MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2018?

Một số chuyên gia đã tỏ ra khá thận trọng về diễn biến thị trường trong 6 tháng cuối năm 2018.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nửa chặng đường của năm 2018 với những diễn biến trái ngược. Thị trường nối tiếp đà tăng trưởng mạnh của năm 2017 và lập đỉnh trong khoảng 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, từ tháng 4, trước diễn biến xấu từ nền kinh tế thế giới, thị trường vấp phải áp lực bán rất mạnh và liên tục lao dốc. Dòng vốn ngoại sau khoảng thời gian dài đổ vào thị trường đang có dấu hiệu rút ra, khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên hoang mang. Bên cạnh đó, dòng tiền trong những tháng cuối cùng của quý II/2018 đứng ngoài thị trường khiến thanh khoản liên tục duy trì ở mức thấp.

6 tháng cuối năm 2018 thị trường sẽ có những biến chuyển như thế nào? Dòng vốn ngoại liệu có còn tiếp tục rút ra khỏi thị trường? Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia về diễn biến thị trường trong 6 tháng cuối năm 2018.

Ông Lê Đức Khánh - Kinh tế trưởng kiêm giám đốc chiến lược Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI):

Bất chấp những bất ổn địa chính trị thế giới, những biến động từ kinh tế vĩ mô hay những tác động tăng lãi suất của Fed hoặc điều mà nhà đầu tư đang lo lắng về việc khối ngoại bán ròng trong thời gian gần đây thì điều chúng ta nên lạc quan và đặt niềm tin nhiều hơn vào sức khỏe nền kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như quá trình cải cách khu vực kinh tế tư nhân. Tôi hoàn toàn tự tin về triển vọng TTCK 6 tháng cuối năm 2018. Chỉ số chứng khoán VN-Index sau khi tạo đáy ở mốc 925 - 930 điểm cách đây 3 tuần sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục trở lại vùng hỗ trợ mạnh 970 - 980 điểm, tăng dần trở lại vùng đỉnh cũ 1.200 điểm quý III/2018 và vượt qua vào thời điểm cuối năm.

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2018? - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Khánh

Việc FED tăng lãi suất cũng như việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn đã tác động ít nhiều lên chuyển dịch dòng tiền khối ngoại. Tỷ giá trung tâm công bố bởi NHNN tăng nhẹ cũng như lợi suất TPCP Việt Nam tăng cũng là cơ sở cho phép chúng ta khẳng định mối lo ngại của khối ngoại. Trong tháng 5 (không tính giao dịch thỏa thuận 248,9 triệu cổ phiếu VHM) thì khối ngoại bán ròng khoảng 5.700 tỷ đồng nhưng nếu tính tổng giá trị giao dịch tính từ đầu năm thì khối ngoại đang lại là mua ròng 7.000 tỷ. Như vậy, giao dịch mua bán của khối ngoại không phải là điều chúng ta đáng lo ngại và tính chu kỳ dòng tiền ngoại ở các tháng trong năm cũng được nhấn mạnh. Khối ngoại nhiều khả năng sẽ mua ròng mạnh trở lại từ quý III/2018 sau khi bán ròng đáng kể vào quý II.

Tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị là những lợi thế khiến Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn. TTCK điều chỉnh mạnh thời gian vừa qua từ vùng 1200 điểm về sát ngưỡng 925 - 930 điểm, chỉ số P/E VN-Index đã giảm về mốc 17 - 17,5 lần khiến TTCK trở lên hấp dẫn hơn so với các TTCK khác trong khu vực. Chưa kể việc dư nợ cho vay giảm mạnh về ngưỡng 35.000 tỷ đồng cũng đã khiến dòng tiền đứng ngoài thị trường sẽ tham gia mạnh trở lại từ quý III tới.

Việc giá dầu tăng cũng như thị trường phục hồi giúp nhóm cổ phiếu ngành dầu khí sẽ là một trong những lựa chọn tốt. Bên cạnh các cổ phiếu đầu ngành GAS, PLX thì những cổ phiếu lớn mới niêm yết cũng là lựa chọn không tồi như OIL, POW, BSR. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán (VCB, MBB, SSI, HCM) là những nhóm cổ phiếu không thể không nói đến trong các đợt tăng điểm của thị trị trường cũng được đánh giá cao. Cuối cùng, nhóm ngành hóa chất, cao su săm lốp (DRC, CSM, DGC), nông nghiệp, xây dựng và vật liệu cũng sẽ thu hút dòng tiền.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư - CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE):

Nếu thanh khoản vẫn tiếp tục sụt giảm và dòng tiền tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện tại thì xu hướng thị trường từ nay đến cuối năm chỉ diễn ra trong hai kịch bản đó là tích lũy hoặc sẽ còn tiếp tục đi xuống. Những thông tin tích cực không thể kích hoạt được dòng tiền thì thị trường rất khó để có thể tăng điểm trở lại. Ngoài ra, các cổ phiếu thuộc nhóm penny đang thuộc diện áp đảo trên thị trường như ở thời điểm hiện tại thì cơ hội tăng điểm trở lại của thị trường là không nhiều.

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2018? - Ảnh 2.

Ông Phan Dũng Khánh

Ngoài ra, khi USD tiếp tục mạnh lên thì các sản phẩm khác như chứng khoán, BĐS, vàng hay thậm chí là Bitcoin vẫn đang lao dốc. Thị trường chứng khoán Việt Nam có vẻ như ảnh hưởng vẫn còn nhẹ so với thị trường khác nhưng với bối cảnh cả thế giới đang có xu hướng tăng lãi suất thì thị trường Việt Nam rất khó để đứng ngoài.Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại hiện nay đang có xu hướng rút ra và vẫn chưa có sự thay đổi. Hiện tại các thị trường chứng khoán thế giới đang đồng loạt giảm, các ngân hàng trên thế giới cũng đang tăng lãi suất liên tục và việc rút vốn ra không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà nó còn diễn ra ở các thị trường mới nổi và thị trường cận biên khác. Chính từ những yếu tố trên, xu hướng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn được cho là chưa dừng lại.

Hiện nay, NHNN Việt Nam cũng đã có một số động thái như thắt chặt về cho vay những lĩnh vực như BĐS… Tỷ giá trong hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đang ở mức khá cao, CPI tháng 6 của Việt Nam cao nhất trong vòng 7năm và điều này đồng nghĩa là lạm phát bắt đầu ở mức hơi khó kiểm soát nên NHNN phải bắt đầu có những chính sách kiểm soát chuyện này. Nếu điều này xảy ra thì dòng tiền vào thị trường sẽ gặp vấn đề lớn.

Hiện nay, thị trường phái sinh đang có thanh khoản tăng vọt, số lượng tài khoản mở mới rất nhiều. Điều này có thể thấy được thị trường cơ sở không ổn thì nhà đầu tư mới chuyển sang thị trường phái sinh.

Trong 6 tháng tới, khá khó để tìm ra một nhóm cổ phiếu nào đủ sức dẫn dắt thị trường. Bình thường nhóm cổ phiếu đủ sức để nâng đỡ thị trường chỉ có ngân hàng, dầu khí hoặc một số cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu như VIC, VNM… Nhưng ở thời điểm hiện tại, để các nhóm cổ phiếu này tiếp tục dẫn dắt thị trường khá khó. Cổ phiếu ngân hàng thì đã tăng khoảng thời gian dài và mới chỉ điều chỉnh một thời gian ngắn. Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí lại chịu tác động từ giá dầu, tuy giá dầu tăng nhưng cổ phiếu dầu khí không tăng theo và giá dầu đang có xu hướng giảm trở lại thì cơ hội cho nhóm dầu khí cũng không nhiều…

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay có rất nhiều cổ phiếu niêm yết mới và niêm yết bổ sung rất nhiều nhưng thanh khoản giảm dần đều cho thấy không có dòng tiền vào thị trường.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC):

Trong những tháng còn lại của năm 2018, tăng trưởng kinh tế cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp trên sàn tiếp tục là điểm tựa hỗ trợ TTCK Việt Nam. Về rủi ro, do tính liên thông ngày càng mạnh với thị trường tài chính toàn cầu, các yếu tố ngoại biên như việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các NHTW, xu hướng rút vốn khỏi thị trường cổ phiếu, giảm tỷ trọng đầu tư ở các thị trường mới nổi, hay rủi ro chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ tác động tiêu cực tới thị trường.

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2018? - Ảnh 3.

Ông Phạm Tiến Dũng

Với bối cảnh này, nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trong quyết định giải ngân mới. 6 tháng cuối năm thị trường chứng khoán sẽ giao dịch ở mặt bằng điểm số và thanh khoản thấp hơn mặt bằng trung bình của 6 tháng đầu năm.

Nhưng dài hạn, một quốc gia có dân số vàng, bối cảnh chính trị, kinh tế ổn định, các chính sách của Chính phủ đang tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng thì thị trường Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.Trong ngắn hạn, dòng vốn ngoại quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó ngược dòng xu thế rút vốn khỏi thị trường mới nổi đang diễn ra trên thế giới. Nhều quỹ, tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài phải cơ cấu lại danh mục cho phù hợp với diễn biến của đồng USD, hay các thị trường khác như trái phiếu, hàng hóa… Diễn biến bán ròng của khối ngoại có thể tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn.

Minh chứng cho điều này là việc họ vẫn rót ròng vào thị trường cổ phiếu Việt Nam trong 6 tháng qua với giá trị trên 30 ngàn tỷ (là một trong số ít thị trường châu Á thu hút được dòng vốn vào thị trường cổ phiếu kể từ đầu năm). Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn dòng vốn ngoại, nhưng sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tập trung nhiều hơn ở những thương vụ IPO, bán cho đối tác chiến lược, thoái vốn, giảm tỷ trọng nắm giữ của nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, đầu ngành.

Kể từ đầu năm 2017, chúng ta đã chứng kiến sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng các cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhóm những cổ phiếu này đã tăng giá mạnh và tác động lớn lên chỉ số VN-Index. Ở những nhịp ngắn, nhà đầu tư có thể tiếp tục dành sự quan tâm cho nhóm cổ phiếu ngân hàng do kết quả kinh doanh đang trên đà cải thiện, nhưng mức độ quan tâm sẽ giảm dần và không còn mạnh như giai đoạn vừa qua.

Với bối cảnh mới, xuất hiện thêm các yếu tố rủi ro từ bên ngoài, giai đoạn tới dòng tiền sẽ không hoạt động mạnh như cuối năm 2017- đầu năm 2018. Sẽ khó xuất hiện nhóm cổ phiếu mới, nổi bật, dẫn dắt thị trường. Cơ hội có thể chỉ đến ở một vài cổ phiếu đơn lẻ, đột biến về kết quả kinh doanh, hay có câu chuyện riêng về thoái vốn, bán cho đối tác chiến lược…

Theo Bình An

Người đồng hành

Trở lên trên