Khủng hoảng niềm tin startup: Gần 100 công ty không thể IPO dù ‘khát’ vốn, chuyên gia khuyên 6 tháng tới chỉ nên ‘ngồi im’
Các công ty khởi nghiệp được cho là nên trì hoãn kế hoạch IPO tại Mỹ cho đến khi lãi suất ổn định trở lại.
- 27-09-2023Sự sụp đổ của 1 startup từng được định giá 22 tỷ USD: Gánh khoản lỗ trăm triệu USD, founder bật khóc sau khi văn phòng bị cảnh sát đột kích
- 22-09-2023Một startup ô tô điện vừa ra mắt dòng smartphone đặc biệt: 30 tính năng hỗ trợ người lái, bán độc quyền ở Trung Quốc, giá đắt nhất hơn 1.000 USD
- 11-09-2023Thêm 1 bom tấn startup từng được định giá 40 tỷ USD nay chỉ còn 8 - 9 tỷ USD, có thể sẽ IPO ngay trong tuần sau
Các công ty khởi nghiệp được cho là nên trì hoãn kế hoạch IPO tại Mỹ cho đến khi lãi suất ổn định trở lại. Lời khuyên được đưa ra bởi nhiều chuyên gia kinh tế, sau khi màn ra mắt không đạt kỳ vọng của Arm và Instacart làm tiêu tan hy vọng về một làn sóng niêm yết công nghệ mới.
Công ty giao hàng tạp hóa trực tuyến Instacart trước đó đã có đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào ngày 19/9. Arm, nhà thiết kế chip được SoftBank hậu thuẫn có động thái tương tự trong khi công ty phần mềm tự động hóa tiếp thị Klaviyo cũng ghi nhận kết quả hậu IPO khá khả quan.
Cả ba đều có khởi đầu tươi sáng trên thị trường đại chúng, song thành quả có lẽ sẽ sớm bị lu mờ bởi ngày 20/9 mới đây, FED tuyên bố có thể sẽ có một đợt tăng lãi suất khác trong năm để kìm hãm lạm phát.
“Lãi suất là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Đang có một cuộc tranh luận xung quanh việc thắt chặt tiền tệ sẽ kéo dài bao lâu và tốc độ tăng lãi suất sẽ ra sao. Một số vấn đề cần xem xét, trong đó có thời điểm thích hợp để tiến hành IPO”, Udhay Furtado của ngân hàng Citigroup cho biết.
Trước đó, Oldenburgische Landesbank, một ngân hàng ở Đức đã phải tạm dừng kế hoạch IPO dự kiến diễn ra vào đầu tháng 5/2023 vì các nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng toàn cầu.
“Vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra vào cuối năm nay nên tôi nghĩ điều đó khiến giới đầu tư khá lo lắng. Thời gian hiện tại không phù hợp để rót vốn vào các doanh nghiệp ít tên tuổi”, Stephanie Niven, giám đốc danh mục đầu tư ở Công ty quản lý đầu tư Ninety One, nói.
Sự hỗn loạn trong suốt tháng 9 đã khiến các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon thất vọng. Họ vẫn nghĩ đợt niêm yết trong tháng mới sẽ mở ra cơ hội cho hàng chục công ty công nghệ tư nhân sau khi thị trường trải qua một năm 2021 tồi tệ.
“Trừ khi bạn thực sự cần, nếu không hãy ngồi im. Thị trường đã rất khó khăn trong vài tuần qua”, Mike Volpi, đối tác chung của công ty đầu tư mạo hiểm Index Ventures, cho biết.
Theo ước tính của công ty dữ liệu thị trường tư nhân PitchBook, gần 80 ứng cử viên IPO đã không thể hiện thực hóa kế hoạch trong năm qua - thời điểm loạt startup công nghệ phải đối mặt với khủng hoảng. Đầu tư mạo hiểm vào các startup Mỹ trong năm 2022 có xu hướng giảm 1/3 so với năm 2021, theo nghiên cứu từ PitchBook Data. Vốn đầu tư vào các công ty này cũng giảm liên tục hàng quý.
“Thời thế đã khác. Mọi người cần bỏ thói quen thích định giá đi. Ai cũng say sưa với điều đó nhưng nó đã qua và không quay trở lại nữa đâu”, Matt Murphy, một đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Menlo Ventures, cho biết.
Theo Bloomberg, những biến động trong ngành ngân hàng thế giới cùng loạt rủi ro kinh tế suy thoái đang khiến thị trường IPO toàn cầu gặp “rắc rối”. Tính từ đầu năm cho đến tháng 3/2023, các công ty trên thế giới chỉ huy động được 19,7 tỷ USD thông qua các đợt IPO. Con số trên giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2019.
Dẫu vậy, một số chuyên gia vẫn có cái nhìn dài hạn tích cực.
“Mọi người đều nghĩ IPO đã chết. Thực tế không phải vậy”, Paul Kwan, giám đốc điều hành của công ty liên doanh General Catalyst kiêm cựu giám đốc một chi nhánh của Morgan Stanley, cho biết.
Kế hoạch tăng lãi suất đặc biệt gây đau đớn cho các công ty khởi nghiệp tư nhân không có lãi. Ông Kwan dự đoán từ nay cho đến khi lãi suất ổn định, khó có khả năng IPO sẽ diễn ra. Sự gia tăng các hoạt động mua bán và sáp nhập, nếu có, sẽ chỉ diễn ra trong vòng 6 tháng tới.
“Việc nhà sáng lập có trở thành tỷ phú hay không có lẽ không còn quan trọng nữa. Vấn đề lớn nhất là sự dịch chuyển và khủng hoảng về niềm tin”, nhà sáng lập Eric Paley của Founder Collective nhận định.
Jason Greenberg, đồng giám đốc công nghệ, truyền thông và viễn thông toàn cầu cảnh báo một số công ty có thể buộc phải niêm yết sớm vì quá ‘khát’ vốn. Chẳng hạn, Stripe vào tháng 3 huy động hơn 6,5 tỷ USD một phần để thanh toán các khoản nợ. Instacart cũng sử dụng “một cách hiệu quả” toàn bộ số tiền thu được từ đợt IPO để giải quyết các chi phí liên quan trước đó. Theo Don Butler, giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Thomvest, một trong những yếu tố thúc đẩy startup tiếp cận thị trường đại chúng là nhu cầu thanh khoản của các nhà đầu tư.
“Kế hoạch niêm yết có thành công hay không ư? Không đâu. Mọi thứ chỉ ổn sau 6 tháng nữa”, ông Jason Greenberg nói.
Theo giáo sư tài chính Jay Ritter của Đại học Florida, thị trường cho các đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ cũng phải trải qua một năm 2022 tồi tệ nhất kể từ năm 1990. Khoảng 139 công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) phải thanh lý, theo SPAC Research, từ đó làm suy yếu công cụ đặc biệt vốn được các công ty khởi nghiệp và giới đầu tư tận dụng để kiếm tiền.
“Sẽ rất áp lực nếu muốn kiếm tiền bằng mọi giá”, Mark Peter Davis, đối tác quản lý tại Interplay, một công ty mạo hiểm kiêm vườn ươm khởi nghiệp, cho biết. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều nỗi đau như thế này”.
Theo Layoffs.fyi, một trang web theo dõi việc làm trong ngành công nghệ, trong năm 2022, các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Mỹ đã sa thải hơn 35.000 nhân viên. Một số tạm phải gác lại các kế hoạch kinh doanh, trong khi số khác “đóng băng” ngày ra mắt các sản phẩm mới.
Theo: FT, WSJ
Nhịp sống thị trường