MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kịch bản nào cho cuộc khủng hoảng toàn cầu tiếp theo?

12-09-2018 - 08:52 AM | Tài chính quốc tế

Nhìn qua thì có vẻ vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina chỉ là những trường hợp cá biệt không có tính hệ thống, nhưng nếu kết hợp các dấu hiệu suy thoái rõ rệt tại nhiều nước mới nổi khác như Nam Phi hay Nga, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc có thể tạo hiệu ứng lan tỏa tạo khủng hoảng với dòng tiền toàn cầu.

Phải đến tận khi Argentina đã nâng lãi suất cơ bản lên 60% và đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm hơn 50% giá trị so với USD tính từ đầu năm, thị trường tài chính toàn cầu mới thực sự chú ý tới nguy cơ suy thoái nghiêm trọng đến từ các thị trường mới nổi. Tình hình ở hai quốc gia này đã có vẻ tạm lắng, khiến cho một vài chuyên gia tin rằng đây chỉ là hai vấn đề cục bộ và đã nhanh chóng được giải quyết.

Tuy nhiên không nhiều người để ý tới một làn sóng ngầm dao động ngày càng mạnh đang quét qua các thị trường mới nổi trên khắp thế giới, sẵng sàng cộng hưởng để tạo nên một cơn bão có thể thay đổi tình trạng kinh tế toàn cầu.

Vấn đề từ những quốc gia mới nổi

Nam Phi đã công bố số liệu GDP suy thoái quý thứ hai liên tiếp, lần lượt giảm 2,6% và 0,7% trong hai quý đầu năm nay. Đây là diễn biến suy thoái đầu tiên của nước này kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Triển vọng tồi tệ của nền kinh tế Nam Phi cũng khiến cho đồng Rand mất giá mạnh và quốc gia này đứng trước khả năng bị hạ mức xếp hạng tín dụng.

Trong khi đó, lạm phát tại Philippines đã tăng lên 6,4% trong tháng 8/2018, từ mức 5,7% vào tháng 7, vượt quá dự báo của các nhà kinh tế. Sự gia tăng của lạm phát gây áp lực buộc ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất, tạo ra viễn cảnh xấu đối với tăng trưởng kinh tế.

Tại Indonesia, một quốc gia khác gần với Philippines, Chính phủ nước này đã cố gắng thực hiện một loạt biện pháp để cứu vớt giá trị đồng nội tệ. Đồng tiền Rupiah hiện đang ở mức thấp nhất so với USD kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Nếu nền kinh tế Mỹ vẫn tốt lên trong những quý tới, dòng tiền tiếp tục rút khỏi các quốc gia mới nổi, trong đó có Indonesia, rất có thể nước này sẽ gặp phải một cuộc khủng hoảng tiền tệ, vốn đã để lại nhiều tổn thương to lớn đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á hơn 20 năm trước.

Trong khi rủi ro với các nền kinh tế mới nổi, hiện đang chiếm hơn 50% GDP toàn thế giới, đang ở mức cao hơn bao giờ hết, Mỹ tiếp tục xu hướng leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hong Kong đến nay đã giảm gần 13% so với đầu năm, tương tự xu hướng của chỉ số ETF Các thị trường mới nổi MSCI (iShare MSCI Emerging Markets ETF – EEM). Chỉ số này hiện tại cũng giảm khoảng 10% và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Nhiều chuyên gia thừa nhận cho tới nay chưa có bất cứ một cuộc căng thẳng nào có nguy cơ trực tiếp dẫn tới khủng hoảng kinh tế trên diện rộng. Mặc dù vậy, sự tăng lên nhanh chóng của lợi suất trái phiếu của Brazil, Nga, Nam Phi và Indonesia cũng tạo ra những dấu hiệu quan ngại nhất định.

Nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng, các quốc gia đang phát triển hiện đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng lớn. Tình trạng mong manh của hệ thống tài chính những nước này rất dễ trở thành miếng mồi ngon cho những nhà đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận thông qua các thương vụ bán khống tiền tệ quy mô lớn. Nhìn qua thì có vẻ vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina chỉ là những trường hợp cá biệt không có tính hệ thống, nhưng nếu kết hợp các dấu hiệu suy thoái rõ rệt tại nhiều nước mới nổi khác như Nam Phi hay Nga, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc có thể tạo hiệu ứng lan tỏa tạo khủng hoảng với dòng tiền toàn cầu.

Những dấu hiệu có thể bắt đầu một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới

Như đã đề cập, việc Mỹ không ngừng leo thang chiến tranh thương mại với tuyên bố đe dọa đánh thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 400 tỷ USD từ Trung Quốc có thể khiến cán cân vãng lai của Trung Quốc và đẩy đồng Nhân dân tệ tiếp tục mất giá. Hiệu ứng từ đồng tiền này sẽ khiến các nước đang phát triển khác buộc phải giảm tỷ giá nội tệ của họ so với USD để cạnh tranh. Sau cùng, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi lạm phát và thâm hụt cán cân thương mại trên diện rộng.

Tại Brazil, cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 10 đang ngày càng tới gần, với ưu thế lớn thuộc về Jair Bonsonaro – người được mệnh danh là Donald Trump của Brazil. Tư tưởng cực đoan độc tài của ứng cử viên sáng giá cho vị trí tổng thống này có thể gây rủi ro tới các chính sách điều hành và làm mất niềm tin từ thị trường. Nếu điều đó thực sự xảy ra, dòng tiền có thể tháo chạy mạnh mẽ khỏi Brazil, một quốc gia vốn rất gần với Mỹ, tương tự như đã xảy ra ở Argentina.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, việc đồng Lira mất giá quá mạnh dẫn tới nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính khi các quốc gia chủ nợ trong khu vực Euro dừng việc cho vay đối với nước này vì lo ngại nợ công tăng cao. Các hậu quả từ rủi ro này là chưa thể đo lường hết trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi đang biến động mạnh mẽ.

Trong tình hình đó, Ấn Độ và Mexico được xem là hai thị trường trú ẩn tốt nhất trong số các thị trường mới nổi. Chỉ số ETF MSCI Ấn Độ (iShare MSCI India ETF – INDA) chỉ giảm khoảng 4% trong năm nay, chưa bằng một nửa mức giảm của chỉ số ETF MSCI các thị trường mới nổi nói chung. Thậm chí tại Mexico, chỉ số iShare Mexico ETF (EWW) còn tăng nhẹ gần 1% tính từ đầu năm.

Bất chấp diễn biến không quá tiêu cực tại Ấn Độ và Mexico, nhiều chuyên gia vẫn hết sức thận trọng. Việc Mexico phụ thuộc quá lớn vào Mỹ và không thể tự mình thoát ra khỏi những vấn đề của thị trường mới nổi đang khiến đồng peso cũng ở trong tình trạng nghìn cân treo sợi tóc. Trường hợp đồng peso cho thấy dấu hiệu ngày càng suy yếu và căng thẳng, ngân hàng trung ương nước này đứng trước nguy cơ phải tăng lãi suất lần nữa.

Rất có thể, cuộc khủng hoảng toàn cầu tiếp theo nếu xảy ra, sẽ bắt đầu từ những quốc gia mới nổi.

Quang Huân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên