"Kiểm định chất lượng đầu vào công chức" vào tháng 7 và tháng 11-2024
Bộ Nội vụ đang chuẩn bị cho các kỳ kiểm định chất lượng đầu vào công chức, dự kiến triển khai 2 đợt trong năm nay.
- 22-12-2023‘Không để hồ sơ hoàn thuế quá hạn do sự chủ quan từ công chức, cơ quan thuế’
- 19-11-2023Tiền lương, phụ cấp cao nhất của công chức từ 1/7/2024 có thể lên tới 30 triệu đồng/tháng?
- 17-11-2023Cải cách tiền lương: Công chức nào được nhận mức lương 21 triệu đồng/tháng?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ngày 5-2 đã ký ban hành Quyết định số 69/2024/QĐ-BNV của bộ về việc ban hành kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức năm 2024.
Theo đó, Kế hoạch ban hành nhằm mục đích kiểm định chất lượng đầu vào công chức để đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.
Theo Bộ Nội vụ, kiểm định chất lượng đầu vào công chức là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng lựa chọn, đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức trong giai đoạn hiện nay. Để tổ chức kiểm định, Bộ Nội vụ cho biết cần thành lập Hội đồng kiểm định và các bộ phận giúp việc cho hội đồng.
Kỳ kiểm định chất lượng đầu vào công chức dự kiến được tổ chức vào tháng 7 và tháng 11-2024. Thời gian cụ thể sẽ được Hội đồng kiểm định thông báo trên cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Bộ Nội vụ nêu rõ, thí sinh đăng ký dự kiểm định qua Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức hoặc theo nội dung trong hướng dẫn đăng ký dự thi kiểm định do Hội đồng kiểm định ban hành. Thí sinh đăng ký dự kiểm định được quyền chọn đợt thi, địa điểm đăng ký dự thi.
Kiểm định chất lượng đầu vào công chức đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Để chuẩn bị cho kỳ kiểm định, Bộ Nội vụ cho biết cần xây dựng ngân hàng câu hỏi và đáp án sử dụng trong các kỳ thi kiểm định, việc này dự kiến hoàn thành tháng 5-2024. "Ngân hàng câu hỏi và đáp án bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tính đồng bộ, thống nhất về chất lượng nội dung kiểm định chất lượng đầu vào công chức"- Bộ Nội vụ cho hay.
Nội dung kiểm định sẽ đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử.
Việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo Nghị định 06/2023 ban hành ngày 21-2 của Chính phủ. Các cơ quan chỉ tuyển công chức vượt qua kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào do Bộ Nội vụ tổ chức.
Trước khi Nghị định 06 được ban hành, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ mà chưa có hoạt động sát hạch, sàng lọc thí sinh trước khi đánh giá năng lực chuyên môn.
Theo Bộ Nội vụ, việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức được đánh giá sẽ tiết kiệm chi phí cho công tác tuyển dụng từ ngân sách nhà nước. Các chi phí giảm gồm phí tiếp nhận hồ sơ, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tổ chức coi thi, chấm thi, chi phí của hội đồng thi tuyển. Hoạt động này cũng sẽ khắc phục được tình trạng các cơ quan, đơn vị có số lượng tuyển dụng công chức ít, số thí sinh dự thi nhỏ, lệ phí dự thi không thể bù đắp được nếu tự tổ chức kiểm định.
Người lao động