Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, cổ phiếu của “đại gia” xăng dầu nợ thuế nghìn tỷ liên tục giảm sàn
Đơn vị kiểm toán cho rằng các khoản phải nộp ngân sách nhà nước còn nợ, nợ quá hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của NSH Petro.
CTCP Thương mại Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) đã công bố BCTC kiểm toán 2023 trong đó có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán. Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán TTP cho biết vào ngày 18/12/2023, NSH Petro đã nhận được quyết định của Cục thuế Tỉnh Hậu Giang về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngưng sử dụng hóa đơn từ này 18/12/2023 đến 17/12/2024. Số tiền bị cưỡng chế 1.140 tỷ đồng.
Ngày 22/12/2023, NSH Petro cũng nhận quyết định tương tự từ Cục thuế thành phố Cần Thơ, ngưng sử dụng hóa đơn từ 22/12/2023 đến 23/12/2024 đối với chi nhánh của công ty tại Cần Thơ. Số tiền bị cưỡng chế 92,59 tỷ đồng. Tổng doanh thu trong năm chưa phát hành hóa đơn số tiền 236,8 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán cho rằng các khoản phải nộp ngân sách nhà nước còn nợ, nợ quá hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của NSH Petro. Do đó, kiểm toán không thể xác định liệu có cần thực hiện các điều chỉnh đối với BCTC, trong trường hợp công ty không thể tiếp tục hoạt động liên tục.
Ngoài ra, tại thời điểm 31/12/2023, Kiểm toán TTP không tham gia chứng kiến kiểm kê hàng hóa gửi tại CTCP Dầu khí Đông Phương số tiền 131 tỷ đồng, kho Cần Thơ số tiền gần 51 tỷ đồng, kho chi nhánh Trà Vinh gần 26 tỷ đồng. Bằng thủ tục kiểm toán, đơn vị kiểm toán không thể xác định được tính hiện hữu của giá trị kho hàng tồn kho nêu trên cũng như không thể xác định liệu có cần điều chỉnh trên BCTC.
Sau khi công bố BCTC kiểm toán, cổ phiếu PSH đã liên tục giảm mạnh, trong đó có 2 phiên giảm sàn liên tiếp. Cổ phiếu này hiện đang giao dịch tại mức giá sàn 6.600 đồng/cp phiên 8/4 với dư bán hàng trăm nghìn đơn vị. Đây là mức thị giá thấp nhất của cổ phiếu này trong vòng một năm trở lại đây.
NSH Petro được biết đến là một trong những nhà phân phối xăng dầu lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ (miền Tây). Theo cập nhật trên website, doanh nghiệp có 67 cửa hàng, 550 đại lý, một nhà máy lọc hóa dầu công suất 700.000 lít thành phẩm/ngày và 9 kho cầu cảng với tổng sức chưa hơn 500.000 m3.
Doanh nghiệp được thành lập ngày 14/2/2012, có trụ sở tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật là ông Mai Văn Huy. Vốn điều lệ của NSH Petro hiện ở mức hơn 1.261 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến cuối năm 2023 lên đến gần 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền mặt chỉ còn hơn 24 tỷ đồng, "bốc hơi" gần 90% sau một năm.
Phần lớn tài sản của NSH Petro được tài trợ từ nguồn vốn nợ. Tổng nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2023 lên đến 9.400 tỷ đồng, gấp 5,9 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, riêng nợ vay tài chính đã lên đến hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm 2023 và chiếm gần 55% tổng nguồn vốn. Về cơ cấu, nợ vay tài chính chủ yếu là ngắn hạn với tỷ trọng hơn 77%.
Về kết quả kinh doanh năm 2023, NSH Petro ghi nhận doanh thu 6.099 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lãi ròng 51 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ đến 236 tỷ đồng. Đáng chú ý, tình hình kinh doanh NSH Petro tương đối khởi sắc trong nửa đầu năm 2023 nhưng lại lỗ nặng 220 tỷ đồng trong quý 4.
Trong một diễn biến khác, NSH Petro mới đây đã thông báo về việc nhận được nguồn tài trợ 650 triệu USD từ Acuity Funding trong thời gian 20 năm để phát triển dự án nhà máy Lọc dầu Nam Việt Cái Răng, kho Trà Nóc, kho cảng Mái Dầm, nhà máy chế biến xăng dầu… Hai bên thương thảo các điều khoản chi tiết trong hợp đồng hợp tác hỗ trợ có tính pháp lý để thực thi.
Đời sống Pháp luật