MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khung pháp lý của Việt Nam đối với Fintech còn sơ khai

30-06-2019 - 09:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Dù có tiềm năng lớn nhưng tại Việt Nam mới chỉ khai phá Fintech ở mức độ thấp và khuôn khổ pháp lý còn sơ khai…

Công nghệ tài chính hay còn gọi tắt là Fintech đã trở thành từ khóa “hot” trong giới tài chính thế giới từ năm 2008. Việc áp dụng công nghệ vào ngành tài chính không chỉ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính mà xu hướng này còn đem lại những ứng dụng sáng tạo và phát triển phương thức kinh doanh mới.

Khung pháp lý của Việt Nam đối với Fintech còn sơ khai - Ảnh 1.

Khung pháp lý của Việt Nam đối với Fintech còn sơ khai. Ảnh minh họa: KT.


Nhờ có Fintech, thay vì phải trải qua những quy trình, thủ tục mất cả tuần trời, các ngân hàng giờ đây chỉ mất chưa tới 10 giây để duyệt khoản vay, máy rút tiền ATM dần bị thay thế bởi ngân hàng trực tuyến, giao dịch tiền mặt đang ngày một bị hạn chế và thay thế bởi thanh toán lướt, chạm hay vân tay...Năm 2015, Fintech mới bắt đầu xuất hiện và mở rộng tại Việt Nam, nhưng năm 2017, thị trường fintech của Việt Nam đã cán mốc 4,4 tỉ USD và được dự đoán sẽ tăng lên mức 7,8 tỉ USD vào năm 2020.

Việt Nam hiện có 67 công ty Fintech đang hoạt động. So với các nước khác trong khu vực con số này còn rất khiêm tốn, ví dụ như trong năm 2017, Singapore có khoảng 490 công ty Fintech, Indonesia là 262 công ty, Malaysia 196 công ty thuộc lĩnh vực này.

Khung pháp lý của Việt Nam đối với Fintech còn sơ khai - Ảnh 2.

Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia

Theo đánh giá của giới chuyên gia, tuy Fintech tại Việt Nam đang phát triển rầm rộ nhưng hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ...

Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định, dù có tiềm năng lớn nhưng tại Việt Nam mới chỉ khai phá Fintech ở mức độ thấp và khuôn khổ pháp lý cho Fintech còn sơ khai, chủ yếu là một số đề án mang tính vĩ mô và quy định về thanh toán như: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020; Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo…

“Trên thực tế, hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ; Mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech; Bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân”, ông Tuấn cho hay.

Khung pháp lý của Việt Nam đối với Fintech còn sơ khai - Ảnh 3.

Ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ 

Cùng quan điểm, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) – Đại học Quốc gia đánh giá, Fintech tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường, và những thách thức đối với các tổ chức quản lý nhà nước về tài chính, tiền tệ và các tổ chức kinh doanh về: khuôn khổ pháp lý; bảo mật và an toàn thông tin; những đòi hỏi về công nghệ, tổ chức kinh doanh các dịch vụ tài chính.

Ông Hà Huy Tuấn cho rằng, trước sự phát triển mạnh của Fintech và trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách mở để thúc đẩy mô hình này, Việt Nam cũng cần rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nhất định.

Đơn cử, Việt Nam cần tiến hành một số hoạt động mang tính lâu dài như xây dựng khung pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox) - cơ chế cho phép các công ty Fintech startup được thí điểm/thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ trước khi cung ứng sản phẩm chính thức ra thị trường; Xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh đối với Fintech bao trùm các hoạt động dịch vụ Fintech, bảo vệ người tiêu dùng, phòng chống rửa tiền…

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng trung ương và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của khung khổ pháp lý về Fintech; Phối hợp giữa cộng đồng Fintech trong nước và quốc tế./.

Theo Vân Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên