Thị trường ngày 21/9: Giá vàng vượt 2.600 USD, dầu, đồng và cà phê giảm
Giá vàng đã tăng mạnh lên mức cao kỷ lục mới, trên 2.600 USD trong phiên thứ Sáu (20/9). Tuy nhiên, dầu giảm trong phiên này, cùng xu hướng với giá một số mặt hàng chủ chốt khác như đồng, cà phê…
- 20-09-2024Thị trường ngày 20/9: Giá đồng cao nhất 2 tháng, dầu và vàng tăng mạnh
- 19-09-2024Thị trường ngày 19/9: Giá dầu và vàng giảm dù Fed hạ mạnh lãi suất
- 18-09-2024Thị trường ngày 18/9: Giá dầu tiếp tục tăng, vàng giảm
Dầu giảm
Giá dầu giảm vào thứ Sáu nhưng ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp, được hỗ trợ từ việc Mỹ cắt giảm lãi suất và nguồn cung dầu thô của Mỹ giảm.
Giá dầu Brent đã giảm 39 US cent, tương đương 0,52%, xuống 74,49 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 3 US cent, hay 0,4%, xuống còn 71,92 USD.
Các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế chậm lại tại quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn là Trung Quốc làm tăng áp lực giảm giá. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu tăng tăng hơn 4%.
Vàng vượt 2.600 USD
Giá vàng tăng vọt lên trên mức 2.600 USD lần đầu tiên trong lịch sử vào thứ Sáu, kéo dài đợt tăng giá được thúc đẩy bởi thị trường đặt cược rằng Mỹ sẽ hạ lãi suất thêm nữa và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 1,3% lên 2.620,63 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12/2024 tăng 1,2% lên 2.646,20 USD/ounce.
Đợt tăng giá mới nhất của vàng thỏi đã được thúc đẩy sau khi Cục Dự trữ Liên bang khởi động chu kỳ nới lỏng tiền tệ vào thứ Tư với mức lãi suất giảm nửa điểm phần trăm, làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với vàng.
Giá vàng đã tăng 27% từ đầu năm 2024, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2010, khi các nhà đầu tư cũng tìm cách phòng ngừa những bất ổn do xung đột kéo dài ở Trung Đông và những nơi khác gây ra.
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt tăng nhẹ vào thứ Sáu nhưng ghi nhận mức giảm hàng tuần, khi các nhà giao dịch cân nhắc tác động từ 2 yếu tố: triển vọng các biện pháp kích thích tiền tệ mới từ Trung Quốc và sự phục hồi kinh tế chậm chạp ở quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới này. Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu tăng cũng gây áp lực lên giá.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên tăng 0,15% lên 680 nhân dân tệ (96,43 USD) một tấn.
Trái lại, quặng sắt kỳ hạn tháng 10 trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore giảm 0,99% xuống còn 91,75 USD/tấn.
Trung Quốc bất ngờ giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn tại mức cố định hàng tháng, làm đảo lộn kỳ vọng của thị trường vốn đã được chuẩn bị cho động thái hạ lãi suất, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra mức cắt giảm lãi suất vào đầu tuần này.
Giá hầu hết loại thép trên sàn Thượng Hải giảm trong phiên này: Thép cây giảm gần 0,3%, thép không gỉ giảm khoảng 0,1%, thép cuộn giảm 1,97%, mặc dù thép cuộn cán nóng tăng gần 0,3%.
Đồng giảm từ mức đỉnh 2 tháng
Giá đồng giảm nhẹ vào thứ Sáu sau khi chạm mức cao nhất trong hai tháng do đồng USD mạnh và nhà sản xuất bán ra.
Đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London kết thúc phiên giảm 0,2% xuống còn 9.499 USD/tấn, trước đó đã chạm mức 9.599,50 USD, mức cao nhất kể từ ngày 18 tháng 7.
Đồng đã thu hẹp mức tăng sau khi các công ty khai thác bán ra chốt lời trước cuối tuần và chỉ số USD tăng khiến hàng hóa được định giá bằng đồng USD Mỹ trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Trung Quốc bất ngờ giữ nguyên lãi suất cho vay tham chiếu ở mức cố định hàng tháng vào thứ Sáu, nhưng các nhà phân tích cho biết việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ được đưa vào một gói chính sách lớn hơn.
Cao su giảm
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm trong phiên thứ Sáu, nhưng tính chung cả tuần tăng do lo ngại về nguồn cung trên khắp các khu vực sản xuất chính, ngay cả khi triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc làm giảm triển vọng nhu cầu tại thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới này.
Hợp đồng cao su giao tháng 2 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) đóng cửa giảm 6,7 yên, hay 1,79%, ở mức 366,7 yên (2,56 USD)/kg.
Tuy nhiên, hợp đồng cao su tháng 1 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tiếp tục tăng, thêm 20 nhân dân tệ, hay 0,11%, lên 17.875 nhân dân tệ (2.534,89 USD)/tấn.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 10,9 cent, hay 4,2%, xuống còn 2,5075 USD/lb, kéo dài đà giảm từ mức cao nhất trong 13 năm chạm tới hôm thứ Hai.
Đã có một số trận mưa rào trên vành đai cà phê của Brazil và dự báo sẽ còn nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Điều này là lý do chính khiến giá giảm.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 3,6% xuống còn 5.059 USD/tấn.
Ngô, đậu tương giảm
Giá ngô và đậu tương tại Chicago giảm nhẹ do tiến độ thu hoạch tăng dần. Trong khi đó, giá lúa mì tăng do tình trạng khô hạn ở một số vùng sản xuất lúa mì trên thế giới.
Kết thúc phiên, giá ngô trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) giảm 4 US cent xuống còn 4,01-3/4 USD/bushel, tính chung cả tuần giá giảm 1,81%.
Giá đậu tương giảm 1-1/4 USD xuống 10,12 USD/bushel, tính chung cả tuần tăng 0,57%.
Giá lúa mì tăng 3 US cent lên 5,68-1/2 USD/bushel, tính chung cả tuần giảm 4,91%.
Đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tương lai tăng hơn 3% vào thứ Sáu và tăng 19,2% trong tuần, mức tăng giá hàng tuần cao nhất kể từ năm 2008, do lo ngại về nguồn cung của Brazil.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,73 cent, hay 3,3%, lên 22,66 cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất gần bảy tháng, là 23,13 cent.
Nhà giao dịch Wilmar hôm thứ Năm đã cắt giảm dự báo sản lượng đường của Brazil xuống 38,8 - 40,8 triệu tấn so với ước tính ban đầu là 42 triệu tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 21/9:
Nhịp sống thị trường