MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều vi phạm trong khai thác khoáng sản, có mỏ vượt công suất 100%

Khai thác khoáng sản không phép, trái phép diễn ra khá phổ biến, gây thất thu ngân sách, phá vỡ cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường..., ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, theo Kiểm toán Nhà nước.

Thông tin về kết quả kiểm toán chuyên đề, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, lĩnh vực tài nguyên khoáng sản (TNKS) luôn được lựa chọn là một trong những chủ đề trọng tâm của ngành. Gần đây, trong năm 2022, KTNN đã tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2017-2021”.

Liên quan đến việc thực hiện đấu giá quyền thăm dò và khai thác khoáng sản, KTNN chỉ ra hàng loạt vấn đề: Địa phương chậm triển khai thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; không công khai tên tổ chức, tên loại khoáng sản và vị trí khu vực đề nghị thăm dò khoáng sản theo quy định.

Thậm chí, tỉnh Hà Giang đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản với 67 điểm mỏ chủ yếu là đá vôi, cát sỏi làm vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2017-2021, nhưng tỉnh lại chưa thực hiện đấu giá.

Trong quản lý, theo dõi tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng tồn tại nhiều vấn đề. Cụ thể, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã theo dõi, tổng hợp không đầy đủ công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở các tỉnh.

Tuy nhiên, KTNN cũng chỉ rõ, Quyết định số 1051/QĐ-BTNMT đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) ban hành ngày 27/5/2021 nhưng vẫn chưa có đủ căn cứ để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Trong khi đó, việc phê duyệt bổ sung tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của 13 Quyết định tại Bộ TNMT chưa đảm bảo quy định tại Điều 6 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP.

Việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ đồng Sin Quyền, mỏ đồng Vi Kẽm khi xác định lần đầu và các lần tiếp theo còn có sự khác biệt do bảng giá tính thuế tài nguyên của địa phương ban hành tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau.

Vì thế, KTNN đã kiến nghị Bộ TNMT cần thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, rà soát ra thông báo hằng năm giai đoạn 2018-2022 đối với 2 mỏ đồng Sin Quyền và Vi Kẽm.

Khai thác vượt công suất trên 100%

Đánh giá về công tác quản lý sau cấp phép, đối với giấy phép do Bộ TNMT cấp, KTNN nêu rõ: Có 71 giấy phép khai thác khoáng sản chậm nộp và 7 giấy phép khai thác khoáng sản không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản. Có 24 giấy phép không nộp và 58 giấy phép nộp chậm báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác…

Đồng thời, còn 16 đơn vị với 17 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác, trong đó có 13 giấy phép có sản lượng khai thác vượt công suất khai thác trên 15%, cá biệt có 5 giấy phép mà sản lượng khai thác vượt công suất khai thác tới trên 100%.

Trước những bất cập này, KTNN kiến nghị Bộ TNMT chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khẩn trương thực hiện xử lý theo quy định đối với các đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng không nộp, nộp chậm báo cáo định kỳ, đặc biệt là xử lý các đơn vị khai thác vượt công suất.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều vi phạm trong khai thác khoáng sản, có mỏ vượt công suất 100%- Ảnh 1.

Nhiều bất cập trong khai thác khoáng sản được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. Ảnh minh họa

KTNN còn phát hiện tình trạng địa phương ban hành quyết định đóng cửa mỏ nhưng đơn vị chưa nộp đủ tiền ký quỹ bảo vệ môi trường; có địa phương ban hành quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ nhưng các đơn vị không thực hiện.

Thêm vào đó, có đơn vị bị thu hồi giấy phép thuộc trường hợp phải đóng cửa mỏ nhưng đơn vị chưa lập đề án và tổ chức thực hiện đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng chưa xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Đáng chú ý, KTNN dẫn ra con số 145 mỏ đã hết hạn giấy phép nhưng đơn vị chưa hoàn thành các thủ tục thực hiện đóng cửa mỏ.

Kiến nghị khẩn trương xử lý các hành vi vi phạm

Theo cơ quan kiểm toán, trong khi Bộ TNMT không ban hành các văn bản yêu cầu các tỉnh báo cáo kết quả hoàn trả chi phí để tổng hợp theo quy định thì 60/63 tỉnh cũng không gửi thông tin phê duyệt kết quả xác định chi phí hoàn trả đối với các giấy phép khai thác khoáng sản do tỉnh cấp.

Đáng chú ý, tại thời điểm 31/12/2021, các đơn vị tại nhiều địa phương còn nợ thuế tài nguyên môi trường 98,52 tỷ đồng và phí bảo vệ môi trường gần 56,67 tỷ đồng. Tổng số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường do 10 tỉnh chưa nộp gần 117,75 tỷ đồng. Nhưng trong đó chưa có trường hợp tổ chức, cá nhân nào bị xử phạt khi không thực hiện ký quỹ hoặc ký quỹ không đầy đủ kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Về phía Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, cơ quan này cũng chưa ban hành Quyết định xử phạt đối với các hành vi vi phạm thuộc trường hợp xử phạt cảnh cáo; chưa xác định tiền tương đương với giá trị khoáng sản đã tiêu thụ cần phải tịch thu theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Đến thời điểm kết thúc kiểm toán, các hành vi vi phạm của các đơn vị do Đoàn thanh tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản phát hiện tại các tỉnh cũng vẫn chưa được xử lý.

KTNN kiến nghị Bộ TNMT chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản khẩn trương xử lý các hành vi vi phạm...

KTNN đề nghị Bộ TNMT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các bộ, ngành và địa phương không thực hiện báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản; không báo cáo về việc thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo về công tác bảo vệ môi trường…


Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên