MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng ở Biển Đỏ có thể phá tan hi vọng phục hồi kinh tế toàn cầu

14-01-2024 - 20:35 PM | Tài chính quốc tế

Xung đột kéo dài ở Biển Đỏ và căng thẳng leo thang trên khắp Trung Đông có nguy cơ tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu, gây ra lạm phát và làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng.

Khủng hoảng ở Biển Đỏ có thể phá tan hi vọng phục hồi kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Tàu thuyền chuẩn bị di chuyển qua Kênh đào Suez, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ The Guardian ngày 13/1, đó là cảnh báo của một số nhà kinh tế hàng đầu thế giới.

Cụ thể, các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thế giới cho rằng có nguy cơ cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ dẫn tới lãi suất cao hơn, tăng trưởng thấp hơn, lạm phát dai dẳng và bất ổn về địa chính trị.

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới nhận định cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, cùng với cuộc chiến ở Ukraine, đã tạo ra những mối nguy hiểm thực sự. Báo cáo có đoạn: “Xung đột leo thang có thể dẫn đến giá năng lượng tăng vọt, gây ra những tác động rộng hơn đối với hoạt động toàn cầu và lạm phát. Các rủi ro khác gồm căng thẳng tài chính liên quan đến lãi suất thực, lạm phát dai dẳng, tốc độ tăng trưởng yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc, tình trạng phân mảnh thương mại ngày càng sâu sắc và các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu”.

Theo Ngân hàng Thế giới, các cuộc tấn công gần đây của Houthi nhằm vào các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ đã bắt đầu làm gián đoạn các tuyến vận chuyển quan trọng, làm suy yếu mạng lưới cung ứng và làm tăng khả năng gây nút thắt lạm phát. Trong bối cảnh xung đột leo thang, nguồn cung cấp năng lượng cũng có thể bị gián đoạn đáng kể, dẫn đến giá năng lượng tăng đột biến. Điều này sẽ có tác động lan tỏa đáng kể đến giá cả hàng hóa khác và làm tăng thêm bất ổn kinh tế và địa chính trị, từ đó có thể làm giảm đầu tư và khiến tăng trưởng suy yếu hơn nữa.

Ông John Llewellyn, cựu nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho biết: “Tình hình này đã leo thang trở thành một vấn đề nghiêm trọng”. Ông cho rằng xác suất xảy ra gián đoạn nghiêm trọng đối với thương mại thế giới là 30%, tăng so với 10% một tuần trước. Ông nói: “Có một diễn biến khủng khiếp và không thể tránh khỏi có thể khiến tình hình ở Biển Đỏ lan sang eo biển Hormuz và rộng hơn là Trung Đông”.

Sau đêm tấn công thứ hai nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đều cho biết sẵn sàng hành động thêm nếu Houthi vẫn tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ.

Trong tình hình hiện nay, nội bộ chính phủ hai nước ngày càng lo ngại rằng các sự kiện ở Trung Đông có thể làm tiêu tan triển vọng phục hồi kinh tế và cả cơ hội của hai nhà lãnh đạo trong cuộc bầu cử sắp tới.

Mặc dù các đảng phái ở Anh ủng hộ các cuộc không kích mục tiêu của Houthi ở Yemen, nhưng Thủ tướng Anh Sunak sẽ phải đối mặt với những câu hỏi từ các nghị sĩ đang lo lắng về một cuộc xung đột kéo dài và kế hoạch dài hạn hơn cho hòa bình Trung Đông. Một số nghị sĩ Công đảng sẽ gây áp lực cho Chủ tịch Công đảng Keir Starmer về lý do tại sao ông ủng hộ các cuộc tấn công quân sự vào Houthi sau khi chính ông tuyên bố sẽ chỉ ủng hộ hành động như vậy sau khi quốc hội đồng ý.

Tổng thống Mỹ Biden cũng phải đối mặt với phản đối từ những thành viên cấp tiến trong đảng Dân chủ - những người vốn đã phản đối sâu sắc Mỹ hỗ trợ quân sự cho Israel ở Gaza. Nghị sĩ Ro Khanna nói: “Tổng thống cần đến Quốc hội trước khi phát động cuộc tấn công Houthi ở Yemen và lôi kéo chúng ta vào một cuộc xung đột nữa ở Trung Đông”.

Xung đột ở Trung Đông ngày càng lan rộng khi Mỹ và Anh thực hiện hàng chục cuộc tấn công vào các địa điểm của Houthi ở Yemen ngày 11 và 12/1. Các cuộc không kích này nhằm trả đũa Houthi tấn công các tàu đi qua Biển Đỏ, khiến hoạt động vận tải hàng hải tại một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới bị tê liệt.

Khủng hoảng ở Biển Đỏ có thể phá tan hi vọng phục hồi kinh tế toàn cầu - Ảnh 2.

Các tay súng Houthi. Ảnh: Shutterstock

Houthi cho biết họ chỉ tấn công các tàu liên quan Israel để bày tỏ ủng hộ người Palestine ở Gaza, nhưng nhiều mục tiêu không có mối liên hệ nào với Israel. Houthi cũng đã bắn tên lửa vào lãnh thổ Israel.

Cuộc tấn công của Mỹ vào một địa điểm radar ở Yemen vào tối 12/1 đã khiến Houthi cảnh báo sẽ phản ứng mạnh mẽ và hiệu quả đối với các cuộc tấn công quốc tế. Điều này làm dấy lên lo ngại về leo thang cuộc xung đột vỗn đã diễn ra xuyên biên giới.

Người phát ngôn Houthi, Mohammed Abdulsalam, tuyên bố các cuộc tấn công không có tác động đáng kể đến khả năng của Houthi trong tấn công tàu đi qua Biển Đỏ và Biển Arab.

Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Yemen, ông Hans Grundber, cảnh báo về những lo ngại nghiêm trọng liên quan ổn định và những nỗ lực hòa bình mong manh ở Yemen - quốc gia đã trải qua nhiều năm nội chiến.

Houthi chỉ là một trong các nhóm trên toàn khu vực đang tấn công các mục tiêu bên trong Israel hoặc những mục tiêu mà họ cho là có liên quan đến Israel. Hezbollah ở Liban cũng là mối đe dọa nghiêm trọng.

Ông Farea Al-Muslimi thuộc chương trình Trung Đông của tổ chức Chatham House nhận định rằng Houthi có trang bị và mức độ sẵn sàng tốt hơn nhiều so với những gì phương Tây nhận ra. Phương Tây luôn đánh giá thấp Houthi.

Ông William Bain, chuyên gia thương mại của Phòng Thương mại Anh, cho biết: “Khoảng 500.000 container đã đi qua kênh Suez trong tháng 11/2023 và con số đó đã giảm 60% xuống còn 200.000 trong tháng 12/2023”.

Khủng hoảng ở Biển Đỏ có thể phá tan hi vọng phục hồi kinh tế toàn cầu - Ảnh 3.

Tàu thuyền di chuyển qua kênh đào Suez. Ảnh: AFP/TTXVN

Các tàu đang đi theo những tuyến đường khác nhau, nhưng thay đổi tuyến đường đã làm tăng chi phí. Một container có chi phí 1.500 USD vào tháng 11/2023 đã tăng lên 4.000 USD vào tháng 12/2023.

Ông Bain nói: “Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, sẽ chỉ làm tăng thêm gián đoạn và chi phí vận chuyển container sẽ tăng lên, thương mại toàn cầu sẽ giảm hơn nữa”.

Các nhà kinh tế ngày càng lo lắng rằng nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có thể phải hứng chịu suy thoái trong năm nay. Họ lo ngại rằng các ngân hàng trung ương sẽ chỉ cắt giảm lãi suất một cách khiêm tốn, làm tăng thêm chi phí sinh hoạt mà hàng triệu hộ gia đình phải đối mặt.

Viễn cảnh giá dầu tăng cao có thể khiến các ngân hàng trung ương giữ vững và duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến.

Ông Liam Byrne, chủ tịch một ủy ban thuộc Hạ viện Anh, cho biết: “Hiện có nguy cơ thực sự là trận chiến ở Biển Đỏ sẽ đẩy giá cả lên cao, ngay khi lạm phát bắt đầu giảm. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa gặp nguy hiểm… đặc biệt là vì cuộc chiến mới ở kênh đào Suez xảy ra khi hạn hán đang làm giảm hoạt động thương mại qua kênh đào Panama. Hai trong số năm tuyến đường mấu chốt để giao thương trên thế giới đang gặp nguy hiểm thực sự”.

Theo Thùy Dương

Báo Tin Tức

Trở lên trên