Kiểm soát tài sản sẽ ngăn cán bộ bỏ trốn
Ông Nguyễn Đình Quyền - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - nhìn nhận như vậy trước hiện tượng nhiều cán bộ, công chức bỏ trốn ra nước ngoài.
- 06-11-2016Chống tham nhũng: Phải kiểm soát nguồn thu và tài sản của cán bộ
- 18-01-2016Phải “làm thật” trong kê khai, kiểm soát tài sản cán bộ!
- 05-03-2014Kiểm soát tài sản qua bản... tự khai!
Theo ông, có lỗ hổng nào trong hệ thống quản lý, giám sát cán bộ không khi Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố; Vũ Đình Duy , Tổng Giám đốc Công ty Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) và một số lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ cũng “cao chạy xa bay” khá dễ dàng?
- Ông Nguyễn Đình Quyền: Tôi nghĩ cán bộ đi đâu thì cũng phải báo cáo và phải có người chịu trách nhiệm về việc đi lại của họ. Ngay cả chúng tôi đi đâu cũng phải báo cáo chứ không thể tự ý đi được.
Trách nhiệm quản lý của người đứng đầu trong trường hợp này phải được đề cao. Cán bộ trong bộ máy nhà nước không thể không biết được nên việc đó thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Việc cán bộ ra nước ngoài rồi bỏ trốn, kéo theo đó là hiện tượng đã có quốc tịch nước ngoài, tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Làm sao để ngăn ngừa tình trạng này?
- Việc tẩu tán tài sản ra nước ngoài dứt khoát là có. Bởi lẽ, thiết chế quản lý tình trạng tham nhũng, rồi chuyển tiền tham nhũng, rửa tiền ra nước ngoài ở Việt Nam rất lỏng lẻo. Cho đến bây giờ, mình mới kê khai, công khai bản kê khai tài sản nhưng mình có kiểm soát được tài sản của từng người đâu? Kể cả kiểm soát tài sản của mọi công dân đến tài sản của cán bộ, công chức cũng chưa được.
Ở Việt Nam, kiểm soát tài sản chủ yếu dựa vào kê khai. Có mấy người tham nhũng mà đứng tên nhà cửa, đất đai? Họ nhờ người khác đứng tên rồi từ người này chuyển tài sản đó ra nước ngoài.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ảnh: MINH ĐỨC
Với tình trạng tham nhũng phức tạp như vậy, việc chuyển tài sản ra nước ngoài không phải là ít vì thiết chế của mình quá dễ dàng. Chuyển tài sản ra nước ngoài dễ nên việc đi nước ngoài và buông lỏng quản lý mới diễn ra như vậy.
Nếu không có tài sản ở nước ngoài thì các vị ấy liệu có trốn đi được không? Không có tiền sống thì đi làm sao được? Ở nước ngoài, nếu không có tiền sống, người ta tống khứ anh ngay. Rõ ràng những kẻ bỏ trốn phải có rất nhiều tiền ở nước ngoài thì mới sống phè phỡn như vậy được.
Quốc hội, Thanh tra Chính phủ cũng bàn nhiều về việc kiểm soát tài sản. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, ông kiến nghị gì với cơ quan chức năng để ngăn chặn việc cán bộ bỏ trốn đang gây bức xúc cho xã hội?
- Tôi đã đề nghị nhiều lần với tư cách là đại biểu Quốc hội. Quan trọng nhất của việc chống tham nhũng là phải kiểm soát được tài sản. Mà muốn kiểm soát được tài sản - không chỉ ở cán bộ, công chức mà tất cả mọi người - thì mới không chuyển dịch khối tài sản được cho nhau. Nếu không kiểm soát được mà chỉ dựa vào kê khai, công bố bản kê khai, rồi đi xác minh thì nó vẫn chỉ mang tính hình thức.
Nếu muốn làm được thì mất 10 năm, Chính phủ phải có đề án ngay từ bây giờ về cách kiểm soát tài sản. Muộn còn hơn không. Ở các nước, họ không có luật chống tham nhũng nhưng có luật kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người. Nếu kiểm soát được sẽ chống được trốn thuế, chống rửa tiền, chống gian lận thương mại, chống sở hữu chéo, cho vay nặng lãi, tham nhũng…
Trong khi nước ta còn rất nghèo, chúng ta phải thắt lưng buộc bụng thì người ta có hàng ngàn tỉ đồng như thế. Là một người trong bộ máy nhà nước, tôi cảm thấy phẫn nộ, huống hồ là người dân. Từ tuyển dụng, giáo dục, rèn luyện, bổ nhiệm, quản lý…, cái gì cũng có vấn đề nên phải chấn chỉnh lại.
Quản lý lỏng lẻo
* Theo ông, có giải pháp nào hiệu quả để ngăn cán bộ bỏ trốn khi có dấu hiệu vi phạm vì họ đi theo diện đi công tác, chữa bệnh, du lịch… ?
- Nó liên quan tới công tác quản lý cán bộ, công tác thanh tra, trinh sát điều tra. Cơ quan điều tra của công an mà làm tốt nghiệp vụ cơ bản thì những đối tượng trong diện nghi vấn khó bỏ trốn được. Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý cán bộ với cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra chưa tốt nên không có những thông tin cho nhau, cuối cùng để người ta có kẽ hở bỏ trốn.
Người lao động