Kịch bản ĐHĐCĐ Vinaconex: An Quý Hưng chắc 'ghế' HĐQT, BKS?
3 cổ đông lớn đang nắm gần 87% vốn của Vinaconex và An Quý Hưng đang có lợi thế hơn trong việc tranh suất vào HĐQT.
Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex) đang có 3 cổ đông lớn là An Quý Hưng nắm 57,71% vốn, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ giữ 21,3% vốn và Đầu tư Star Invest nắm 7,57% vốn.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ của Vinaconex, phiên họp bất thường sẽ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp (trực tiếp hoặc thông qua ủy quyền) đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết.
Như vậy, chỉ cần có sự hiện diện của An Quý Hưng, đại hội đã có thể tiến hành. Ngược lại, vắng đi cổ đông này, Vinconex sẽ phải tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 2, tuy nhiên điều này khó xảy ra do đại diện của An Quý Hưng đã trở thành Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của Vinaconex.
Thống kê trong 3 lần ĐHĐCĐ gần nhất của Vinaconex, lượng cổ phần tới tham dự dao động 82,8 - 88% tổng lượng cổ phần. Điều này cho thấy cơ cấu tham dự họp chủ yếu là các cổ đông lớn, lượng cổ đông nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng thấp.
Cổ đông biểu quyết trong ĐHĐCĐ Vinaconex 2017.
Nhiều khả năng cuộc họp ngày 11/1, những lá phiếu của cổ đông lớn sẽ nắm yếu tố quyết định. Trong khi đó, Chủ tịch Vinaconex mới đây nhận định rằng, các nhà đầu tư lớn sau đấu giá sẽ khó có thể hòa hợp.
Tính theo tỷ lệ tham dự đề cập phía trên, sở hữu An Quý Hưng tương đương khoảng 60% phiếu biểu quyết, Bất động sản Cường Vũ giữ khoảng 25% phiếu biểu quyết và Star Invest giữ khoảng 9% phiếu biểu quyết.
Theo điều lệ của Vinaconex, số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022 là 7 người. Toàn bộ các thành viên HĐQT đương nhiệm có ý định từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT xuất phát từ việc thoái vốn thành công của cổ đông Nhà nước (Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC, Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel) và thời điểm mất tư cách thành viên HĐQT là ngay sau khi ĐHĐCĐ bất thường bầu được thành viên HĐQT mới thay thế và tiếp quản công việc.
Vì vậy, số lượng thành viên HĐQT được bầu tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1 là 7 người. Tương tự đối với việc bầu cử BKS, số lượng kiểm soát viên được bầu tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1 là 5 người.
Cường Vũ đã gửi đề xuất nhờ Viettel đề cử ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà vào HĐQT. Ông Nguyễn Quang Trung là Phó Tổng giám đốc Địa ốc Phú Long. Trong khi đó, ông Thân Thế Hà là Phó Tổng giám đốc Vinaconex và Chủ tịch HĐTV Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).
Bên cạnh đó, Cường Vũ cũng đề cử 2 cá nhân vào Ban kiểm sát gồm ông Nguyễn Xuân Đại, ông Lê Đình Vinh.
Dù là cổ đông lớn nhưng cả An Quý Hưng, Star Invest và Bất động sản Cường Vũ đều không có quyền trực tiếp đề cử thành viên tham gia do thời gian nắm giữ chưa đủ 6 tháng. Tuy nhiên, các cổ đông này có thể lách luật bằng việc nhờ nhóm cổ đông lớn “cũ” đề cử hộ như trường hợp của Cường Vũ.
Theo đó, An Quý Hưng có thể đề cử tối đa 5 thành viên vào HĐQT và 5 thành viên BKS. Trong khi Cường Vũ có thể đề cử 2 thành viên HĐQT và 2 thành viên BKS; Star Invest có thể đề cử 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên BKS.
Nguyên tắc bầu thành viên HĐQT và BKS được sử dụng tại ĐHĐCĐ bất thường là bầu dồn phiếu. Nguyên tắc trúng cử được xác định theo số quyền biểu quyết từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số lượng thành viên HĐQT và số lượng thành viên BKS được ĐHĐCĐ phê duyệt.
Với cách tính này, An Quý Hưng đang có lợi thế lớn trong việc tranh ghế vào HĐQT. Với tỷ lệ biểu quyết chiếm tới 60% phiếu, các cá nhân do An Quý Hưng gián tiếp đề cử, gần như chắc suất vào HĐQT, BKS của công ty với tối đa 5 thành viên. Trong khi đó Bất động sản Cường Vũ và Đầu tư Star Invest sẽ chỉ còn cơ hội tại tối thiểu 2 vị trí còn lại.
Mặt khác, theo điều lệ của Vinaconex và ĐHĐCĐ bất thường, nghị quyết và biên bản ĐHĐCĐ sẽ được thông qua khi có tối thiểu 51% phiếu đồng ý tại đại hội. Như vậy, gần như kết quả bầu HĐQT và BKS sẽ được chấp nhận nếu có sự tán thành của An Quý Hưng.
NDH