MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải “Sell in May”, tháng 11 mới là ác mộng thực sự với TTCK Việt Nam

Trái với những quan niệm mang tính truyền thống, trên thực tế không phải tháng 5, tháng 8, tháng 9 mà thời điểm xấu nhất với TTCK Việt Nam lại rơi vào tháng 11.

Đối với nhà đầu tư chứng khoán, câu nói “Sell in May and go away” có lẽ không còn quá xa lạ với ám chỉ thị trường trong tháng 5 thường diễn biến khá phức tạp và không thực sự thuận lợi cho việc đầu tư.

Tuy nhiên, đối với TTCK Việt Nam thì dường như “Sell in May” có lẽ không hoàn toàn chính xác. Thống kê từ năm 2008 đến nay cho thấy diễn biến trên TTCK Việt Nam khá cân bằng với 5 lần tăng và 5 lần giảm.

Tháng 7 âm lịch, thường rơi vào tháng 8 hoặc tháng 9 dương theo quan niệm dân gian cũng là thời điểm không thích hợp cho đầu tư. Tuy nhiên, cũng giống như “Sell in May”, thống kê cho thấy diễn biến TTCK Việt Nam trong giai đoạn tháng 7 âm cũng không quá xấu với số lần tăng, giảm điểm bằng nhau.

Tháng 11, cơn “ác mộng” thực sự với TTCK Việt Nam

Trái với những quan niệm mang tính truyền thống, trên thực tế không phải tháng 5, tháng 8, tháng 9 mà thời điểm xấu nhất với TTCK Việt Nam lại rơi vào tháng 11.

Tính từ năm 2008 đến nay chỉ số VnIndex có tới 8 lần giảm điểm trong tháng 11, chỉ có duy nhất 1 lần tăng điểm vào năm 2013 với mức tăng vỏn vẹn 2,08%. Trong khi đó, những lần điều chỉnh vào tháng 11 thường có biến động khá mạnh, thậm chí có những năm giảm trên 5% như 2008; 2009; 2011; 2014 và 2015.

Ngược lại, diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam thường rơi vào giai đoạn tháng 3, tháng 4 với số lần tăng điểm áp đảo.

Không phải “Sell in May”, tháng 11 mới là ác mộng thực sự với TTCK Việt Nam - Ảnh 1.

Xu hướng TTCK Việt Nam thường tiêu cực trong tháng 11 (biến động %)

Việc TTCK thường có biến động xấu vào tháng 11 có nguyên nhân bởi đây là quãng thời gian khối ngoại, đặc biệt các quỹ ETF thường tiến hành bán ròng sau khi thực hiện mua ròng trước đó. Ngoài ra, tháng 11 cũng là lúc mùa KQKD quý 3 qua đi, trong khi KQKD cả năm chưa tới khiến thị trường rơi vào vùng trũng thông tin hỗ trợ, khiến tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Tháng 11 năm nay ra sao?

Chưa cần đến tháng 11, TTCK Việt Nam hiện đang có những biến động khá dữ dội. Mặc dù chỉ số VnIndex liên tục tăng điểm trong thời gian gần đây nhưng đà tăng chỉ đến từ một vài Bluechips dẫn tới hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” và không ít nhà đầu tư đã đánh mất thành quả từ đầu năm, thậm chí thua lỗ.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 10, VnIndex đã đảo chiều giảm gần 8 điểm với áp lực bán lan rộng trên toàn thị trường. Trong khi đó, một số cổ phiếu chủ chốt giúp VnIndex đứng vững trong giai đoạn vừa qua đã có dấu hiệu suy yếu khiến thị trường thiếu đi lực đỡ và đối mặt với nguy cơ tiếp tục điều chỉnh. Nhận định của các CTCK hiện đang nghiêng về kịch bản không tích cực trong ngắn hạn.

Mùa báo cáo KQKD quý 3 cũng đã khép lại với số lượng doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm chiếm áp đảo và điều này càng khiến thị trường thêm phần ảm đạm.

Tuy vậy, thị trường hiện không chỉ toàn gam màu xám mà vẫn có một số điểm tích cực. Trong 4 phiên giao dịch gần nhất, khối ngoại đã trở lại mua ròng, dù con số vẫn chưa thực sự thuyết phục nhưng nếu lực mua tiếp tục được duy trì thì đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường.

Bên cạnh đó, diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (Apec) chuẩn bị khai mạc trong tháng 11 tại Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ mang đến cú huých cho thị trường.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số Dow Jones vẫn liên tiếp chinh phục đỉnh cao mới, trong khi giá dầu Brent đã vượt đỉnh 2 năm cũng có thể là những yếu tố tích cực cho TTCK Việt Nam nói chung và nhóm cổ phiếu dầu khí nói riêng.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên