MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Như đứa trẻ mới sinh cần uống sữa, doanh nghiệp mới ra đời cũng cần ngân hàng cho vay vốn để "lớn"

18-04-2019 - 08:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Có đến 80% doanh nghiệp phá sản do thiếu vốn. Doanh nghiệp mới ra đời thường không được ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn, nhưng cũng như đứa trẻ, họ "cần uống sữa để no", nên các ngân hàng hãy mở lòng hơn với doanh nghiệp.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa" do Kênh thông tin tài chính CafeF.vn kết hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức chiều ngày 17/4, ông Lê Xuân Tưởng, Giám đốc CTCP Thiết bị và hóa chất Thăng Long - một doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Hà Nội cho biết, đối với các doanh nghiệp SME thì để hoạt động được cần đầu tiên và lớn nhất là vốn chứ không phải lãi suất. 

"Có đến 80% doanh nghiệp phá sản do thiếu vốn, khi thiếu vốn thì lãi suất không phải vấn đề lớn nhất. Thời gian đầu khởi nghiệp tôi đã phải vay đến 500 triệu, trả lãi vài trăm triệu mỗi tháng nên biết doanh nghiệp mới thật sự rất cần vốn" - ông Tưởng nói.

Cũng theo ông Tưởng, khi mới đi vào hoạt động, các ngân hàng thường ngại cho doanh nghiệp vay vốn. "Doanh nghiệp mới ra đời thì ngân hàng không cho ăn cơm ngay được, nhưng cho uống sữa cũng rất tốt, họ cần uống sữa để no giống như đứa bé mới sinh, rồi sau đó mới lớn lên, do vậy các ngân hàng hãy mở lòng hơn với doanh nghiệp" - ông nói.

Lãnh đạo công ty hóa chất Thăng Long cho biết thêm, đến nay công ty đã phát triển vững mạnh và có vị thế nhất định trên thị trường nên việc đã không phải vay ngoài mà vay hoàn toàn từ ngân hàng. Nhưng ông cũng cho biết, giống như các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác là khả năng tiếp cận vốn vẫn khó khăn, có thủ tục cần đến 1, 2 tuần mới giải quyết xong. 

Ông cũng đưa ra ý kiến rằng, các doanh nghiệp SME đang đóng góp tới 40% GDP nhưng chưa được các ngân hàng quan tâm nhiều. Để hai bên "gặp nhau" nhiều hơn, khả năng tiếp cận vốn lớn hơn thì ngân hàng nên xây dựng cơ sở dữ liệu cho các doanh nghiệp một cách đồng bộ để đánh giá họ được nhanh, chính xác hơn, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục cho vay vốn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đều có ngành nghề rõ ràng và đặc thù, ngân hàng cũng là doanh nghiệp vậy thì vì sao ngân hàng không có ngân hàng đặc thù, ví dụ ngân hàng chuyên về doanh nghiệp nhỏ và vừa để các đối tượng khách hàng cần sẽ đến thẳng đó vay vốn.

Và điều quan trọng nữa có thể giải được khúc mắc giữa hai bên là ngân hàng và doanh nghiệp hãy có niềm tin ở nhau, khi có được niềm tin sẽ có sự gắn bó và tin tưởng. "Khi đã tin nhau thì người ta sẵn sàng trao cả trái tim cho nhau".



Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên