Không phải nam giới, phụ nữ mới là “chìa khóa” quyết định sự thịnh vượng
“Phụ nữ là một nguồn nhân lực tài năng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng trong toàn ASEAN”, nghiên cứu của Ernst & Young (EY) cho hay. Trong khối ASEAN, Việt Nam là quốc gia cho phép phụ nữ nghỉ sinh dài nhất khu vực (6 tháng).
- 08-03-2018“Bánh mì và hoa hồng": Ý nghĩa thực sự của ngày mùng 8/3 và câu chuyện bình quyền của phụ nữ trên thế giới
- 08-03-2018Xếp thứ 55 trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn không quên thiên chức làm vợ, làm mẹ
- 06-03-2018Quên hết hoa và quà đi, đây mới là những thứ phụ nữ thật sự mong muốn trong ngày 8/3
Phụ nữ giúp tăng trưởng kinh tế bền vững
Khối Tư vấn Dịch vụ Công và Chính phủ (thuộc Tập đoàn Ernst & Young, khu vực ASEAN) vừa ra mắt ấn phẩm Tư duy Lãnh đạo "Phụ nữ khu vực ASEAN: khai mở tiềm năng" nhằm giải đáp câu hỏi "Liệu ASEAN có thể phát triển bền vững nếu phụ nữ bị bỏ lại phía sau?". Theo đó, phụ nữ được coi là "chìa khóa" quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Thực tế, sự tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế đã tăng lên đáng kể. Tại Singapore và Philippines, vai trò của phụ nữ được thể hiện rõ nét trong giai đoạn phát triển nhanh của nền kinh tế. Đáng chú ý, tỷ lệ phụ nữ tham gia kinh doanh với vai trò chủ doanh nghiệp, lãnh đạo cấp cao ngày càng lớn. Trong danh sách 50 nữ doanh nhân giàu nhất châu Á (của Forbes), có 16 người được sinh ra tại khu vực ASEAN.
"Phụ nữ là một nguồn lực tài tăng, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trên khắp ASEAN. Tuy nhiên, nguồn lực này đang tiếp tục bị bỏ phí. Phụ nữ đang đối mặt với nhiều thách thức, từ tiếp cận việc làm, tiếp cận các vị trí lãnh đạo, vấn đề tiền lương và trách nhiệm gia đình" – ấn phẩm viết.
Khảo sát cho thấy, đa số những vị trí cao cấp trong doanh nghiệp, chức vụ chính trị vẫn do nam giới nắm giữ. Tỷ lệ này cũng khá thấp tại những nước phát triển hơn thuộc ASEAN 4: chỉ có 12,5% thành viên hội đồng tại Malaysia là phụ nữ, 11,1% tại Indonesia và 7,7% là tỷ lệ tại Singapore. Trong khi đó, nghiên cứu của EY chỉ ra rằng, tỷ lệ nữ lãnh đạo tăng lên 30% có thể khiến giúp doanh nghiệp tăng 6 điểm phần trăm lợi nhuận ròng.
Cải thiện và nâng cao chính sách dành cho nữ giới giúp phụ nữ phát huy hết năng lực
Chú trọng cải thiện chính sách đối với phụ nữ, tăng cường bình đẳng giới là việc vô cùng cần thiết để phát triển kinh tế bền vững. Các nước trong khu vực đã có những bước tiến trong việc tạo ra cơ hội cho phụ nữ, nhưng đang tồn tại cách biệt khá lớn về mức độ đầu tư giữa các nước. Chính sách thai sản được các chuyên gia EY đặc biệt nhất mạnh trong bản nghiên cứu, vì đây là điều đa số phụ nữ quan tâm.
"Các chính sách thai sản đã khá tốt nhưng sự hỗ trợ gia đình và trẻ em chưa thực sự đồng đều giữa các nước trong khối ASEAN. Việt Nam là quốc gia cho phép phụ nữ nghỉ sinh dài nhất khu vực (6 tháng). Trung bình các nước trong khu vực chỉ cho phép phụ nữ nghỉ sinh trung bình 3 tháng. Cá biệt, phụ nữ Malaysia và Philippines chỉ được nghỉ 60 ngày thai sản.
Để khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ, Việt Nam và Campuchia áp dụng chính sách cho phép phụ nữ có con dưới 1 tuổi được giảm 1 tiếng làm việc mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ phụ nữ Việt Nam được hưởng 100% lương dù số giờ làm việc được cắt giảm" – bản ấn phẩm nêu rõ.
Trang bìa bản ấn phẩm Tư duy Lãnh đạo mới được công bố.
Nhìn chung, theo các chuyên gia EY, để tạo ra môi trường lao động tốt và phát triển cho nữ giới, chính phủ nên tập trung ban hành những quy định hỗ trợ tài chính tối thiểu dành cho phụ nữ. Những chính sách này cần đặc biệt chú trọng vào thời kỳ thai sản và nuôi con nhỏ cũng như khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào việc xây dựng năng lực cho phụ nữ thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng.
Các chuyên gia EY khuyến nghị, chính sách của quốc gia cần có sự điều chỉnh kịp thời thích ứng với mỗi giai đoạn phát triển. Đối với các nước kém phát triển ở ASEAN, việc tạo lập nền tảng hỗ trợ sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động là chìa khóa, bao gồm: khuyến khích đào tạo nghề, tuyển dụng công bằng, thực thi chính sách tiếp cận cơ bản về chăm sóc trẻ em. Đối với các nước ASEAN phát triển hơn, cần tập trung hướng dẫn cho phụ nữ để họ tham gia vào ban lãnh đạo, thúc đẩy sự minh bạch và tiến bộ.
"Với những khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng tôi kỳ vọng các chính phủ sẽ có đánh giá chính xác hơn về vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế. Chúng tôi cũng kỳ vọng vào sự thay đổi chính sách một cách nhanh chóng để phụ nữ có điều kiện phát huy tối đa năng lực của mình. Đối với Việt Nam, chúng tôi cho rằng, Chính phủ và các đoàn thể cần tiếp tục đưa ra những sáng kiến thúc đẩy sự tham gia hơn nữa của phụ nữ.
Phụ nữ là "chìa khóa" thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và bền vững nền kinh tế. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ không bỏ quên chiếc chìa khóa quan trọng này trong con đường tiến tới thịnh vượng" – Ông Phan Đằng Chương, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn EY Việt Nam chia sẻ.