Kiên quyết với các “ông lớn”
Là khu vực chiếm phần lớn nguồn lực đầu tư phát triển của đất nước song hiệu quả sản xuất kinh doanh kém, thậm chí nhiều DNNN lớn gây thất thoát, lãng phí, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Do đó cần kiên quyết xử lý các sai phạm của các DN này, đồng thời phải tiến hành mạnh mẽ hơn nữa công cuộc tái cơ cấu DNNN trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.
- 24-12-2016Doanh nghiệp Nhà nước thống lĩnh thị trường ở lĩnh vực nào?
- 21-12-2016Khoán xe công tại doanh nghiệp Nhà nước: Không dễ nhưng phải làm
- 15-12-2016Cần minh bạch, công khai định giá doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa
Tiếp tục dậy sóng
Năm 2016 tiếp tục là một năm dậy sóng của khu vực DNNN khi một loạt bất cập, hạn chế của khu vực này như việc đầu tư không hiệu quả, làm ăn thua lỗ gây thất thoát tài sản của Nhà nước, các khoản nợ khổng lồ, chậm công bố thông tin của DN theo quy định của Chính phủ… tiếp tục được các cơ quan chức năng làm rõ.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện DNNN chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn Nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA… thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng kinh tế. Mặc dù DNNN bao gồm các tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế song hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được kỳ vọng, thậm chí nhiều DN lỗ đến mức báo động, không ít DNNN thua lỗ kéo dài.
Trước thực trạng trên, từ giữa năm 2016, Chính phủ đã có sự chỉ đạo kiên quyết nhằm làm rõ những yếu kém, bất cập, từ đó làm rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm của những cá nhân, tập thể để xảy ra thất thoát tài sản của Nhà nước từ đó có biện pháp xử lý nghiêm trên tinh thần không có “vùng cấm” cho những sai phạm. Theo đó, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn tới tình trạng thua lỗ lớn tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC).
Qua việc thanh tra, kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán đã làm rõ, Tổng công ty PVC đã bộc lộ sự yếu kém trong hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến tình trạng thua lỗ với khoản tiền gần 3.300 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2013. Đồng thời, cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khởi tố 5 cá nhân lãnh đạo của DN này với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thanh tra Chính phủ cũng vào cuộc thanh tra tình hình dự án Xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), quá trình thanh tra đã chỉ ra dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Thanh tra Chính phủ cũng đã làm rõ sự thiếu trách nhiệm của các bên liên quan gồm Tập đoàn Dệt may Việt Nam - cổ đông sáng lập PVTex, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công Thương. Gắn liền với hoạt động của DN, cơ quan chức năng đã kiến nghị và tiến hành xử lý những cá nhân có sai phạm một cách cương quyết.
Cũng trong năm qua, nhiều DNNN khác cũng đã bị thanh tra, kiểm tra và đang tiến hành xử lý nghiêm minh với những sai phạm của các tổ chức, cá nhân như: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và nhiều công trình, dự án khác do DNNN đầu tư...
Tinh thần cương quyết xử lý các DNNN gây thua lỗ đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định lại tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đã và đang làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm trên tinh thần không sử dụng tiền thuế của dân để bù đắp cho việc thua lỗ, kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả, thậm chí cho phá sản, để những dự án thua lỗ, đắp chiếu này không là gánh nặng cho nền kinh tế.
Quyết liệt cổ phần hóa
Một trong những tồn tại của khu vực DNNN thời gian qua chính là nhiều DNNN “trốn tránh” việc niêm yết trên sàn chứng khoán sau khi cổ phần hóa. Điển hình là dù đã cổ phần hóa được nhiều năm nhưng hai DN lớn trong ngành bia là Tổng công ty cổ phần Bia Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia Hà Nội (Habeco) cũng như cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương vẫn trì hoãn việc niêm yết trên sàn chứng khoán theo quy định. Trước tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo ngay trong năm 2016 phải thoái toàn bộ 9.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại Habeco, trong khi 40.500 tỷ đồng tại Sabeco sẽ bán trong giai đoạn 2016-2017.
Với sự vào cuộc quyết liệt, hai “ông lớn” này đã chính thức lên sàn trong năm 2016. Cùng với đó, Chính phủ cũng chỉ đạo việc bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại 10 công ty phải được tiến hành công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, theo thông lệ thị trường và bảo toàn tối đa tài sản Nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. Điều này sẽ làm cho môi trường kinh doanh minh bạch hơn, lành mạnh hơn.
Trao đổi về những bất cập, hạn chế của các DNNN, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, việc các DNNN lớn làm thất thoát tài sản Nhà nước bao giờ cũng liên quan đến năng lực quản lý DN yếu kém và vấn đề tham nhũng.
Vì thế, chuyên gia này cho rằng, đối với những cá nhân có trách nhiệm ban hành quyết định đầu tư gây thua lỗ, thất thoát tài sản phải được xử lý nghiêm, mạnh tay hơn, việc xử lý này phải được thực hiện đối với cả cơ quan quản lý DN (là các bộ, ngành, địa phương) cho đến người trực tiếp quản lý phần vốn, tài sản Nhà nước tại DN. Phải quy trách nhiệm đến từng cá nhân và có chế tài nghiêm minh để răn đe nhằm ngăn chặn việc tái diễn những vi phạm này.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, giải pháp hữu hiệu nhất đối với các DNNN vẫn là phải kiên quyết cổ phần hóa một cách thực chất, cổ phần hóa một cách triệt để các DNNN. Các cơ quan chức năng và các DN phải thực hiện nghiêm chủ trương Nhà nước không nắm giữ vốn tại các lĩnh vực không cần thiết nhằm tránh thất thoát vốn Nhà nước.
Liên quan đến cổ phần hóa DNNN, trên thực tế việc tái cơ cấu DNNN thời gian qua chưa đạt được như mong muốn. Giai đoạn 2011-2015, cả nước đã sắp xếp được 591 DNNN, đạt 96% kế hoạch, tuy nhiên chất lượng cổ phần hóa còn nhiều hạn chế khi tỷ lệ vốn bán ra trong thoái vốn Nhà nước tại các DN mới đạt khoảng 8%.
Tỷ lệ vốn của Nhà nước sau khi cổ phần hóa tại một số DN lớn vẫn còn ở mức cao. Theo các chuyên gia, tới đây, công cuộc tái cơ cấu DNNN, trong đó cổ phần hóa DNNN phải được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn để xử lý những yếu kém của các DNNN làm ăn thua lỗ cũng như nâng cao hiệu quả, vị thế của các DN đang làm ăn hiệu quả.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa thực sự tạo động lực để thoái vốn cổ phần hóa. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị lành mạnh hóa hoạt động của DN, giải quyết tốt các vướng mắc, mâu thuẫn có thể là rào cản đối với tiến trình cổ phần hóa, đồng thời nhấn mạnh, lãnh đạo đơn vị nào không làm hoặc làm chậm, làm thất thoát tài sản của Nhà nước khi cổ phần hóa thì phải bị xử lý.
Như vậy, thông điệp xuyên suốt của các cấp chính quyền đối với vấn đề DNNN đã rõ, hy vọng những tồn tại của DNNN sẽ được xử lý triệt để nhằm lấy lại vị thế của khu vực vốn được xem là có vai trò dẫn dắt nền kinh tế.
Báo hải quan