MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Kiếm ăn" trên TTCK trong quý 4 năm nay có khó hơn mọi năm?

Khoảng 10 năm trở lại đây, quý 4 thường có hiệu suất sinh lời thấp nhấp. Và liệu lịch sử có lặp lại trong năm 2016?

Lợi nhuận bình quân âm

Theo thống kê, trong 10 năm trở lại đây, quý 4 có 5 năm giảm điểm, con số này ở mức trung bình nếu so với 4 năm giảm của quý 3, 6 năm giảm của quý 2 và 3 năm giảm của quý 1. Tuy nhiên, lợi nhuận bình quân trong 10 năm của quý 4 chỉ ở mức âm 2,4%, trong khi lợi nhuận bình quân trong 10 năm của các quý 1, quý 2 và quý 3 lần lượt đạt 10,9%, 2,9% và 3,1.

Ngoại trừ mức tăng đột biến của quý 4/2006, các năm tăng điểm khác của quý 4 đều có mức tăng tương đối thấp (dưới 7%) trong khi trong các năm giảm của quý 4, chỉ số VN-Index giảm điểm mạnh.

Đánh giá về hiện tượng trên, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, có liên quan đến yếu tố mùa vụ, nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp và người dân trong các tháng cuối năm. Giai đoạn này, các doanh nghiệp thường chốt đơn hàng và lượng tiền mặt cần để thanh toán hợp đồng lẫn chuẩn bị lương thưởng cho nhân viên là rất lớn.

Bên cạnh đó, cũng có những nhu cầu khác như mua sắm trang thiết bị, sửa sang phòng ốc, nhà cửa, mua sắm chuẩn bị cho Tết dương lịch và Tết âm lịch của cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp.

Tương tự như hiện tượng cao điểm tín dụng của ngân hàng giai đoạn cuối năm, nhu cầu vốn tăng cao cũng khiến dòng tiền trên TTCK bị rút bớt trong quý 4, gây tác động xấu đến điểm số. Mặc dù vậy, đây là yếu tố thống kê từ dữ liệu lịch sử và chỉ có tính chất tham khảo.

Trên thực tế, trong 5 năm trở lại đây, chỉ số VN-Index cũng có 3 năm tăng điểm nhẹ trong quý 4, cho thấy mặc dù yếu tố mùa vụ có ít nhiều ảnh hưởng nhưng không phải yếu tố quyết định tác động đến diễn biến chỉ số.

Có cơ sở để lịch sử không xảy ra

TTCK Việt Nam 9 tháng đầu năm đã đạt được mức tăng trưởng tích cực nhờ vào bối cảnh thuận lợi của chính sách vĩ mô trong nước, cùng sự hồi phục của giá hàng hóa thế giới. Mặc dù vậy, xu hướng đi lên trong quý 4 sẽ gặp nhiều thử thách khi mà có một số yếu tố rủi ro ngoại biên tiềm ẩn.

Bên cạnh đó, với mức P/E hiện nay quanh 16,3x của chỉ số VN-Index mặc dù chưa phải là đắt so với các nước mới nổi trong khu vực như Thái Lan (19,9x), Indonesia (29,7x), Philippine (21,39x) nhưng cũng không còn rẻ so với mức P/E quanh 10 tại giai đoạn đầu năm và so với một số nước trong cùng nhóm thị trường cận biên như Pakistan (12,95x) và Srilanca (13,2x).

Trong kịch bản tích cực, chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ được duy trì, mặt bằng lãi suất giảm, cuộc họp OPEC mang lại thỏa thuận thực tế, FED chưa nâng lãi suất trong khi các NHTW Nhật và châu Âu tăng cường các gói nới lỏng, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không gây nên các xáo trộn trên thị trường tài chính.

Với kịch bản tích cực trên, nhà đầu tư có thể kỳ vọng chỉ số VN-Index kéo dài đà tăng điểm trong quý 4 với đích hướng tới quanh vùng 720-730 của chỉ số (có thể xuất hiện các nhịp giảm điểm ngắn trước các thời điểm mang tính then chốt như các phiên họp chính sách của các NHTW, cuộc họp OPEC cuối tháng 11 hay cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầu tháng 11).

Thảo Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên