MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không vì thiếu hiệu quả mà phủ nhận vai trò của DNNN

Điều quan trọng là cần xác định đúng vai trò, chức năng của khu vực DNNN trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh, quốc phòng

Chiều 12/10, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí cộng sản tổ chức hội thảo “Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu; góp phần điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định an ninh, chính trị.

Các DNNN hiện đang chi phối hoặc có ảnh hưởng lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của quốc gia như: Năng lượng, tài chính, tín dụng, ngân hàng, viễn thông, lương thực, dịch vụ cảng hàng không...

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của DNNN không cao và chưa được cải thiện nhiều. Việc thực hiện quản lý nhà nước đối với DNNN còn bất cập. Các DNNN chưa phát huy vai trò nòng cốt trong khu vực kinh tế nhà nước. Một số DNNN yếu kém, làm ăn thua lỗ, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước, gây bức xúc cho xã hội...

Tiến trình cơ cấu lại hệ thống DNNN vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra. Đặc biệt, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Việc niêm yết, đăng ký cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán còn chưa thực hiện được nhiều. Việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành công thương còn nhiều khó khăn, thách thức.

“Không vì sự thiếu hiệu quả của các DNNN mà phủ nhận tầm quan trọng của khu vực này. Điều quan trọng là cần xác định đúng vai trò, chức năng của khu vực DNNN  trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh, quốc phòng… để có những chủ trương, chính sách phù hợp. Cần tránh cả hai thái cực quan điểm, đó là chuyển từ chỗ bảo vệ sự độc quyền của DNNN đến chỗ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành sự độc quyền của các tập đoàn kinh tế tư nhân” – ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh các DNNN hoạt động phải theo nguyên tắc thị trường, đảm đương sứ mệnh kép: Vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế. Đồng thời, các DNNN cần khai thác năng lực cốt lõi, tập trung phát triển những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế thay vì đầu tư, kinh doanh dàn trải.

Bên cạnh đó, để thực hiện được sứ mệnh của mình tương xứng với tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực được đầu tư, các DNNN cần xây dựng được mô hình quản trị hiện đại, theo những chuẩn mực chung của thế giới, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và hội nhập với thị trường khu vực và toàn cầu.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương Trần Kim Chung cũng cho rằng, cần phải kiên quyết đổi mới cải cách, thậm chí cần phải rà soát, xem xét lại chế tài đối với những doanh nghiệp Nhà nước không phát huy được hiệu quả, không đảm nhận sứ mệnh của mình.

Các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung đánh giá, nêu bật vị trí, vai trò, đóng góp của DNNN; vai trò của DNNN trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, viễn thông, lương thực…; thực trạng phát triển của khu vực DNNN.

Các đại biểu cũng làm rõ thực trạng cơ chế, chính sách hiện nay đối với phát triển khu vực DNNN, trong đó đánh giá những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của các hạn chế; từ đó đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với khu vực DNNN, góp phần bảo đảm tính chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước.

Theo KIm Anh

Theo VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên