MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiến nghị về thể chế kinh tế trước giờ G gặp Thủ tướng

Ngay trước giờ diễn ra Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, một số chuyên gia kinh tế đã có những kiến nghị nhằm giúp Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh.

Thể chế hướng đến mọi doanh nghiệp

PGS.TS. Phạm Tất Thắng cho rằng Chính phủ đã quan tâm và giải quyết một số hiện tượng sách nhiễu của cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề là cần làm sao để nhiều doanh nghiệp cùng được hưởng sự quan tâm ấy. Muốn vậy cải cách thể chế cần phải mạnh mẽ hơn nữa.

“Chính phủ quan tâm và giải quyết một số hiện tượng ăn hiếp của cơ quan quản lý nhà nước. Điều đó tốt nhưng vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ quá. Cần phải thay đổi môi trường kinh doanh, để nhiều doanh nghiệp được hưởng” – ông Thắng nói.

Theo ông Phạm Tất Thắng, việc Thủ tướng ra chỉ thị về những sự việc cụ thể là cần thiết nhưng vẫn mang tính chất điển hình. Điều doanh nghiệp cần hơn ở Chính phủ là một môi trường kinh doanh lành mạnh, theo cơ chế thị trường, cách quản lý theo yêu cầu hội nhập quốc tế. Làm được điều này, doanh nghiệp tư nhân mới có cơ hội khẳng dịnh vai trò và thực sự trở thành động lực cho nền kinh tế.

Về giải pháp, ông Phạm Tất Thắng cho rằng cải cách cần đi vào nền tảng. Trong đó, cơ quan nhà nước phải giảm cơ chế xin cho, điều “ẩn nấp trong các nghị định, thông tư, chỉ thị của các cơ quan quản lý nhà nước” – ông Phạm Tất Thắng cho hay.

Ổn định môi trường kinh doanh

TS Lê Đăng Doanh đánh giá Chính phủ đã phát động phong trào khởi nghiệp trong một năm qua. Mục tiêu “vừa phải” khoảng 1.000.000 doanh nghiệp đến năm 2020 cũng đã được Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, xét về mật độ doanh nghiệp trên số dân thì còn thua kém ngay nước làng giềng Campuchia.

Điều quan trọng theo ông Lê Đăng Doanh là Chính phủ phải giúp các doanh nghiệp tồn tại sau giai đoạn khởi nghiệp. Tránh việc “bảo người ta khởi nghiệp, rồi chính sách lại thay đổi”. Muốn vậy, chính phủ cần bảo đảm được tính ổn định của môi trường đầu tư, kinh doanh.

“Quan trọng hơn là môi trường kinh doanh phải ổn đinh, có thể dự báo được. Người ta biết rằng sẽ phải hoạt động như thế nào. Chứ bảo người ta khởi nghiệp đi rồi chính sách lại thay đổi thì đó là điều đáng tiếc” – ông Doanh chia sẻ.

Giúp doanh nghiệp thôi “sợ lớn”

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng các hộ kinh doanh đang là nòng cốt giúp mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thành công. Tuy nhiên, hiện đang có hiện tượng hộ kinh doanh sợ, không muốn trở thành doanh nghiệp.

“Tôi muốn nhấn mạnh việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp nên tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp. Đây là một động lực kinh tế. Doanh nghiệp hoạt động minh bạch hơn, công khai hơn thì thuận lợi” – ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Sau thời gian tìm hiểu, ông Tuấn nhận thấy hộ kinh doanh đang e ngại về thủ tục thuế nếu nâng cấp trở thành doanh nghiệp. Vì vậy, để trong 2 triệu hộ kinh doanh có những hộ đăng ký chuyển lên doanh nghiệp, Nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục thuế cho doanh nghiệp nhỏ. Chẳng hạn, thay vi kê khai theo quý, có thể nửa năm hay một năm và kết hợp thủ tục báo cáo kế toán và báo cáo thuế làm một. Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ như kế toán thuế mà thị trường có thể cung cấp để doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

Giái quyết vấn nạn nhũng nhiễu của cán bộ

Kể lại chuyện một doanh nghiệp bị cán bộ nhũng nhiễu, ông Lê Đăng Doanh cho rằng Thủ tướng chỉ đạo nhiều nhưng chuyển biến ở dưới rất chậm. Việc doanh nghiệp tiếp tục bị “hành” vẫn còn diễn ra sau một năm thực hiện nhiều giải pháp

“Hôm nay thì sở đến thanh tra kiểm tra. Hôm qua quận đến thanh tra kiểm tra. Rồi đến phường cũng đến thăm hỏi sức khỏe nữa. Doanh nghiệp thấy bận bịu quá và chi phí nhiều quá. Cái đó chưa đến mức hình sự hóa nhưng là một hình thức nhũng nhiễu ngoài pháp luật cần phải xử lý. Cần có quy định nghiêm về việc không chồng chéo trong thanh tra kiểm tra” – ông Lê Đăng Doanh kể.

Hoan nghênh Thủ tướng đã sâu sát, can thiệp kịp thời để vụ việc quán cà phê xin chào không diễn ra trong 1 năm trước. Ông Lê Đoăng Doanhh hy vọng ngày mai, 17/5 Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để chấm dứt việc nhũng nhiễu doanh nghiệp của cán bộ công chức.

“Tôi hy vọng, ngày mai 17/5 sự chỉ đạo của thủ tướng và ý kiến của doanh nghiệp sẽ làm cho chỉ đạo của thủ tướng được thực hiện đầy đủ hơn, hiệu quả hơn và có sự chuyển biến hơn” – ông Lê Đăng Doanh đặt kỳ vọng.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên