MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiệt sức vì mạng xã hội: "Lướt" gần 7 tiếng mỗi ngày

22-05-2023 - 13:55 PM | Lifestyle

Mạng xã hội đang có những ảnh hưởng tiêu cực ngày càng gia tăng đối với tâm lý người dùng, đặc biệt là người trẻ, như bị lệ thuộc vào hình mẫu hoàn hảo, trầm cảm, trở thành “nhân cách khác” hay kiệt sức vì những cuộc giao tranh ẩn danh.

Cứ mở laptop ra học bài, tìm kiếm thông tin trên internet , Nguyễn Trọng Tâm lại mất 2 tiếng trả lời bình luận của bạn bè trên các hội nhóm Facebook. Trung bình mỗi ngày cậu lướt mạng xã hội gần 7 tiếng.

Đó cũng là lý do nam sinh 21 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thường trễ làm bài tập và có rất ít thời gian vàng để học. Tâm thừa nhận, mỗi lần mở khóa chiếc smartphone hay laptop, thứ đầu tiên cậu nghĩ tới là vào Facebook xem có gì mới không và luôn có cảm giác “sợ lỡ mất thông tin quan trọng” từ các diễn đàn hay nhóm lớp học tập.

Kiệt sức vì mạng xã hội: Lướt gần 7 tiếng mỗi ngày - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ “trôi dạt” trên mạng ảo không có chủ đích. Ảnh: Châu Linh

Ranh giới thật, ảo mờ nhạt

Mỗi ngày, Tâm thường dành nhiều thời gian cho mạng xã hội như một nhu cầu không thể thiếu như ăn, uống. Không dùng mạng, cậu cảm thấy bị đói tin tức , trở thành người tối cổ khi bạn bè bàn luận về một sự việc tai tiếng có sức lan tỏa nhanh, tạo nên tranh luận của nhiều người.

Chính vì vậy, 5h30 sáng thức dậy, Tâm vào lướt Facebook một tiếng để cập nhật rồi mới đến trường vào lúc 7h. Khi đó, cậu mới đủ tự tin để ngồi tán ngẫu cùng đám bạn với vô vàn chủ đề, như nhận xét về cô ca sĩ A, hotgirl B… và bàn luận về những quan điểm của người nổi tiếng.

Báo cáo "Tác động tâm lý của mạng xã hội với tâm lý người dùng" năm 2017 của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội chỉ ra, 20% người Việt vào mạng xã hội trên ba tiếng mỗi ngày, 54% truy cập hơn một tiếng một ngày, 39% rất đau buồn nếu mạng xã hội bị đóng cửa, 37% khẳng định nó là phần quan trọng của cuộc sống và 35% khó chịu, lạc lõng nếu không được truy cập trong 1-2 ngày.

“Các hội nhóm chat cũng nhộn nhịp bàn tán về nhiều câu chuyện trên mạng ảo. Đi học với nhau cũng nói về những câu chuyện trên mạng ảo… Dần dần chúng em cảm thấy, phải theo dõi mạng xã hội thì mới có chuyện để bàn tán và nói chuyện khi đi học. Ranh giới giữa thế giới thật và thế giới ảo dần mờ nhạt, chúng em như đang sống trong môi trường ảo nhiều hơn”, Tâm kể.

Khi mở báo cáo tần suất sử dụng mạng xã hội trong app điện thoại, Tâm không ngờ mình lại tốn gần 7 tiếng để “tiêu thụ” nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Trong đó, nền tảng TikTok chiếm khoảng 3 tiếng, Facebook chiếm 2 tiếng rưỡi... Đáng chú ý, thời gian truy cập trang web để tìm kiếm thông tin lại chiếm rất ít, chỉ khoảng 30 phút/ngày.

Trả lời câu hỏi: “Lướt TikTok 3 tiếng một ngày, em có thấy chán?”, Tâm hồn nhiên nói, chỉ đơn giản là lướt cho hết thời gian chứ không có mục đích tìm hay xem cái gì cụ thể. Lịch học của Tâm chiếm 8 buổi/tuần, bố mẹ cấm đi làm thêm nên thời gian còn lại, Tâm chọn lướt mạng xã hội hoặc chơi game để cho “đỡ rảnh”. Tâm bắt đầu đối diện với những đêm mất ngủ...

Tìm đến thế giới ảo để tỏ ra mình ổn

Thường sử dụng điện thoại để vào mạng xã hội, quên đi những vấn đề của mình, tìm sự an ủi, sự chú ý và sự thỏa mãn tạm thời, thay vì tìm giải pháp hoặc đối mặt với vấn đề thực tế..., đó là thói quen hằng ngày của Phương Anh (25 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội).

Sáng sớm, vừa thức dậy, Phương Anh lập tức với tay lấy điện thoại và mở ứng dụng mạng xã hội. Cô tự đặt mục tiêu có một bài viết hoặc ảnh mới để chia sẻ trong ngày. Cô tìm kiếm những bức ảnh đẹp nhất, những góc chụp ấn tượng, và chọn những trạng thái tích cực để thể hiện cuộc sống tuyệt vời của mình. Phương Anh cẩn thận chỉnh sửa ảnh, sắp xếp từng câu chữ, và thêm những hashtag phù hợp để tăng khả năng được nhìn thấy và thu hút sự chú ý từ người khác.

Khi bài viết hoặc ảnh đăng lên, Phương Anh hồi hộp mong chờ những phản hồi tích cực từ bạn bè và người theo dõi. “Mỗi lượt thích, bình luận và chia sẻ đều gợi lên cảm giác thích thú và sự thỏa mãn tạm thời. Mình cảm thấy như được công nhận và quan tâm”, cô nói.

Với Phương Anh, mạng xã hội là nơi mọi người chia sẻ thành công, niềm vui và những khoảnh khắc tốt đẹp trong cuộc sống. Khi nhìn thấy những bài viết và ảnh của người khác, cô phần nào khao khát được sống cuộc sống tương tự hoặc tốt hơn. Vì vậy, việc tỏ ra mình ổn trên mạng xã hội có thể là cách để cô cảm thấy ngang bằng với những người khác và thoát khỏi cảm giác tự ti.

Chính vì ấn tượng với những hình mẫu lung linh trên thế giới ảo, nên Phương Anh chưa dám sống thật trên mạng và luôn bị ảnh hưởng bởi những lời nói, ý kiến, đánh giá của người khác từ những bình luận dưới các bài đăng. Điều này khiến cô luôn có trạng thái “online treo” trên mạng, tức là sống lệ thuộc vào mạng xã hội.

Thuật toán gây nghiện

Vì sao nhiều người biết được những hệ lụy của mạng xã hội nhưng không có cách nào thoát khỏi nó, thậm chí “nghiện” hơn? TS. Lương Văn Thiện (giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenika) cho rằng, đó là do họ không muốn “mất sức” vào các hoạt động như đọc sách hay hoạt động thể chất. “Họ tìm đến mạng xã hội vì chỉ cần vài động tác với tay lấy cái điện thoại, vào mạng là được thỏa mãn nhu cầu giải trí mà đôi khi không cần có mục đích cụ thể cho công việc hay gia tăng sự kết nối”, TS. Thiện nói.

Dưới góc độ công nghệ, TS.Thiện phân tích, mỗi nền tảng mạng xã hội đều có thuật toán gây nghiện đặc trưng để hút người dùng. Như Facebook, có thuật toán dòng thời gian (Feed Algorithm) để xác định loại nội dung nào sẽ hiển thị trong bảng tin của người dùng. Thuật toán này dựa trên các yếu tố như tương tác trước đó của người dùng, sự phù hợp với quan tâm và sự tương tác của bạn bè. Thuật toán thông báo (Notification Algorithm) quyết định loại thông báo nào sẽ được gửi đến người dùng dựa trên sự xem xét các hoạt động như lượt thích, bình luận, chia sẻ và sự tương tác của bạn bè để quyết định thông báo nào được coi là quan trọng và hấp dẫn…

“Vì vậy, nếu sinh viên hay những bạn trẻ nói chung không có kế hoạch, mục tiêu ở thế giới thực sẽ rất dễ bị kéo vào mạng xã hội một cách vô bổ, không có chủ đích, dẫn đến tự tạo những áp lực và lệ thuộc vào hình mẫu hoàn hảo trên mạng ảo”, chuyên gia nói.

(Còn nữa)

Theo Châu Linh

Tiền phong

Trở lên trên