Kích cầu du lịch trở lại: An toàn, hấp dẫn
Gượng dậy lần nữa sau cú đấm kép của đại dịch COVID-19, ngành Du lịch chuẩn bị cho đợt kích cầu giai đoạn 2 mang nhiều kỳ vọng.
- 10-09-2020Việt Nam đề xuất "du lịch cầu hàng không" để tái mở cửa ASEAN
- 09-09-2020'Bong bóng du lịch' của Hồng Kông sẽ bao gồm Việt Nam
- 08-09-2020Cần có chính sách để mở cửa các điểm du lịch càng sớm càng tốt
Tổng cục Du lịch trình dự thảo kế hoạch kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Tổng cục trước đó lấy ý kiến Hiệp hội Du lịch, một số sở du lịch, các doanh nghiệp hàng không, lưu trú, du lịch lữ hành hàng đầu. Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, thông điệp của lần này xoay quanh hai yếu tố “an toàn, hấp dẫn”. Lãnh đạo Tổng cục lưu ý thời điểm này nhu cầu và hành vi tiêu dùng của khách thay đổi so với trước, cần tính toán kỹ sao cho vừa ưu đãi giá cả, loại hình vừa an toàn và đảm bảo chất lượng.
Một số điểm mới và khác biệt của chiến dịch kích cầu giai đoạn 2: bên cạnh người Việt Nam cần quan tâm tới hàng nghìn người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cách thức tổ chức tua tuyến cũng phải thay đổi để phù hợp tình hình bình thường mới - du lịch theo nhóm nhỏ, tăng cường liên kết khu vực. Giá cả cũng là yếu tố được khách hàng quan tâm, Tổng cục kêu gọi các doanh nghiệp cam kết đảm bảo chất lượng kể cả trường hợp giảm giá ưu đãi.
“Tác động của dịch bệnh đợt 2 còn gây hoang mang lớn hơn khiến lượng khách đột ngột tụt giảm mạnh mẽ. Chỉ nhìn vào một địa phương, có thể thấy rõ tác động ghê gớm: khách tới Phú Quốc giảm 90% dù dịch bệnh xảy ra ở Đà Nẵng. Vì thế, nếu Tổng cục phát động kích cầu trở lại, tôi nghĩ cần có kế hoạch rõ ràng, cụ thể hơn về vai trò của từng bên, yêu cầu địa phương và doanh nghiệp cam kết hỗ trợ khách hàng nhiều hơn”, ông Hoàng Nhân Chính, Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) nói. Hình thức hỗ trợ cần phải có là: xem xét hoàn, hủy tua, bảo lưu tua hoặc chuyển đổi linh hoạt trong trường hợp dịch bùng phát trở lại.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Cty Vietravel đề xuất giải pháp kích cầu theo hướng tập trung vào ba yếu tố chính: điểm đến an toàn, hệ thống cung ứng dịch vụ an toàn, người du lịch an toàn. Doanh nghiệp vừa họp bàn về kế hoạch kích cầu khôi phục thị trường du lịch với đại diện Tổng cục Du lịch, cơ quan quản lý du lịch ở TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Tây Ninh.
Kích cầu được triển khai đồng thời với hai mục tiêu: kích cầu du lịch và truyền thông về du lịch an toàn. Sở du lịch các tỉnh, thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các tiêu chí an toàn, được áp dụng cho ba nhóm đối tượng: điểm đến, dịch vụ và du khách. Cơ quan quản lý du lịch sẽ theo dõi, kiểm tra giám sát để bảo đảm các đơn vị thực hiện theo đúng cam kết.
Để đạt tiêu chí an toàn, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất cần xây dựng bản đồ số du lịch an toàn tại từng địa phương, sau đó tích hợp vào một bản đồ chung để du khách có thể truy cập tìm hiểu thông tin trước khi lên kế hoạch du lịch. Đợt kích cầu này cần những bước đi căn cơ, bài bản hơn bởi đã vào mùa thấp điểm. Một số vùng được đề xuất như Đông Nam bộ gồm TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Tây Ninh làm hạt nhân triển khai kích cầu trước rồi từ đó lan tỏa ra các địa phương lân cận. Ở phía Bắc là cụm ở tứ giác sông Hồng gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Ninh Bình.
Cần vận hành quy trình du lịch an toàn. Ảnh: Kỳ Sơn
Đà Nẵng thận trọng mở cửa
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, bối cảnh lần này thay đổi lớn- Đà Nẵng vừa qua là vùng dịch trong khi mùa cao điểm đã qua. "Chúng tôi muốn truyền đi thông điệp Du lịch an toàn: các đơn vị dịch vụ cam kết các tiêu chí an toàn phục vụ khách. Sở Du lịch Đà Nẵng xây dựng bộ tiêu chí, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cam kết triển khai tới các hội viên. Hiện qua mùa cao điểm nên du khách được giới thiệu sản phẩm mới chất lượng cao, tăng trải nghiệm cho khách", ông Dũng nói.
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phân tích: kích cầu giai đoạn này không thể vội vàng, thay vào đó chia theo các giai đoạn. Từ nay tới hết tháng 9, Hiệp hội kêu gọi doanh nghiệp phát động người địa phương du lịch Đà Nẵng- Hội An. Một số doanh nghiệp lớn sẵn sàng hợp tác - có gói ưu đãi cho người dân sở tại. Nếu kịch bản lạc quan, đầu tháng 10 trở đi có thể triển khai các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Hết tháng 10, ổn định hơn mới đi tới bước mở lại các đường bay nối hai trung tâm khách nguồn lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM. Xa hơn có thể hy vọng mở song phương một số đường bay quốc tế để lấp đầy hệ thống dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng.
Tiền phong