Kiến nghị hộ kinh doanh cá thể được tham gia thị trường Taxi
Hộ kinh doanh cá thể cũng phải được tham gia thị trường Taxi. Các điều kiện kinh doanh khác cũng tương đồng khi bản thất cùng là một loại hình Taxi...
- 12-11-2019Grab Việt Nam bình luận gì về Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải liên quan đến taxi truyền thống và taxi công nghệ?
- 05-11-2019Bộ Giao thông: Xe hợp đồng công nghệ buộc phải gắn mào "Taxi" hoặc "Xe Taxi"
- 24-10-2019Đề xuất mới nhằm quản lý Grab và taxi công nghệ tại VN
Các hiệp hội vận tải ôtô, taxi mới đây cùng ký chung một văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Trong văn bản này, các hiệp hội cho rằng còn nhiều nội dung chưa phù hợp quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Ôtô kinh doanh vận tải hành khách đều phải lắp camera
Cụ thể, các Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giữ nguyên quy định tại khoản 5, Điều 11 của Dự thảo Nghị định: "Doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng hợp đồng điện tử phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông theo quy định".
Hiệp hội này cho rằng, bộ phận theo dõi quản lý an toàn giao thông phải áp dụng với tất cả các loại hình vận tải và áp dụng với các chủ thể kinh doanh vận tải gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Bởi như vậy mới công bằng vì nguy cơ mất an toàn giao thông là như nhau.
Nếu loại hình vận tải nào và chủ thể nào không phải có bộ phận theo dõi quản lý an toàn giao thông thì doanh nghiệp sẽ lách sang loại đó để bớt chi phí, gây mất nguy cơ an toàn giao thông. Điều này cũng lý giải vì sao các hộ kinh doanh vận tải cá thể không muốn chuyển sang doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ quy định tại khoản 2, Điều 13: Trước ngày 1/7/2021, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ ngồi cả kể lái xe trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông. Dữ liệu được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép khi có yêu cầu.
Thời gian lưu trữ hình ảnh tại camera lắp trên xe như sau: Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động có hành trình cự ly lên đến 500km; Tối thiếu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động có hành trình cự ly trên 500km.
Tuy nhiên, các hiệp hội này cho rằng nếu chỉ lưu giữ ở doanh nghiệp thì quy định này chỉ mang tính chất quản lý nội bộ của doanh nghiệp, không đảm bảo sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Mà cần quy định thêm là phải chuyển dữ liệu về cho cơ quan quản lý nhà nước mới thể hiện được vai trò quản lý và giám sát của nhà nước có ý nghĩa.
Bởi nếu chỉ lưu trữ trong vòng 3 ngày, nếu không chuyển về cơ quan quản lý nhà nước thì chỉ khi thanh tra mới phát hiện được sai phạm thậm chí không thể phát hiện nổi do doanh nghiệp có thể tác động vào phần mềm.
"Quy định chuyền tải dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước không thể bị coi là sự can thiệp sâu của nhà nước vào hoạt đọng kinh doanh", các hiệp hội khẳng định.
Do đó, các Hiệp hội kiến nghị sửa đổi thành: Trước ngày 31/12/2021, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách phải lắp camera để ghi, lưu trữ hình ảnh đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau: lưu trữ, truyền dẫn hình ảnh gồm lái xe, hành khách, thời gian lái xe liên tục. Dữ liệu được kết nối chia sẻ với Bộ Công an, Bộ Tài chính để quản lý nhà nước về an ninh trật tự, thuế theo thẩm quyền.
Dữ liệu camera của các phương tiện được kết nối lưu trữ tại máy chủ do Tổng cục đường bộ xử lý.
Ngoài ra, các hiệp hội này cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thành lập Trung tâm quản lý dữ liệu giao thông độc lập. Trung tâm này có chức năng tiếp nhận toàn bộ các dữ liệu giao thông trên toàn quốc truyền về, thực hiện phân tích, lưu trữ thông tin. Dữ liệu cung cấp cho các cơ qua có chức năng để xử lý vi phạm, quản lý thuế hoặc phục vụ cho việc điều hành giao thông thông minh.
Hộ kinh doanh cá thể cũng phải được tham gia thị trường Taxi
Cũng tại văn bản này, các Hiệp hội cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải trình 11 lần không ban hành được Nghị định thay thế Nghị định 86. Trong suốt 5 năm qua không có Nghị định mới được ban hành, điều này càng để lâu dẫn đến càng nhiều doanh nghiệp bị thiệt thòi.
Các Hiệp hội nhấn mạnh rằng cùng một loại hình kinh doanh, cùng một sản phẩm vận tải cung cấp cho người dân thì khung pháp lý cần quy định giống nhau về các điều kiện kinh doanh đảm bảo nguyên tắc công bằng.
"Hộ kinh doanh cá thể cũng phải được tham gia thị trường Taxi. Các điều kiện kinh doanh khác cũng tương đồng khi bản thất cùng là một loại hình Taxi", văn bản kiến nghị.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nội dung rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô...
Trong văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã bổ sung vào dự thảo Nghị định về việc hộ kinh doanh cá thể được tham gia hoạt động kinh doanh loại hình xe hợp đồng, điều này hoàn toàn phù hợp với Luật giao thông đường bộ, Luật dân sự và các quy định liên quan.
Tuy nhiên, việc tham gia hoạt động kinh doanh của đối tượng này phải tuân thủ mọi điều kiện về kinh doanh vận tải: phải có giấy phép kinh doanh vận tải, điều kiện về lái xe và giấy phép lái xe hạng phù hợp; phải lắp thiết bị Giám sát hành trình; phải có niêm yết thông tin về hộ kinh doanh cá thể bên ngoài xe; phải có phù hiệu do Sở Giao thông vận tải cấp; phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông; phải chịu trách nhiệm đóng thuế và những trách nhiệm liên quan đến người lao động…
Vneconomy