MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng bao trùm 1 startup xe điện: Phải ngừng hoạt động vì đốt hết tiền mặt, cổ phiếu từ 28,5 USD rớt xuống 4 xu, mất 2 kế toán trưởng trong chưa đầy 1 tháng

14-05-2024 - 19:31 PM | Tài chính quốc tế

Khủng hoảng bao trùm 1 startup xe điện: Phải ngừng hoạt động vì đốt hết tiền mặt, cổ phiếu từ 28,5 USD rớt xuống 4 xu, mất 2 kế toán trưởng trong chưa đầy 1 tháng

Sự sụp đổ của công ty này nhấn mạnh loạt khó khăn mà các hãng khởi nghiệp xe điện khác phải đối mặt.

Chuck Heinle, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Maryland, đã rất vui mừng khi startup xe điện Fisker liên hệ với anh để thuê nhà kho tại ngoại ô Baltimore. Một bản hợp đồng đã được ký vào đầu năm ngoái để sử dụng không gian này cho trung tâm giao nhận xe.

“Ngay khi họ liên hệ với tôi để thuê nhà kho, tôi đã đầu tư khá nhiều tiền. Tôi tin vào họ. Tôi đã nghĩ họ sẽ trở thành Tesla tiếp theo”, Chuck Heinle nói mà không ngờ được rằng sau này, chính anh lại là nạn nhân của cuộc khủng hoảng mang tên Fisker: nhà kho trống rỗng, tiền thuê chưa được trả…

Fisker, có trụ sở tại California, đang phải ngừng hoạt động sau khi đốt gần hết lượng tiền mặt. Áp lực ngày càng tăng để đàm phán gói giải cứu. Một thỏa thuận quan trọng bảo vệ công ty khỏi các chủ nợ sẽ hết hạn vào ngày 17 tháng 5 tới đây. Fisker thông báo tới nhân viên rằng 28/6 có thể là ngày làm việc cuối cùng nếu không thỏa thuận nào được ký kết.

Sự sụp đổ của Fisker nhấn mạnh loạt khó khăn mà các công ty khởi nghiệp khác phải đối mặt. Họ trước đó đã huy động được hàng tỷ USD, hứa hẹn một ngày nào đó sẽ vực dậy ngành kinh doanh ô tô có tuổi đời hơn một thế kỷ. Các nhà đầu tư cũng đặt cược vào việc tìm ra một Tesla tiếp theo, những nhà sản xuất xe điện có giá cổ phiếu hấp dẫn.

Theo WSJ, những thương hiệu ô tô trẻ khá sáng tạo nhưng lại gặp khó khăn trong việc triển khai nguyên tắc cơ bản về sản xuất để có lãi. Trong khi đó, sự quan tâm của người Mỹ đối với xe chạy bằng pin đã nguội dần.

Nhà sản xuất xe bán tải điện Lordstown Motors và nhà sản xuất xe tải giao hàng Arrival - những công ty khởi nghiệp ra mắt công chúng thông qua hình thức sáp nhập SPAC đều đã nộp đơn xin phá sản. Những công ty khác, bao gồm startup xe điện Faraday Future và Canoo, thì cắt giảm các kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng.

Henrik Fisker, giám đốc điều hành kiêm người sáng lập người Đan Mạch, đã tạo dựng tên tuổi nhờ thiết kế dòng xe hơi BMW Z8 vốn từng xuất hiện trong bộ phim “Bond” hồi năm 1999. Công ty khởi nghiệp đầu tiên của ông – Fisker Automotive – đã phá sản hơn một thập kỷ.

Đứng dậy từ vấp ngã, Fisker thề sẽ tạo ra một “công ty ô tô kỹ thuật số” tập trung vào phần mềm và kinh doanh trực tuyến. Ông đồng sáng lập công ty khởi nghiệp cùng với vợ mình, Geeta Gupta-Fisker, người sau đó trở thành giám đốc tài chính kiêm COO công ty.

Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau mẫu xe điện đầu tiên mang tên Ocean SUV, Fisker đã rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Phần mềm trong ô tô bị trục trặc, tổ chức bán hàng vô tổ chức trong khi bộ phận kế toán thiếu nhân lực và kinh nghiệm.

Khủng hoảng bao trùm 1 startup xe điện: Phải ngừng hoạt động vì đốt hết tiền mặt, cổ phiếu từ 28,5 USD rớt xuống 4 xu, mất 2 kế toán trưởng trong chưa đầy 1 tháng- Ảnh 1.

Tính đến ngày 1/5, Fisker chỉ bán được 6.500 xe. Hoạt động sản xuất tại nhà máy tạm dừng. Số xe còn lại đang được bán lại cho các đại lý và bên đấu giá. Andrew Segal, một nhà đầu tư ban đầu của Fisker, cho biết: “Hậu cần và các chi tiết rất quan trọng - còn ý tưởng gần như chỉ là thứ yếu”.

Cổ phiếu Fisker, trị giá 28,50 USD vào thời kỳ đỉnh cao, hiện chỉ được giao dịch ở mức khoảng 4 xu/cổ phiếu.

Chiếc BMW Z8 mà Henrik Fisker thiết kế đã được sử dụng trong bộ phim ‘Bond’ hồi năm 1999. Những năm đầu, nó gặp khó khăn do ngân sách hạn hẹp và để thu hút sự quan tâm, công ty đã phải giới thiệu mẫu xe thể thao bốn cửa hồi năm 2017. Tuy nhiên, ý tưởng sau đó bị loại bỏ và thay vào đó, Fisker tập trung vào chiếc SUV Ocean.

Vào đầu năm 2020, công ty hoạt động với một đội ngũ nhân viên nhỏ và có nguy cơ cạn tiền mặt. Để thuyết phục các nhà đầu tư, công ty dự báo doanh thu sẽ đạt 3,3 tỷ USD vào năm 2023.

Trong vòng vài tháng kể từ khi niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York vào tháng 10 năm 2020, giá trị thị trường của Fisker tăng gần gấp 3, đạt mức cao gần 8 tỷ USD. Công ty ước tính sẽ tiết kiệm được ít nhất 1 tỷ USD do không phải vận hành nhà máy, đồng thời bỏ qua mạng lưới đại lý truyền thống để bán trực tiếp tới người tiêu dùng.

Fisker đã ký thỏa thuận với nhà sản xuất ô tô Magna Steyr để chế tạo SUV Ocean ở Áo, tại một nhà máy sản xuất xe cho Mercedes-Benz, BMW và Jaguar. Công ty kỳ vọng rằng việc hợp tác với một nhà sản xuất ô tô có kinh nghiệm giúp hãng nắm chắc cơ hội chiến thắng.

Đã có sự nhiệt tình ban đầu với chiếc SUV Ocean, khi giá dao động từ 38.000 USD đến khoảng 70.000 USD và có thể di chuyển tới 360 dặm trong một lần sạc. Theo các nhân viên, công ty đã chi 5 triệu USD mở một flagship store (cửa hàng lớn nhất trong chuỗi bán lẻ) tại trung tâm thương mại sang trọng ở Los Angeles, Grove. Giá thuê lên tới gần 10.000 USD/ngày.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, công ty lại thất bại trong việc đầu tư xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng, kế toán và nhân viên hỗ trợ. Đến tháng 2/2023, các phê duyệt cần thiết để bán xe Fisker tại nhiều quốc gia cũng mất thời gian hơn dự kiến.

Ngoài ra, việc phát triển chậm tiến độ phần mềm hỗ trợ người lái đồng nghĩa với việc Fisker sẽ phải ra mắt Ocean mà không có những tính năng phổ biến, chẳng hạn như kiểm soát hành trình thích ứng. Khách hàng khi đó tương đối thất vọng.

“Đây là chiếc xe tệ nhất mà tôi từng đánh giá”, chuyên gia công nghệ Marques Brownlee nói.

Theo một số nhân viên, trong một số trường hợp, Fisker thu tiền từ khách hàng trong khi phương tiện vẫn còn lênh đênh trên biển. Điều đó khiến khách hàng tức giận vì phải đợi quá lâu mới nhận được xe.

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, Fisker mất 2 kế toán trưởng. Đội ngũ thiếu nhân sự và thiếu kinh nghiệm, thậm chí không thể cập nhật nhanh thông tin tình hình hiện tại của công ty.

Không lâu sau, Fisker quyết định thay đổi mô hình bán hàng trực tiếp vì cho rằng nó quá tốn thời gian và tiền của. Thay vào đó, công ty sẽ bán hàng thông qua các đại lý truyền thống.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, Fisker chỉ giao được khoảng 4.900 trong số hơn 10.000 chiếc Ocean do Magna Steyr sản xuất. Bản thân Fisker và Magna Steyr cũng đang tranh chấp hóa đơn sản xuất chưa thanh toán với tổng trị giá khoảng 8 triệu USD, theo WSJ.

Trong một nỗ lực cuối cùng nhằm tăng doanh số bán hàng, Fisker giảm giá Ocean tới 24.000 USD cho một số phiên bản, song đến giữa tháng 4, dự trữ tiền mặt của hãng Fisker bỏ lỡ thời hạn nộp báo cáo tài chính hàng năm cho các cơ quan quản lý sau khi các kiểm toán viên xác định được những “điểm yếu quan trọng” mới liên quan đến doanh thu. Công ty cảnh báo có thể cạn tiền mặt vào cuối năm nay, vậy nên, vội vàng tìm kiếm một ‘vị cứu tinh’ tài chính để có được khoản đầu tư tiềm năng.

Đáng tiếc, cuộc đàm phán thất bại. Không một ai dang tay cứu Fisker.

Theo: WSJ

Theo Vũ Anh

An Ninh Tiền Tệ

Trở lên trên