MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mẹ bỉm sữa gầy dựng sự nghiệp thành công từ đam mê vẽ tranh: "Tôi làm mọi thứ bằng mạng xã hội mà không tốn đồng nào!"

26-04-2023 - 10:20 AM | Lifestyle

Mẹ bỉm sữa chia sẻ bí quyết khởi nghiệp thành công nhờ tận dụng tốt mạng xã hội.

Nhiều chị em nội trợ, mẹ bỉm sữa 24 tiếng đồng hồ quần quật trong nhà, ngơi tay là cầm ngay chiếc điện thoại. Nhìn thì tưởng chị em giải khuây cho tâm trạng bớt bí bách, nào biết họ vẫn đang tận dụng thời gian hết sức có thể để làm thêm việc, kiếm thêm tiền. Hơn nữa, họ còn là"nhà kinh doanh" đại tài làm ăn khấm khá từ các nền tảng mạng xã hội, lần mò khởi nghiệp từ các sàn thương mại điện tử. Mà chị Phan Mơ (32 tuổi, ở Thọ Xuân - Thanh Hoá) là một ví dụ điển hình.

Cách đây 5 năm trước, chị là mẹ bỉm sữa bị mất việc vì công ty không có chế độ thai sản, cầm bút, cọ màu để tâm trạng bớt buồn chán. Hiện tại, chị là họa sĩ tự do được rất nhiều nhà sưu tầm tranh săn đón, là cô giáo dạy vẽ có hàng trăm học viên.

Mẹ bỉm sữa gầy dựng sự nghiệp thành công từ đam mê vẽ tranh: "Tôi làm mọi thứ bằng mạng xã hội mà không tốn đồng nào!" - Ảnh 1.

Chị Phan Mơ - khởi nghiệp thành công nghề vẽ tranh nhờ tận dụng tốt mạng xã hội.

Hành trình khởi nghiệp từ mạng xã hội

"Trước đó, mình từng làm công ty thiết kế nội thất, nghỉ nghỉ sinh thì bán hàng online… sau đó giai đoạn kinh doanh bão hoà, đại lý trả hàng phá giá hàng loạt, cuộc sống mưu sinh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Cùng lúc đó con nhỏ lại đau ốm, mình quyết định rời bỏ phòng trọ ngột ngạt ở Hà Nội, về quê tìm đường ra.

Khi đó tất cả người thân ai nấy đều lo lắng cho quyết định của mình, vì nhà mình ở cách xa phố huyện, có thể nói là hẻo lánh nên việc học hành của con di chuyển rất bất tiện, mình lại không biết làm việc gì để kiếm tiền…"

Tác phẩm mới nhất "Hàng rào thưa" chị đang hoàn thành.

Cập nhật và đầu tư hình ảnh chỉn chu

Chị Phan Mơ chia sẻ nhờ những ngày ở Hà Nội làm mẹ bỉm, vẽ tranh cho khuây khoả rồi đăng lên trang Facebook cá nhân, sau khi về quê gặp gỡ bạn bè, chị được giới thiệu những đơn đặt hàng thuê vẽ tranh tường. Từ đó gọi là "chính thức" với nghề vẽ tranh, tiếng lành đồn xa, chị làm việc bất kể ngày giờ, xa xôi hay nắng mưa gì cũng nhận.

"Vẽ tranh tường không bao lâu thì đại dịch Covid ập đến, không thể ra ngoài làm việc nữa thì mình quyết định chụp ảnh chỉn chu, đăng tải nghiêm túc những bức tranh đã vẽ trong thời điểm ở nhà mùa dịch lên mạng xã hội để tìm kiếm hướng đi mới.

Mình bắt đầu chăm sóc trang cá nhân bằng cách bài đăng tích cực, cập nhật quá trình mình hoàn thiện sản phẩm như thế nào, chia sẻ ý tưởng bức tranh loé lên từ điều gì, tập trung đăng tải nội dung đúng trọng tâm mình là một "thợ vẽ" để biến Facebook của mình trở thành một cửa hàng kinh doanh tranh sáng tác."

Nhờ cập nhật liên tục tranh vẽ và công việc lên mạng xã hội, chị Phan Mơ bắt đầu có khách hàng hỏi mua tranh, và đặt các đơn hàng vẽ theo yêu cầu mô tả.

Những bức tranh tả thực của chị đều là tranh sơn dầu vẽ trên vải.

Tiếp cận các hội nhóm liên quan

Đồng thời, chị Phan Mơ cũng đăng tải tác phẩm và tìm kiếm kết bạn với những người quan tâm đến lĩnh vực hội hoạ, yêu thích tranh, sưu tầm tranh ở các hội nhóm liên quan. Một phần là để tác phẩm của chị tiếp cận được khách hàng tiềm năng, phần khác là để tài năng của mình được nhiều người biết đến.

"Đa phần khách hàng hỏi mua tranh của mình từ trang cá nhân và các nhóm dành cho họa sĩ và nhà sưu tập. Đã từng có một nhà sưu tầm tranh ở Pháp hỏi mua bức tranh có tên "Cái ao nhỏ" của mình khi mình đăng lên nhóm đông thành viên ở Facebook. Khi đó anh còn muốn mua tất cả số tranh mà mình hiện có vì anh nói trong số những bức tranh anh mua bên Việt Nam, cảnh quê hương với giàn mướp, bụi chuối, cây cỏ đồng nội... của mình được bạn bè bên đó quan tâm và khen ngợi nhiều nhất. Đó cũng là dấu ấn đáng nhớ nhất và động lực để tôi phấn đấu, theo đuổi xu hướng hiện thực trong hội họa, đặc biệt là cảnh làng quê Việt Nam."

Bức tranh "Cái ao nhỏ" được bán sang Pháp.

Hiện tại, ngoài những bức tranh sáng tác đắt tiền được định giá bằng thời gian, công sức, chất xám và tâm tư tình cảm của người cầm bút thì chị còn có thu nhập từ những đơn đặt hàng tranh theo yêu cầu với mức giá từ 5 triệu trở lên, dễ vẽ trong thời gian ngắn bởi đã có tư liệu và mô tả cụ thể từ khách hàng.

Chia sẻ kiến thức miễn phí

Thêm nữa, nguồn thu của chị tăng thêm từ công việc nhận dạy vẽ tranh trực tuyến, dạy vẽ cho trẻ em tại nhà và dạy vẽ các bạn ôn thi vào trường năng khiếu.

"Hiện tại riêng học viên trực tuyến của mình lên tới hàng trăm, học viên có từ nhóm 'Dạy vẽ tranh trực tuyến' mà mình thành lập để chia sẻ kiến thức miễn phí và nhờ sự lan tỏa của tranh đồng quê Phan Mơ trên các hội nhóm liên quan mà mình đã tích cực đăng bài.

Bí quyết để có học viên trực tuyến chính là "cho đi" - khi mình có khả năng thì mình hãy chia sẻ. Bởi vì chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm miễn phí thì ai cũng thích, khi họ tiếp nhận và cảm thấy hữu ích, muốn biết nhiều hơn và chuyên nghiệp hơn ắt mọi người sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua nhiều hơn kinh nghiệm, kiến thức, thời gian chia sẻ của mình."

Nhờ mạng xã hội, chị Phan Mơ đang có rất nhiều học viên học vẽ tại nhà lẫn trực tuyến.

"Cho đến hiện tại mình chưa mất một đồng chi phí nào cho quảng cáo mạng xã hội hay báo đài.

Chị em phụ nữ nếu có đam mê, sở thích, năng khiếu cứ thử đầu tư thời gian, công sức một cách nghiêm túc nằm trong khả năng của mọi người. Là phụ nữ đang kinh doanh online tự do, không có đủ nguồn vốn để thuê một đội ngũ chuyên nghiệp hỗ trợ... thì cũng không sao, mạng xã hội kết nối khắp mọi nơi có thể giúp chúng ta làm điều đó."

(Ảnh nhân vật cung cấp)

Theo Bích Loan

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên