Không trả nợ Ví trả sau có bị ghi nợ xấu trên CIC?
Trong thời gian gần đây, “Ví trả sau” đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là với các bạn trẻ có thói quen mua sắm trực tuyến.
- 12-09-2024Lãi suất vay mua nhà tháng 9 tăng hay giảm?
- 11-09-2024Đến khi ngoài 35 tuổi, tôi mới nhận ra tư duy tiết kiệm ngắn hạn là một sai lầm, tiết kiệm để có tiền tiêu lại càng sai hơn nữa!
- 11-09-2024Số lượng tài khoản thanh toán của người Việt tăng vọt lên gần mốc 200 triệu
Hiểu đơn giản, ví trả sau là một phương thức thanh toán trực tuyến cho phép người dùng “mua trước, trả sau”. Sau khi đăng ký ví trả sau thành công, hàng tháng khách hàng sẽ được cấp một hạn mức nhất định để mua sắm, tiêu dùng và sẽ phải hoàn trả số tiền đã chi tiêu vào tháng tiếp theo.
So với thẻ tín dụng thông thường , ví trả sau có hạn mức thấp hơn (tối đa từ 10 đến 20 triệu tùy loại ví), nhưng điều kiện xét duyệt lại đơn giản hơn, có thể dễ dàng đăng ký online và được phê duyệt chỉ trong vài phút.
Thêm vào đó, các nhà cung cấp sản phẩm Ví trả sau thường xuyên tung ra các chương trình ưu đãi, giảm giá, hoàn tiền, tặng thêm quà tặng,... , khiến nhiều người chủ quan “nhắm mắt đưa tay”, mở ví khi chưa nắm rõ các điều khoản và rủi ro của nó.
Người dùng nên lưu ý, những chiếc Ví trả sau này về mặt bản chất là sản phẩm cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm do các ngân hàng hoặc công ty tài chính cung cấp.
Về cơ bản, chi tiêu bằng Ví trả sau cũng tương tự như bạn dùng thẻ tín dụng. Nếu không thanh toán khoản vay đúng hạn, khách hàng có thể bị giảm hạn mức, khóa tính năng thanh toán và chịu phí phạt chậm trả. Tương tự như thẻ tín dụng, thời gian miễn lãi của Ví trả sau là 45 ngày, tức là trong vòng 45 ngày, số tiền khách hàng đã chi tiêu sẽ hoàn toàn không bị tính lãi.
Đặc biệt, lịch sử thanh toán dư nợ ví trả sau hàng tháng được CIC (Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Việt Nam) ghi nhận vào lịch sử tín dụng cá nhân theo thông tin trên ví. Vì vậy, chậm thanh toán khoản vay trên các ví này có thể ảnh hưởng đến điểm số tín dụng cũng như bị ghi nhận nợ xấu trên hệ thống CIC nếu khoản nợ rơi vào nhóm 3, 4, 5.
Được biết, nếu rơi vào nợ xấu, phải mất đến 5 năm kể từ ngày thanh toán đầy đủ các khoản vay, thông tin nợ xấu của khách hàng mới được xóa trên hệ thống CIC. Ngoài ra, không có cơ chế xóa nợ tại CIC cũng như không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có thể thực hiện được việc xóa nợ trước thời hạn quy định. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hồ sơ tín dụng và khả năng vay vốn trong tương lai của khách hàng.
Chia sẻ trên các trang mạng xã hội, có không ít người dùng “than trời” khi bị các ngân hàng từ chối cấp thẻ tín dụng hạn mức cao hay xét duyệt khoản vay mua nhà do có thông tin nợ xấu cung cấp bởi CIC, dù họ chưa từng “bùng nợ” vay ngân hàng hay các tổ chức tín dụng nào. Kiểm tra lại thì mới biết, các khoản nợ này đến từ các hóa đơn trả sau của ví điện tử, trị giá chỉ vài trăm nghìn mà họ quên thanh toán.
Đối với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, Ví trả sau là một sản phẩm giúp họ quản lý tài chính thông minh, hiện đại. Tuy nhiên, để sử dụng các tiện ích Ví trả sau hiệu quả, khách hàng nên lưu ý đọc kỹ các điều khoản sử dụng, hướng dẫn sử dụng và chú ý thanh toán đúng hạn để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hồ sơ tín dụng của bản thân.
Nhịp sống thị trường