MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Không trả lời được câu hỏi này, nhiều người học ngành để có lương 10.000 USD lại đi làm lái xe Grab"

Cơ hội việc làm trong ngành công nghiệp nghìn tỷ USD rất lớn, nhưng các bạn trẻ cũng không nên cứ “thấy người ăn khoai mình cũng vác mai đi đào”.

Ngành công nghiệp đang được cả thế giới theo đuổi là ngành bán dẫn. Tại tọa đàm "Vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu: Việt Nam ở đâu?" đầu tháng 6/2024, ông Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc, cho biết, bán dẫn về cơ bản có 3 phân khúc, bao gồm thiết kế; sản xuất; đóng gói và kiểm thử. 

Trên thực tế, lợi thế ở phân khúc thiết kế hiện nay đang nằm ở Mỹ và châu Âu. Sau khi thực hiện thiết kế xong bản mạch chip, một số quốc gia tại Đông Á, trong đó chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ chuẩn bị nguyên vật liệu quan trọng cho sản xuất bán dẫn. Cuối cùng, những nguyên liệu này sẽ được dồn về khu vực Đông Bắc Á, chủ yếu gồm Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một vài nước tại Đông Nam Á để tiến hành sản xuất và chế tạo ra chip.

Về bản đồ bán dẫn toàn cầu hiện nay, ngoài Mỹ, EU, có 4 địa điểm cơ bản đảm nhiệm hết nhiệm vụ của ngành công nghiệp này, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Intel Việt Nam và ông Nguyễn Việt Hải - Giám đốc công nghệ Công ty SNS. Ảnh: NN

Ông Phùng Việt Thắng – Giám đốc Intel Việt Nam, nhận định Việt Nam không chậm chân trong cuộc đua bán dẫn, dù đây là cuộc chơi được đánh giá là rất tốn tiền.

Đồng quan điểm với ông Thắng, ông Nguyễn Việt Hải – Giám đốc công nghệ Công ty SNS – Sirius Network Solution chia sẻ, Việt Nam nên làm bán dẫn nhưng tham gia vào khâu nào, phân khúc nào trong chuỗi giá trị toàn cầu và chúng ta cần phải quyết tâm đến đâu để giành được vị trí ở trong chuỗi giá trị này thì lại là câu chuyện cần xem xét nghiêm túc. Còn cứ "thấy người ăn khoai mình cũng vác mai đi đào" thì rất khó tồn tại cũng như phát triển lâu dài.

Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thiết kế chip. Các chuyên gia đều thừa nhận lợi thế của Việt Nam là có quy mô dân số trẻ và nền tảng giáo dục STEM khá tốt. Tuy nhiên, để trở thành nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, cụ thể là đáp ứng được những yêu cầu từ các nhà sản xuất, các bạn trẻ của Việt Nam cần phải cải thiện cả về công nghệ, kỹ thuật, AI, ngoại ngữ…

Tại một tọa đàm về "Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới – Tương lai" ở Hà Nội vào tháng 4/2024, ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc của Công ty CoAsia SEMI Việt Nam, tiết lộ, mức lương của kỹ sư thiết kế chip bán dẫn ở Việt Nam là khoảng 10.000 – 100.000 USD/năm (tủy vào kinh nghiệm). Ông Nguyễn Thanh Yên nhấn mạnh, ngay từ khi mới ra trường, các bạn sinh viên đã có mức lương khởi điểm là 10.000 USD/năm (chưa bao gồm thưởng). 

Mức lương này rất hấp dẫn nhưng việc các bạn trẻ ồ ạt đi học thiết kế chip bán dẫn trong khi chưa rõ về yêu cầu của các nhà sản xuất cũng như đầu ra việc làm là một thực trạng khiến một số chuyên gia lo ngại. 

Cần phải tìm được đầu ra cho nhân lực bán dẫn

Kỹ sư Lê Minh Quốc, người có 42 năm làm chip và là vị chuyên gia gắn bó 17 năm với Tập đoàn MK. Ảnh: NN

Băn khoăn trước thực trạng học thiết kế chip bán dẫn xong thì ai sẽ thuê làm thiết kế chip, ông Lê Minh Quốc, người có 42 năm làm chip, đồng thời là vị chuyên gia gắn bó 17 năm với Tập đoàn MK, cho hay: "Ở Việt Nam đang có xu hướng là nhiều trường đại học mở các trung tâm đào tạo thiết kế chip. Nhưng không biết các trường ĐH, trung tâm lớn đã có câu trả lời cho câu hỏi "Học thiết kế chip xong thì ai sẽ thuê làm thiết kế chip" chưa. Nếu như không trả lời được thì cứ đào tạo ra sẽ dẫn tới chuyện là người được đào tạo để thiết kế chip nhưng sau đó lại đi làm nghề lái xe Grab". 

Ông Lê Minh Quốc và Tập đoàn MK đã góp phần vào việc giúp đưa hàng chục triệu căn cước công dân gắp chip đến với người Việt Nam.

Để đảm bảo được đầu ra cho nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn ở Việt Nam, ông Lê Minh Quốc nhấn mạnh về tầm quan trọng của định hướng trong giáo dục. 

Theo vị kỹ sư này, ngành bán dẫn vẫn sẽ phụ thuộc mạnh vào khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa và ít nhất là trong 20 năm tới. Trong khi đó, xã hội hiện nay đang xem nhẹ khoa học cơ bản và chỉ tập trung vào "công nghệ ăn xổi" cũng như chạy theo thị trường. Đây thực sự là một điều đáng tiếc, bởi nếu không có nền tảng khoa học cơ bản dẫn dắt thì mọi công nghệ sẽ chỉ được coi là "lâu đài trên cát".

Giám đốc Intel Việt Nam chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: NN

Về câu hỏi cơ hội nào cho các bạn trẻ ở Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn, ông Phùng Việt Thắng – Giám đốc Intel Việt Nam, cho biết: "Không có việc gắn kết 100% với việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt với một ngành mới như bán dẫn ở Việt Nam. Nếu ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam phát triển, chúng ta có thể chuẩn bị tốt nhất cái gì?

Công nghiệp bán dẫn chắc chắn liên quan đến kỹ thuật và công nghệ. Do đó, tất cả các bạn trẻ có nền tảng học về công nghệ, kỹ thuật thì đều hoàn toàn có thể tham gia vào ngành này. Bởi vì, ngành bán dẫn phân rã rất nhiều nhu cầu khác nhau về nguồn lực. Sự phân rã này dẫn tới việc nhiều mô tả công việc mà các bạn hoàn toàn có thể đáp ứng. Vậy, chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị bằng cách có những nền tảng về công nghệ, kỹ thuật".

Mỗi một công việc đều có sự mô tả rất kỹ và các bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Thực tế có nhiều trường cao đẳng và đại học hiện nay có nhiều khóa học có liên quan tới bán dẫn. Ngoài ra, theo Giám đốc Intel Việt Nam, các bạn sinh viên có thể học thêm về các phần mềm thiết kế và tham gia vào một công đoạn nào đó trong ngành này.

"Tuy nhiên, với những công việc khác như kỹ sư hóa chất làm trong ngành bán dẫn thì các bạn không làm được ngay. Cái mà chúng ta cần bổ sung là qua công việc. Nhưng nghịch lý ở chỗ là nếu chúng ta không được nhận vào làm việc thì chúng ta không có cơ hội để học hỏi cái nghề đó. Do đó, trước hết, các bạn cần phải có trang bị về kỹ thuật, công nghệ, nếu muốn làm việc trong ngành công nghiệp này", ông Phùng Việt Thắng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhưng ông Nguyễn Việt Hải – Giám đốc công nghệ Công ty SNS bày tỏ sự lạc quan rằng, ngoài các vị trí như kỹ sư phần cứng, kỹ sư phần mềm, các doanh nghiệp bán dẫn có thể tuyển thêm những vị trí như quản lý dự án, những người làm việc với khách hàng và nhà sản xuất, và tỷ lệ này chiếm không nhỏ. Do đó, nhiều khi các bạn trẻ không học chuyên ngành liên quan tới bán dẫn vẫn có thể tham gia vào được. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải có sự chuẩn bị để nắm bắt cơ hội và đáp ứng nhu cầu công việc mà mình hướng tới.

Theo Minh Hằng

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên