi xuống, cổ tức thì không trả, ban lãnh đạo nên có biện pháp mua cổ phiếu quỹ, chia cổ tức cho chúng tôi”.