Kiếm gần 200 tỷ đồng trong 2 năm nhờ chứng khoán, tôi nhận ra sự thật: Phân tích kỹ thuật phức tạp chẳng giúp ích gì, suy nghĩ đơn giản mới dễ 'ăn tiền'
Jack Kellogg từng là một người không biết gì về chứng khoán, sau vài lần vấp ngã đã rút ra được nhiều bài học cho bản thân.
Năm 2017, Jack Kellogg bắt đầu chơi chứng khoán ở tuổi 19. Vào thời điểm đó, anh không có kế hoạch gì cụ thể và cảm thấy rất lo lắng cho tương lai của mình.
Đúng lúc này, Jack nghe một người bạn kể về đầu tư cổ phiếu và bắt đầu dành thời gian tìm hiểu. Mục tiêu đặt ra là có thể kiếm đủ tiền chi tiêu mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào công việc toàn thời gian.
Trong hơn 5 năm, Jack có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại thị trường khác nhau, bao gồm cả lần “sập” chứng khoán vào năm 2020. Bài học anh chàng này rút ra, là hãy giữ mọi thứ đơn giản và linh hoat.
“Có một từ viết tắt này: KISS (Keep it simple, stupid), tạm dịch “Cứ giữ cho nó đơn giản và ngu ngốc đi”. Tôi không cần đến các chỉ báo siêu phàm để kiếm tiền. Tôi chỉ sử dụng các đường xu hướng cơ bản, xem xét mốc hỗ trợ, kháng cự và khối lượng giao dịch”, Kellogg nói. “Việc phức tạp hóa các chỉ số sẽ thực sự làm hỏng chuyện bởi bạn không mua bán dựa trên xu hướng giá thực tế”.
Cách “đánh” này giúp Jack linh hoạt giao dịch, ngay cả khi thị trường đang trong downtrend (xu hướng xuống) hồi năm 2022. Theo BI, anh chàng này đã lãi hơn 8 triệu USD (gần 200 tỷ đồng) từ các giao dịch trong ngày vào năm 2020 và 2021. Lợi nhuận tăng vọt giúp tổng thu nhập của Jack chạm mốc 6,5 triệu USD.
Chia sẻ với Insider, Jack cho biết 2022 không phải là một năm dễ dàng cho các nhà đầu tư. Anh nhận ra thị trường bắt đầu có xu hướng không mấy khả quan vào tháng 11, tháng 12 và sang đến đầu năm sau, Jack đã lỗ 100.000 USD.
“Xu hướng biến động đã khiến tôi phải chậm lại và suy nghĩ về chiến lược của mình.”
Jack Kellogg từng là một người không biết gì về chứng khoán, sau vài lần vấp ngã đã rút ra được nhiều bài học cho bản thân.
Vào thời điểm thị trường chứng khoán bật tăng, Jack “cưỡi sóng” kiếm lời, song khi thị trường bớt hưng phấn, anh chàng này chuyển sang đặt cược vào các cổ phiếu phổ biến như Bed Bath and Beyond (BBBY) và AMC (AMC). Chúng sau này đã mang lại cho anh 60.000 USD. Jack cũng giao dịch một vài cổ phiếu vốn hóa nhỏ và kiếm được tiền từ các giao dịch đơn lẻ như Intelligent Living Application Group Inc với hơn 91.000 USD.
Trước đây, Jack thường “vào” vị thế mua sau khi một cổ phiếu phá vỡ mức kháng cự.
Chiến lược này hiệu quả từ 60% đến 80% vào năm 2021, song sang đến năm nay, tỷ lệ lãi chỉ là khoảng 10% đến 20%. Jack bắt đầu chuyển sang theo dõi S&P 500 để đánh giá xem điểm breakout (thời điểm giá cổ phiếu vượt mức kháng cự) đó có phải là thời điểm tốt để tăng vị thế.
Trước đây, Jack thường xuyên đọc tin tức để xem tại sao giá cổ phiếu có thể đi lên, đi xuống, tuy nhiên, cách đánh này dường như không còn phát huy tác dụng trong những đợt tăng giá ngắn hạn. Jack vì vậy ít tập trung vào việc theo dõi lý do tại sao một cổ phiếu tăng/giảm giá. Với anh, thời điểm lý tưởng nhất để giao dịch là trong giờ mở cửa đầu tiên của thị trường, khi mức độ biến động đạt đỉnh điểm.
Dẫu vậy, trong 2 năm qua, không phải ai cũng có thể kiếm lời từ chứng khoán như Jack. Nhiều nhà đầu tư nghiệp dư đã phải trả cái giá quá đắt, sau khi tiền tiết kiệm suốt nhiều năm “không cánh mà bay”. Những người đặt niềm tin vào các cổ phiếu meme như GameStop lại càng thêm khổ sở.
Nạn nhân có thể là bất kỳ ai, ngay cả những chuyên gia có nền tảng về tài chính. Michael, nhân viên kế toán tại một công ty Mỹ cho biết anh đã rút 69.000 USD từ quỹ hưu trí Vanguard của mình để mua GameStop với giá 230 USD/cổ phiếu với hy vọng bắt được đáy. Không may, cổ phiếu này tiếp tục lao dốc nhiều phiên sau đó và khiến người đàn ông này lỗ 42.000 USD.
“Tôi đã tiết kiệm để có khoản tiền đó trong 3 năm rưỡi. Trong một khoảnh khắc yếu lòng, tôi đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ”, Michael nói.
Trong hơn 5 năm, Jack có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại thị trường khác nhau
Giống Michael, Tori Barry cũng sử dụng tiền tiết kiệm để mua cổ phiếu GameStop và công ty điều hành các rạp chiếu phim AMC ở thời điểm chúng gần chạm đỉnh. Ngay lập tức, cô mất trắng 2.500 bảng Anh. “Chúng tôi không phải những nhà đầu tư lớn. Dù không mất vài triệu bảng, nhưng đối với chúng tôi đó là khoản tiền thuê nhà, hóa đơn dịch vụ. Tôi không biết sẽ lấy lại như thế nào”, Tori Barry chia sẻ.
Kristine Licuanan thì may mắn hơn. Cô sớm từ bỏ ý định trở thành một nhà giao dịch đầu cơ trong ngày sau khi mua cổ phiếu GameStop và AMC theo lời kêu gọi của những người dùng mạng xã hội Reddit.
“Tôi không thể chịu đựng được sự biến động quá lớn”, Licuanan chia sẻ khi nhớ lại khoảng thời gian cô phải kiểm tra điện thoại liên tục để theo dõi giá các mã cổ phiếu. Cô đã quyết định bán chúng đi chỉ sau vài giờ và chịu một khoản thua lỗ nhỏ.
Câu chuyện về Alan Garcia là một ví dụ điển hình khác của các F0 được tờ WSJ dẫn chứng. Thanh niên này bắt đầu giao dịch trên Webull Financial LLC ngay từ những ngày đầu đại dịch, ngồi máy suốt từ 8:30 sáng đến 3 giờ chiều chỉ để quản lý danh mục đầu tư khoảng 2.000 USD. Alan Garcia đặt cược rất nhiều vào các công ty như Electra Meccanica Vehicle - doanh nghiệp chuyên sản xuất ô tô điện một chỗ ngồi với mã cổ phiếu SOLO.
Nỗi ám ảnh không kết thúc ngay khi anh ở cùng vợ mỗi tối, thậm chí ôm khư khư chiếc điện thoại để xem các video về đầu tư trong suốt 2 năm.
“Anh ấy rõ là đang ở cạnh tôi, nhưng mà thực chất lại không phải”, Rodriguez, vợ Alan Garcia phàn nàn.
Đến đầu năm 2022, Garcia mất tất cả. Đến khi lấy lại được tinh thần, mọi thứ trở nên thật nhẹ nhõm. Anh cho biết mình không còn phải dán mắt vào màn hình máy tính suốt cả ngày để theo dõi biến động thị trường nữa.
Theo: BI, WSJ
Nhịp sống thị trường