Kịch bản nào cho ngành ngân hàng Việt Nam năm 2021?
Hệ thống ngân hàng đang bước sang năm 2021 với triển vọng khá lạc quan nhờ đà phục hồi nền kinh tế sau năm khủng hoảng Covid-19.
TÍN DỤNG SẼ PHỤC HỒI TRỞ LẠI
Trong báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2021 mới đây của Bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 trong khoảng 13% đến 14%. Con số này cao hơn mức ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 là khoảng 12% và tương đối sát với trung bình tăng trưởng tín dụng năm 2018 và 2019 là trên 13%.
Ước tính dựa trên sự phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vaccine Covid thành công, sự chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang nợ vay ngân hàng và việc tái khởi động tài chính tiêu dung.
Vaccine Covid đang bước vào giai đoạn thử nghiệm tạo kỳ vọng sẽ tạo một cú hích cho nền kinh tế vào năm 2021 và dần phục hồi vào nửa cuối năm. Theo đó, thương mại quốc tế, sản xuất và tiêu dùng có thể khôi phục và giúp hoạt động cho vay tăng trở lại.
Cho vay bán lẻ ước tính quay lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đây sau khi gián đoạn trong năm 2020. Tỷ lệ CAGR đối với cho vay bán lẻ là 28,5% trong giai đoạn 2016-2019 và giảm tốc còn 8,3% so với đầu năm trong 9 tháng năm 2020. Nhu cầu nợ vay có thể được hỗ trợ phần nào bởi lãi suất cho vay thấp và việc các ngân hàng có thể cân nhắc nới lỏng tiêu chuẩn cho vay về tương đương mức trước Covid khi nhận thấy những dấu hiệu phục hồi rõ rệt hơn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, do việc thắt chặt các điều kiện phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị định 81/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có khả năng quay lại với các khoản vay ngân hàng. Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu ngân hàng) trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 245,5 nghìn tỷ đồng, bằng 2,8% tổng tín dụng tại ngày 30/9/2020.
Trong khi đó, tài chính tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng dư nợ cho vay trong năm 2020, đây là thời điểm các công ty đầu ngành tập trung thu hồi nợ và thắt chặt các tiêu chí cho vay. Các chuyên gia kỳ vọng các tiêu chuẩn cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng có thể quay trở lại mức trước Covid vào nửa cuối năm 2021, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung.
NỢ XẤU NỘI BẢNG CHƯA TĂNG
Theo ước tính của SSI Research, cho vay hãng hàng không (HVN và VJC), chủ đầu tư bất động sản du lịch và cho vay dịch vụ khách sạn, lưu trú lần lượt chiếm khoảng 0,24%, 0,9% và 2% tổng dư nợ cho vay. Những lĩnh vực này có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2021 và có thể phục hồi từ nửa cuối năm cùng với việc mở rộng trở lại và nối lại các chuyến bay quốc tế.
Theo kịch bản cơ sở của chuyên gia, nợ xấu nội bảng sẽ không đổi so với năm 2020, nhưng tỷ lệ trái phiếu VAMC trên tổng dư nợ cho vay sẽ giảm do một số ngân hàng đã xử lý hết trái phiếu VAMC trong năm 2020. Cần lưu ý rằng một số rủi ro tín dụng vẫn có thể bị trì hoãn trong ghi nhận do các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ (Thông tư 01).
Hệ thống ngân hàng được đánh giá là đang ở vị thế tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây, khi hầu hết các ngân hàng đã giải quyết hết hoặc gần hết tài sản có vấn đề. Theo ước tính, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có vấn đề đã cải thiện từ 2,48 lần và 2,30 lần trong năm 2015 và 2016, lên 6,67 lần vào năm 2020. Nếu coi nợ tái cấu trúc là tài sản có vấn đề, tỷ lệ này giảm còn 2,6 lần, tương đương năm 2017.
Cũng theo các chuyên gia, tình hình không quá nghiêm trọng do một phần các khoản vay tái cấu trúc có thể thu hồi; và ngoại trừ BID, các ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để phát hành trái phiếu cấp 2 vào năm 2021.
Do đó, SSI Research cho rằng khả năng cần bơm vốn ngay lập tức của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu là thấp. Tuy nhiên, trong dài hạn, những thách thức về vốn hóa vẫn tồn tại, vì toàn bộ hệ thống đang nỗ lực tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Các dự thảo và văn bản sửa đổi quy định gần đây đã làm dấy lên hi vọng trong việc giải quyết bài toàn về vốn của các ngân hàng quốc doanh, cụ thể là Nghị định 121 và Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 58.
TĂNG TRƯỞNG LỢI NHUẬN MẠNH MẼ TRỞ LẠI
Năm 2021, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trưởng 21% so với cùng kỳ. Các NHTM quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao hơn (+ 30%) so với NHTM cổ phần (+17,2%) do lợi nhuận trước thuế năm 2020 của các NHTM quốc doanh ở mức thấp (-6% so với 2019).
Các động lực tăng trưởng lợi nhuận chính trong năm 2021 bao gồm tăng trưởng thu nhập lãi thuần mạnh mẽ hơn, nhờ mở rộng tín dụng và NIM cải thiện nhẹ.
Năm 2021, các chuyên gia ước tính thu nhập lãi thuần sẽ tăng 15% trong khi tăng trưởng tín dụng là 12-13% so với cùng kỳ.
NIM tại nhiều ngân hàng sẽ cải thiện. NIM trung bình năm 2021 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu sẽ tăng 10 điểm cơ bản lên 3,56%.
Ngân hàng sẽ tiếp tục được lợi từ việc chi phí vốn giảm khi lãi suất huy động đã giảm từ 2-2,5% vào năm 2020 và mức giảm mạnh diễn ra trong nửa cuối năm 2020. SSI cho rằng lãi suất huy động sẽ dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ (30-50 bps) trong nửa cuối năm 2021 do tín dụng tốt hơn. Môi trường lãi suất huy động thấp này sẽ tiếp tục giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn.
Dự kiến năm 2021, gói hỗ trợ Covid hết hạn. Năm 2020, hệ thống ngân hàng đã miễn/giảm lãi suất cho vay đối với 590.000 khách hàng với tổng dư nợ cho vay là 1 triệu tỷ đồng (11% tổng dư nợ toàn hệ thống), giảm lãi suất cho vay từ 0,5% -2,5%/ năm cho gần 2,3 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay mới của 359.000 khách hàng. Khoảng 80% các gói hỗ trợ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 23/1 đến 30/6/2020 và đã dần hết hạn vào quý 3/2020. Phần còn lại sẽ hết hạn vào quý 4/2020 và quý 1/2021.
Bizlive