Khủng hoảng năng lượng đã qua, vì sao Trung Quốc vẫn 'điên cuồng' mua LNG?
Nhiều người tỏ ra bất ngờ với chính sách mua sắm của Trung Quốc nhưng theo các nhà phân tích, đây là lựa chọn hợp lý.
- 23-06-2023'Né' khí đốt của Nga, quốc gia giàu nhất châu Âu giờ đây lại phụ thuộc vào LNG nhập khẩu từ nước mà 'ai cũng biết là ai'
- 22-05-2023Cuộc đua giành hợp đồng LNG dài hạn của châu Á: giá có thể tăng đột biến do các tay to 'om hàng'
- 04-05-2023Nguy cơ biến động giá LNG trong năm 2023 - giá gas trong nước hiện diễn biến ra sao?
Trung Quốc đang ráo riết mua sắm khí đốt tự nhiên và các quan chức tại quốc gia này “rất vui” khi các nhà nhập khẩu tiếp tục thực hiện các thoả thuận dài hạn ngay cả khi cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã lắng xuống.
Quốc gia này thậm chí tiếp tục đầu tư vào các cơ sở xuất khẩu nhằm tăng cường an ninh năng lượng cho đến giữa thế kỷ, theo những người đã gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách.
Ngay trong năm 2023, Trung Quốc đang trên đà trở thành nhà nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng hàng đầu thế giới. Đây có thể cũng là năm thứ 3 liên tiếp các công ty Trung Quốc ký các thoả thuận mua LNG dài hạn nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, theo Bloomberg.
Trung Quốc đặc biệt yêu thích các hợp đồng dài hạn bởi các lô hàng được hứa hẹn ở mức giá tương đối ổn định so với thị trường giao ngay, khi giá khí đốt tăng cao nhất mọi thời đại sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra.
“An ninh năng lượng luôn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Có nguồn cung dồi dào trong danh mục đầu tư cho phép họ quản lý sự biến động trong tương lai. Tôi tin sẽ còn nhiều hợp đồng hơn nữa được ký trong tương lai”, Toby Copson – trưởng bộ phận tư vấn và thương mại toàn cầu của Trident LNG cho hay.
Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy các hợp đồng dài hạn vào năm 2021, sau khi quan hệ với Mỹ được cải thiện. Chính sách thời điểm hiện tại là đa dạng hoá nhập khẩu giữa các quốc gia khác nhau nhằm tránh chịu ảnh hưởng nếu xảy ra các gián đoạn địa – chính trị trong tương lai.
Một số nhà nhập khẩu khác, bao gồm cả Ấn Độ, cũng đang tìm cách ký thêm các thoả thuận nhằm tránh thiếu hụt trong tương lai và hạn chế phụ thuộc vào thị trường giao ngay. Tuy nhiên, tốc độ “chốt đơn” của Trung Quốc cao hơn nhiều. Cho đến nay, 33% lượng LNG dài hạn được ký kết đều có điểm đến là Trung Quốc, theo tính toán của Bloomberg.
Tháng trước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã ký một thoả thuận 27 năm với Qatar và nắm giữ cổ phần trong dự án mở rộng quy mô của nhà xuất khẩu này trong khi ENN Energy Holdings đã ký một hợp đồng kéo dài hàng thập kỷ với Cheniere Energy của Mỹ. Cả 2 dự kiến bắt đầu triển khai ngay từ năm 2026.
Nhiều thoả thuận khác cũng đang được chốt, trải dài từ Singapore đến Houston. Các công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước gồm Cnooc, Sinopec đang thảo luận với Mỹ trong khi các công ty nhỏ hơn như Tập đoàn năng lượng Chiết Giang và Tập đoàn khí đốt Bắc Kinh cũng tìm kiếm các thoả thuận dài hạn với các thương nhân. Các thương nhân cho biết Qatar đang đàm phán với một số người mua Trung Quốc về các hợp đồng có thể kéo dài hơn 20 năm.
Các thoả thuận này sẽ mở đường cho việc hình thành hàng chục cảng mới, dự kiến bắt đầu xây dựng trên khắp các thành phố ven biển Trung Quốc trong thập kỷ này. Theo Rystad Energy, nhập khẩu LNG của Trung Quốc có thể tăng tới 138 triệu tấn vào năm 2033, gấp đôi mức hiện tại.
“Hiện tại, hơn 1 nửa nhu cầu LNG của Trung Quốc giai đoạn 2030 đến 2050 vẫn chưa được ký hợp đồng”, Xi Nan – nhà phân tích của Rystad nói.
Các thương nhân cho biết chính phủ Trung Quốc không ép buộc các công ty phải ký thoả thuận. Họ chỉ ký nếu thoả thuận có giá đủ hấp dẫn. Những người mua từ Trung Quốc cũng đang sử dụng các hợp đồng LNG mới để mở rộng danh mục đầu tư và mở ra các cơ hội giao dịch sinh lời.
Tuy nhiên, triển vọng tăng nhu cầu không chắc chắn đặc biệt khi Trung Quốc tăng cường sản xuất khí đốt trong nước và nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga có thể tăng lên. Xue Xuguang, nhà phân tích cấp cao của Cnooc đã cảnh báo rằng nguồn cung dư thừa làm tăng nguy cơ các cảng nhập khẩu LNG có thể không hoạt động thường xuyên.
Tuy nhiên, tình trạng mất điện trong vài năm qua đã thay đổi suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Họ coi an ninh năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Việc thiếu than – nhiên liệu chính để sản xuất điện của Trung Quốc – đã gây ra tình trạng cắt điện trên diện rộng tại các nhà máy trong thời gian ngắn giai đoạn 2021-2022. Đáp lại, quốc gia này tuyên bố tăng cường công suất khai thác và sản lượng đã tăng lên mức kỷ lục.
Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách muốn làm điều tương tự với khí đốt. Theo những người thân cận với vấn đề, Bắc Kinh đang thúc đẩy các gã khổng lồ năng lượng nước này tăng cường sản xuất khí đốt trong nước, cắt giảm chi phí khoan để tăng khả năng tự cung tự cấp.
Càng nhiều thoả thuận được ký kết, Trung Quốc càng có nhiều quyền kiểm soát đối với nguồn cung LNG toàn cầu. Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cân bằng thị trường. Họ có thể bán lại các lô hàng đã ký cho người mua cần thiết khi nhu cầu trong nước yếu. “Những người mua lớn và có uy tín thường sở hữu sức mạnh đàm phán lớn hơn so với người mua nhỏ hoặc mới nổi. Quyết định tăng cường ký hợp đồng dài hạn là một quyết định hợp lý”, Xi của Rystad nói.
Nhịp sống thị trường