MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm toán chỉ rõ nhiều sai phạm mua sắm thuốc, thiết bị y tế

Tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu: Khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc; thanh tra chuyên đề về quản lý, sử dụng Qũy bảo hiểm y tế, mua sắm thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế…

Phê duyệt giá thuốc trúng thầu cao gấp nhiều lần

Kết luận kiểm toán chuyên đề 2018 vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị cũng như việc sử dụng Quỹ bảo hiểm.

Kết luận kiểm toán chỉ rõ, công tác đấu thầu thuốc, hóa chất và vật tư y tế còn phân chia nhóm thuốc, lập danh mục thuốc làm tăng giá trị gói thầu. Đó là tình trạng đưa vào kế hoạch mua sắm các loại hoạt chất có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít cạnh tranh hoặc có chi phí cao bất hợp lý nhưng không báo cáo lý do sử dụng theo quy định của Bộ Y tế (tỉnh Bến Tre, TP. Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội); đối với cùng loại hoạt chất, nhóm thuốc có giá cao được xây dựng nhu cầu nhiều, nhóm thuốc có giá thấp xây dựng ít (tỉnh Hà Tĩnh, Phú Yên, Bến Tre), chưa ưu tiên thay thế thuốc biệt dược gốc đã hết thời hạn bảo hộ (TP. Hồ Chí Minh); phê duyệt danh mục thuốc dạng bào chế viên phân tán với số lượng nhiều, giá thành cao (tỉnh Đồng Nai); xây dựng kế hoạch đấu thầu một số thuốc có cùng hoạt chất, cùng nhóm, có hàm lượng thấp nhưng giá cao hơn thuốc cùng loại, có hàm lượng cao hơn (tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, An Giang)...

Đáng lưu ý, theo KTNN vẫn còn tình trạng hạn chế tham gia đấu thầu, như lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với Gói thầu thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu có một số loại thuốc có thành phần hoạt chất đặc biệt, chỉ có 1 đơn vị sản xuất, cung ứng trong khi trên thị trường có nhiều loại thuốc có tính năng tương đương, có giá thành rẻ hơn nhiều lần (tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước).

Một số địa phương như Nam Định, Phú Yên, Long An còn phê duyệt giá thuốc trúng thầu cao gấp nhiều lần giá trúng thầu bình quân của BHXH Việt Nam công bố; nhiều địa phương mua sắm trực tiếp không đúng quy định như thành phố Hà Nội đã áp thầu đối với các hợp đồng trúng thầu trước đó nhưng chưa phải hợp đồng có giá thấp nhất, không công khai kết quả mua sắm trực tiếp; TP. Hồ Chí Minh phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp quá 12 tháng kể từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó; Tỉnh Kiên Giang có hiện tượng chia lẻ gói thầu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang ban hành 87 quyết định mua thuốc ngoài thầu và 1 quyết định mua sắm trực tiếp cùng một chủng loại thuốc với số tiền 30,45 tỷ đồng).

Đặc biệt Sở Y tế Bình Dương mua sắm trực tiếp đối với danh mục thuốc phải tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước. Đó là gói thầu mua sắm trực tiếp thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế ngoài công lập và Gói thầu mua sắm trực tiếp thuốc từ dược liệu, thuốc đông y và vị thuốc y học cổ truyền với tổng giá trị 679,14 tỷ đồng. Đơn vị này còn chấm thầu cung cấp 224 mặt hàng thuốc không đúng quy định, làm thiệt hại khoảng 4,88 tỷ đồng; đưa vào kế hoạch đấu thầu nhiều loại thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, phối hợp, thành phần hoạt chất không phổ biến trên thị trường, có giá cao hơn thuốc có tác dụng tương đương phổ biến trên thị trường làm thiệt hại 9,35 tỷ đồng...

Kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm

Về việc sử dụng quỹ, KTNN đã kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm Y tế tại thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ; các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phú, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên…

Kết luận kiểm toán cho thấy, đến 31/12/2017, số dư quỹ 40.126 tỷ đồng với 81.188 nghìn người tham gia. Nợ đóng quỹ là 2.830 tỷ đồng, còn cấp trùng 37.145 thẻ (số tiền 18,7 tỷ đồng). Các cơ sở y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế năm 2017 chưa đúng quy định 168 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến chuyên đề việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 tại các địa phương, KTNN đã đề nghị UBND các tỉnh Bình Thuận, Long An, Kiên Giang kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Cụ thể:

Sở Y tế tỉnh Bình Thuận: Xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc có chi phí cao hơn thuốc cùng hoạt chất, cùng nhóm nhưng khác hàm lượng, dạng bào chế, tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương thiếu cơ sở (không có Biên bản thống nhất của Hội đồng thuốc và điều trị của cơ sở khám chữa bệnh có nhu cầu).

Sở Y tế tỉnh Long An và Kiên Giang: Thực hiện mua sắm hoá chất, vật tư y tế (VTYT) khi chưa trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Sở Y tế tỉnh Kiên Giang: Không xây dựng kế hoạch dự trù mua sắm hoá chất, VTYT; Có hiện tượng chia lẻ gói thầu ra thành nhiều đợt trong năm, ra nhiều quyết định khác nhau cùng một chủng loại.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên