Không phải thông báo của Fed sau cuộc họp, đây mới là thứ nhà đầu tư nên để ý trong đêm nay
Gần như 100% khả năng thông báo tăng lãi suất mà Fed đã nhiều lần bóng gió sẽ được đưa ra. Vì thế, thay vì hướng con mắt về Fed, hãy để mắt đến tài khoản Twitter của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
- 14-12-2016Những yếu tố có thể cản đường Fed tăng lãi suất
- 18-11-2016Chủ tịch Fed: "Lãi suất sẽ sớm tăng"
- 03-11-2016“Không hẳn là cú đánh úp” nếu FED tăng lãi suất
Nếu bạn đang tìm kiếm những điều thú vị quanh cuộc họp cuối cùng trong năm 2016 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đừng nhìn vào thông cáo được Fed đưa ra vào rạng sáng mai (15/12 – theo giờ Việt Nam). Gần như 100% khả năng thông báo tăng lãi suất mà Fed đã nhiều lần bóng gió sẽ được đưa ra. Vì thế, thay vì hướng con mắt về Fed, hãy để mắt đến tài khoản Twitter của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, Trump đã chỉ trích gay gắt bà Janet Yellen – vị nữ Chủ tịch của NHTW quyền lực nhất thế giới. Do đó phản ứng của Trump sẽ hé lộ phần nào về những áp lực mà Trump sẽ đặt lên Fed cho đến khi nhiệm kỳ của bà Yellen kết thúc vào tháng 2/2018.
Sau khi Trump bất ngờ giành chiến thắng ngày 8/11, lợi suất trái phiếu Mỹ đã liên tục tăng vì kỳ vọng lạm phát tăng. Giờ đây nhà đầu tư sẽ tiếp tục để ý Fed sẽ chịu áp lực như thế nào từ Donald Trump bởi từ xưa đến nay Fed vẫn là cơ quan khá độc lập với Chính phủ.
Trong quá khứ, Fed từng đối mặt với những áp lực lớn hơn nhiều so với những lời chê bai trên Twitter. Tuy nhiên, 3 Tổng thống gần nhất là Bill Clinton, George W.Bush và Barack Obama luôn né tránh việc công khai bình luận về các quyết định của Fed. Đến thời Trump, mọi thứ có thể thay đổi. Vị tỷ phú New York đã “vỗ vào mặt” Fed trong suốt chiến dịch tranh cử và nhắc đi nhắc lại rằng ông sẵn sàng miệt thị các giá trị truyền thống ở Washington.
Nhìn vào những phát ngôn của các quan chức Fed kể từ khi Trump nhậm chức, có thể thấy họ đang bồn chồn lo lắng.
Bà Yellen, phó Chủ tịch Fed Stanley Fisscher cùng với Thống đốc Jerome Powell và ít nhất 4 trong số 12 người đứng đầu các chi nhánh của Fed đã đăng đàn để nói về tầm quan trọng của tính độc lập trong chính sách tiền tệ. Theo đó, đây không chỉ là thông lệ ở Washington mà còn vì kết quả nghiên cứu đã cho thấy nếu chính sách tiền tệ được cách ly hoàn toàn với những áp lực chính trị mang tính ngắn hạn, nó sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn và góp phần tạo ra một nền kinh tế khỏe mạnh hơn.
Khi chính sách tiền tệ được điều khiển bởi những chính trị gia, thảm họa có thể xảy ra. Ví dụ, năm 2012, cựu Tổng thống Dilma Rousseff nói trước công chúng rằng chi phí đi vay quá cao. Sau đó lãi suất của Brazil liên tục được cắt giảm, khiến lạm phát tăng lên mức cao nhất 10 năm.
Một Fed bị ảnh hưởng bởi các chính trị gia
Ở Mỹ, Fed là cơ quan có quyền lực khá lớn. Các quyết định về chính sách tiền tệ không cần được Quốc hội thông qua, dù Chủ tịch Fed phải xuất hiện trước Quốc hội 2 lần mỗi năm để trả lời chất vấn. Các Tổng thống chọn ra các Thống đốc, Chủ tịch và phó chủ tịch Fed sau khi được Thượng viện xác nhận và không thể sa thải họ khi họ đang ở giữa nhiệm kỳ.
Tuy nhiên Nhà Trắng cũng có thể tạo ra áp lực bằng những cách khác. Tháng 12/1965, Tổng thống Lyndon Johnson triệu tập Chủ tịch Fed William McChesney Martin đến Texas để đối chất về quyết định tăng lãi suất. Nhưng ông Martin đã giữ vững lập trường của mình.
Dưới thời Richard Nixon, Chủ tịch Fed Arthur Burns đã được yêu cầu giữ lãi suất thấp để kích thích kinh tế trước thềm cuộc bầu cử năm 1982. Khi Burns không chịu hợp tác, Nhà Trắng dựng lên những câu chuyện bịa đặt trên báo chí rằng Burns đang đòi tăng lương. Cuối cùng thì người đứng đầu Cục dự trữ liên bang đã giúp Nixon nhưng cũng tạo nên thời kỳ lạm phát ám ảnh nước Mỹ trong gần 1 thập kỷ sau đó.
Lần gần đây nhất Fed bị ảnh hưởng quá nhiều bởi Tổng thống là khi George H. W. Bush vận động tái tranh cử. Tháng 6/1992, Tổng thống công khai kêu gọi Fed giảm lãi suất và cũng âm thầm thúc giục Alan Greenspan. Greenspan đã hạ lãi suất tới 13 lần trong giai đoạn 1991-92.
Nhưng kể từ đó đến nay, các vị Tổng thống Mỹ luôn để mặc Fed, chí ít là ở vẻ bề ngoài. Và ông Trump đang đe dọa sẽ đảo ngược điều này.
Tuy nhiên, Peter Conti-Brown, giáo sư tại ĐH Pennsylvania, cho rằng giới quan sát không nên bị đánh lừa bởi những gì Trump đã nói trong chiến dịch tranh cử. Dù Trump luôn kêu gọi Fed hãy tăng lãi suất, chuyên gia này cho rằng nhiều khả năng Trump sẽ giống với những người tiền nhiệm gần nhất, ủng hộ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nhưng chắc chắn ở Trump có một điểm khác biệt: ông sẽ công khai bình luận về Fed.