Kiến nghị “cởi trói” thị trường đất, vốn gỡ nút thắt cho nông nghiệp
"Chúng ta có hàng loạt "nút thắt" phải xử lý để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho hay.
- 16-06-2017Nông nghiệp công nghệ cao có "quá sức" với Việt Nam?
- 09-06-2017Doanh nghiệp khó tiếp cận được gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao
- 28-04-2017NHNN quy định lãi suất cho vay nông nghiệp công nghệ cao thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm
Đó là từ việc tăng quy mô, áp dụng kinh tế trang trại thì đất cần dễ tích tụ tập trung hơn, làm sao "cởi trói" được thị trường đất đai để những người làm nông nghiệp chuyên nghiệp có thể dễ dàng mua đất, thuế đất, ông Tuấn nói thêm.
Trả lời phỏng vấn bên lề cuộc Hội thảo "Phát triển nông nghiệp Việt Nam chất lượng, hiệu quả", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: "Để phát triển nông nghiệp cần có rất nhiều thứ, cần tính đến đầu vào, đầu ra; tính được lỗ, có lãi; phải áp dụng công nghệ cao; hình thành được kinh tế trang trại, hợp tác xã; phải có doanh nghiệp nối kết chuỗi; phải tận dụng được công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu".
Việc chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thông sang nông nghiệp áp dụng công nghệ cao có thành công hay không, nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào chính sách.
Vì vậy, chúng ta có hàng loạt "nút thắt" phải xử lý để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ việc tăng quy mô, áp dụng kinh tế trang trại thì đất cần dễ tích tụ tập trung hơn, làm sao "cởi trói" được thị trường đất đai để những người làm nông nghiệp chuyên nghiệp có thể dễ dàng mua đất, thuế đất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng thuê đất của nông dân để đầu tư lớn, bài bản và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn
Thị trường vốn chính là "nút thắt" quan trọng thứ hai để chuyển đổi sang nông nghiệp công nghệ cao, trong khi tích luỹ trong dân thì thấp, doanh nghiệp lại đầu tư vào chưa nhiều nhưng cách tiếp cận vốn hiện nay lại rất khó khăn.
"Vốn ngân hàng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của người dân, còn lại họ vay ngoài rất nhiều do những khó khăn về mặt thủ tục, thế chấp, tài sản đảm bảo. Phải làm sao để nông dân muốn vay vốn ngân hàng và ngân hàng muốn cho nông dân, doanh nghiệp vay vốn với lãi suất vừa phải, chi phí giám sát rẻ", ông Tuấn cho biết thêm.
Điều này đòi hỏi phải có tín dụng theo chuỗi giá trị, nếu như ngân hàng cung cấp tín dụng biết cả "ông đầu vào" và "ông đầu ra" và "ông sản xuất" thì họ sẽ yên tâm, đảm bảo hơn về phương án kinh doanh.
Hoặc là phải có chính sách bảo hiểm tín dụng cho ngân hàng, để khi có rủi ro thì ngân hàng không bị thiệt hại. Làm sao để cả ngân hàng và công ty bảo hiểm muốn bán sản phẩm cho người sản xuất nông nghiệp.
Nút thắt thứ 3 trong phát triển nông nghiệp chính là việc khuyến khích các doanh nghiệp đều tư vào nông nghiệp theo đúng nghĩa: Từ đầu vào, sản xuất cho đến đầu ra và liên kết được với nông dân. Vì vậy, cần có cơ chế đặc biệt về hỗ trợ tín dụng, đất đai như miễn thuế, giảm thuế trong thời gian đầu kinh doanh.
Với việc đầu tư cho nông nghiệp rất rủi ro vì vậy cần có cơ chế đặc thù thì các doanh nghiệp mới yên tâm lên phương án kinh doanh. Đặc biệt, nếu nhà nước cho thêm bộ phận quan tâm, giải quyết các vấn đề doanh nghiệp gặp phải liên quan đến chính sách thì càng thúc đẩy được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, cũng cần rà soát những chính sách về chất lượng, thương hiệu để không chỉ kiểm soát chất lượng của sản phẩm cuối cùng mà các doanh nghiệp tự kiểm soát lẫn nhau trong chuỗi giá trị.
"Phải làm sao để hợp tác xã kinh doanh có lãi hơn là hộ nông dân để người dân tham gia vào các chuỗi sản xuất và thay đổi phương thức nông nghiệp truyền thống như hiện nay", ông Tuấn cho hay.
BizLive