MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Không theo đuổi xuất siêu sang Việt Nam” và chuyện nhập siêu với Trung Quốc

Một trong những nội dung quan trọng tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong lĩnh vực kinh tế là chính sách cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Đề nghị Trung Quốc tăng cường nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có ưu thế, nhất là nông, lâm, thủy hải sản, đặc biệt là mặt hàng gạo đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra. Thông tin được đưa trên Cổng thông tin Chính phủ nhân chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đưa ra đề nghị Trung Quốc sớm cấp phép cho sản phẩm thịt, sữa và nước hoa quả chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Trao đổi thẳng thắn về những vấn đề tồn tại, bất cập trong một số lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh hai bên cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp tích cực trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại phát triển cân bằng, bền vững.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ tán thành những phương hướng và biện pháp lớn do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất, song Thủ tướng khẳng định Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu sang Việt Nam.

Việt Nam muốn thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc cũng khẳng định sẽ sẵn sàng thúc đẩy cân bằng thương mại song phương, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường hợp tác về thương mại và mở rộng đầu tư tại Việt Nam…

Thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Trung Quốc đã tăng nhanh chóng, liên tục trong 13 năm vừa qua và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Trong đó, nhập khẩu đã tăng nhanh hơn xuất khẩu, khi tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của nhập khẩu khoảng 30%, trong khi giá trị xuất khẩu chỉ tăng khoảng 20%.

Trong một nghiên cứu của TS. Trần Toàn Thắng của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem), Việt Nam đã từng xuất siêu sang Trung Quốc vào năm 2000, nhưng từ đó đến nay nhập siêu đã liên tục duy trì và cán cân thương mại ngày càng thâm hụt lớn.

Theo đó, giá trị nhập khẩu gấp khoảng 2- 3 lần giá trị xuất khẩu và không có dấu hiệu thu hẹp. Đáng chú ý là so sánh cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc và cán cân thương mại của Việt Nam với một số đối tác chính trong những năm vừa qua, cho thấy thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc là lớn nhất.

Nhập siêu liên tục gia tăng mạnh nhất trong Đông Nam Á

Cụ thể, cán cân thương mại giai đoạn 2002 – 2013, thâm hụt khoảng 9,8 tỷ USD, trong khi Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc tới 13,5 tỷ USD. Nỗ lực xuất siêu liên tục sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản cũng không thể bù đắp thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Nếu như Malaysia và Thái Lan đều xuất siêu sang Trung Quốc; Indonesia và Philippines cũng nhập siêu từ Trung Quốc nhưng không đáng kể, dưới 5 tỷ USD vào năm 2013 thì Singapore và Việt Nam là hai nước nhập siêu nhiều nhất từ Trung Quốc. Tuy nhiên mức độ nhập siêu của Việt Nam năm 2013 đạt tới 31 tỷ USD, gấp đôi Singapore.

Mặc dù cấu trúc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đã có sự thay đổi tích cực, từ nhóm hàng xăng dầu và các hàng hóa sơ chế, chuyển sang hàng chế biến, hàng hóa thâm dụng vốn và hàm lượng công nghệ hàng xuất khẩu của Việt nam có tăng.

Tuy nhiên, đánh giá của Ciem cho thấy hàm lượng công nghệ xuất khẩu sang Trung Quốc thua kém phần lớn các nước trong khu vực, nhìn chung chỉ hơn được Indonesia về tỷ lệ công nghệ cao, kém một số nước ASEAN và bị bỏ xa so với Hàn quốc và Nhật Bản.

“Việc các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ trung bình không được cải thiện (trong khi các sản phẩm này là phản ánh mức độ công nghiệp hóa thực sự trong giai đoạn đầu của một quốc gia) là một điểm đáng chú ý đối với Việt nam” – nghiên cứu Ciem chỉ ra.

M. Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên