Kiểm tra 31 doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Trung Quốc
Ngày 16/11, đoàn cán bộ Tổng cục kiểm dịch Trung Quốc làm việc với Bộ NN&PTNT và bắt đầu kiểm tra 31 doanh nghiệp của Việt Nam có hoạt động xuất khẩu gạo sang nước này.
- 07-11-2016Xuất khẩu nông sản năm 2016: Gạo hụt hơi, cà phê bứt phá
- 04-11-2016Xuất khẩu gạo có thể đạt mục tiêu 5,65 triệu tấn trong năm nay
- 29-10-2016[Infographics] Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam qua các năm
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã tiếp và làm việc với đoàn cán bộ Tổng cục kiểm dịch của Trung Quốc về việc kiểm dịch thực vật đối với gạo của Việt Nam để xuất khẩu sang nước này. Hoạt động này nằm trong nội dung thực hiện nghị định thư xuất khẩu gạo và cám sang thị trường Trung Quốc của Việt Nam.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), từ năm 2004 đến nay, Việt Nam không có 2 loại tuyến trùng mà phía Trung Quốc đưa ra yêu cầu kiểm dịch. Hiện nay, Cục vẫn duy trì giám sát thường xuyên đối với 2 loại tuyến trùng này.
Về việc sử dụng thuốc BVTV, Cục BVTV đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp sử dụng đúng thuốc trong danh mục, đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” nhằm phòng trừ dịch hại hiệu quả và không để tồn dư thuốc BVTV trên sản phẩm.
Cục cũng tiến hành chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV trên lúa nhằm đảm bảo toàn bộ sản phẩm đưa vào kho của các doanh nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nói về cơ chế quản lý gạo xuất khẩu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đã ban hành Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo đó, thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa, chế biến theo tiêu chuẩn Việt Nam. Các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện mới được xuất khẩu gạo đi các nước.
“Đoàn Trung Quốc sang kiểm tra 31 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Sau khi kiểm tra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam có ý thức, trách nhiệm tuân thủ các quy định của Việt Nam cũng như của Trung Quốc. Với nỗ lực thường xuyên của doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, tôi mong muốn đoàn kiểm tra đánh giá khách quan và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp tục duy trì xuất khẩu gạo sang Trung Quốc ổn định trong thời gian tới” – vị đại diện Bộ Công Thương nói.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có tái cơ cấu ngành lúa gạo. Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo tập trung vào 2 lĩnh vực là đảm bảo chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Hiện các doanh nghiệp cũng liên kết với nông dân, HTX xây dựng những vùng nguyên liệu rộng lớn, đảm bảo nguồn lúa gạo đảm bảo chất lượng để xuất khẩu. Vùng trọng điểm lúa gạo của Việt Nam tập trung ở phía Nam, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long.
“Nhiều vùng nguyên liệu vài trăm hécta, trồng lúa chất lượng cao của những doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân. Trong số 31 doanh nghiệp mà Tổng cục kiểm dịch của Trung Quốc đến làm việc lần này, đa số đều có vùng nguyên liệu, cơ bản kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm” - ông Nam khẳng định.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Một năm Việt Nam sản xuất 45 triệu tấn thóc và lượng gạo xuất khẩu hàng năm vào khoảng 6-7 triệu tấn (tương đương với 25% tổng sản lượng).
Trong 10 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo đi 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như: Châu Mỹ, EU, Hàn Quốc, Singapo....
Tiền phong