Kim Jong Un và làn gió mới thổi vào mọi ngóc ngách của đất nước Triều Tiên
Bất ngờ trở thành lãnh đạo một quốc gia trong sự hoài nghi của thế giới, ông Kim Jong Un không chỉ xây dựng được vị thế mà còn giúp Triều Tiên dần thay da đổi thịt từ một đất nước được mệnh danh là "bí ẩn nhất thế giới".
- 25-02-2019Chùm ảnh: Cuộc sống của thế hệ trẻ lớn lên ở Triều Tiên
- 25-02-2019Ông Donald Trump nói gì trước khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên?
- 24-02-2019Có gì trong siêu thị đầu tiên ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên?
- 23-02-2019Quan chức cấp cao Mỹ: Washington tin Triều Tiên sẽ lựa chọn phi hạt nhân hóa
- 23-02-2019Đặc phái viên Triều Tiên- Mỹ đàm phán suốt 5 tiếng rưỡi đồng hồ
Điều chắc chắn duy nhất mà người ta có thể khẳng định ở thời điểm hiện tại là ông Kim Jong Un là nhà lãnh đạo cao nhất ở Triều Tiên. Những thứ khác, bao gồm cả ngày, tháng, năm sinh của nhà lãnh đạo này, cũng vẫn là chủ đề khiến người ta bàn cãi. Phần lớn đời tư của ông Kim Jong Un là điều "bất khả xâm phạm" với truyền thông.
Ông Kim Jong Un chính thức trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên năm 2011 sau khi cha ông, nhà lãnh đạo Kim Jong Il đột ngột qua đời. Năm 2012, ông trở thành Chủ tịch đảng Lao động triều Tiên. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết ông Kim Jong Un sinh ngày 8/1/1982 nhưng một báo cáo lại cho rằng ông sinh ngày 8/1/1984 hoặc sinh năm 1983. Ông là thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên được sinh ra sau Chiến tranh Liên Triều (1950-1953).
Truyền thông nước ngoài cho biết ông Kim Jong Un là con trai út của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, cháu nội nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Ông Kim Jong Un từng có thời gian đi học ở nước ngoài, cụ thể là Bern, Thụy Sĩ dưới một cái tên khác. Thân phận của ông hoàn toàn được giấu kín. Tuy nhiên, người ta cũng chẳng thể xác định chính xác thời gian ông Kim Jong Un học ở nước ngoài. Thậm chí, một số báo cáo còn cho rằng đó là sự nhầm lẫn. Người học nước ngoài là ông Kim Jong Chul, anh trai ông Kim Jong Un.
Trong khi đó, hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng ông Kim Jong Un có theo học tại Đại học Kim Nhật Thành, trường đào tạo sĩ quan hàng đầu ở Bình Nhưỡng từ năm 2002 đến năm 2007. Phải tới ngày 30/9/2010, hình ảnh của ông Kim Jong Un mới được chính thức công bố. Ông ngồi hàng ghế đầu, cách cha mình 2 ghế, trong cuộc họp cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên. Sau đó, những đoạn phim về ông Kim Jong Un tham dự hội nghị cũng được truyền thông Triều Tiên phát đi.
Sau khi trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên năm 2011, hình ảnh của ông Kim Jong Un xuất hiện nhiều trên truyền thông. Tuy nhiên, rất ít người biết tới cuộc sống riêng của nhà lãnh đạo trẻ. Hình ảnh phu nhân của ông Kim Jong Un, bà Ri Sol Ju, xuất hiện một cách hạn chế nhưng chưa từng có một bức ảnh nào về các con của ông Kim Jong Un. Người ta cũng không thể xác định nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện có mấy người con.
Ông Kim Jong Un có một người bạn thân là ngôi sao bóng rổ nhà nghề Mỹ Dennis Rodman. Rodman từng nhiều lần tới thăm Triều Tiên. Trong một cuộc trao đổi với Guardian, Rodman cho biết ông Kim Jong Un có một cô con gái tên là Ju-Ae. Tuy nhiên, dựa vào việc bà Ri Sol Ju không xuất hiện trước truyền thông, người ta đoán rằng ông Kim Jong Un có nhiều hơn một người con.
Ông Kim Jong Un có phải một nhà lãnh đạo giỏi hay không phụ thuộc vào suy nghĩ của từng người. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc chèo lái một quốc gia như Triều Tiên, vốn vẫn ở chiến tuyến bên kia với Hàn Quốc và Mỹ, là điều không hề dễ dàng. Nó càng khó khăn hơn với một người trẻ, khi kiến thức và kinh nghiệm chính trị còn hạn chế.
Kim Jong Un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên sau cái chết bất ngờ của cha, nhà lãnh đạo Kim Jong Il năm 2011. Theo thông báo chính thức của Truyền thông Triều Tiên, khi đó, ông Kim Jong Un mới 29 tuổi. Đa phần các quan chức Triều Tiên lúc đó đều thuộc thế hệ của cha ông. Đây là thách thức không nhỏ với một nhà lãnh đạo trẻ tuổi.
Không ai có thể chắc chắn về chi tiết những biến cố ở Triều Tiên nhưng một trong những quan chức cấp cao nhất, ông Jang Song-thaek, đã bị tử hình vì phản bội cho thấy những câu chuyện không hề êm đềm phía sau. Không chỉ từng là quan chức cao nhất chỉ sau ông Kim Jong Il, ông Jang Song-thaek còn là chồng của bà Kim Kyong-hui, cô ruột ông Kim Jong Un.
Ngoài những vấn đề trong nước, ông Kim Jong Un tiếp tục phải đối mặt với những áp lực từ bên ngoài, nhất là từ phía Mỹ, quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới và đồng minh thân cận của họ, Hàn Quốc. Với những quốc gia bên ngoài, việc ông Kim Jong Il đột ngột qua đời là cơ hội lớn để tác động tới chính trị Triều Tiên, nhất là khi chính quyền non trẻ mới chưa thể ổn định.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, không thể phủ nhận nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thành công. Sau nhiều cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã được cải thiện rõ rệt và đang hướng tới những gì mà người ta mong chờ nhất: Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim Jong Un với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore cũng đã đánh dấu những bước đột phá trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một nhà lãnh đạo Mỹ gặp gỡ một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Hiệp định đình chiến năm 1953 chưa đủ chấm dứt chiến tranh giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc và trên thực tế, hai nước vẫn là kẻ thù.
Những thành tựu trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong Un đã được cả thế giới biết đến. Dẫu vậy, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội cuối tháng này có thể còn đạt kết quả cao hơn nữa. Người ta kỳ vọng, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên có thể ký Hiệp định Hòa bình ở Việt Nam, giúp chấm dứt cuộc chiến kéo dài suốt gần 70 năm qua.
Ngay khi kế nhiệm cha, truyền thông Triều Tiên đã gọi ông Kim Jong Un là nhà lãnh đạo Tối cao. Hiện nay, ông Kim cũng là nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước nhưng khác với thời điểm mới nhậm chức, chính trường Triều Tiên hiện đang rất ổn định. Mục tiêu tập trung phát triển kinh tế mà ông Kim Jong Un đưa ra đang được người Triều Tiên nghiêm túc thực hiện.
Theo các nhà phân tích, dưới thời của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, kinh tế tư nhân, theo một nghĩa nào đó, đã được bật đèn xanh ở Triều Tiên. Người Triều Tiên cũng không giấu diếm điều này. Có điều, họ chỉ chưa tìm ra cách để công bố nó với cả thế giới. Trong mắt những người từng đặt chân tới Triều Tiên, sự thay đổi là thực chất, chứ không chỉ là khẩu hiệu, đang diễn ra khắp Triều Tiên.
Ông Moon Chung In, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In về Thống nhất, Ngoại giao và An ninh quốc gia, cho biết, trong chuyến thăm Triều Tiên vào năm ngoái, khẩu hiệu đề cao quân sự đã được người Triều Tiên thay thế bằng khẩu hiệu tập trung phát triển kinh tế. Tại Đại hội của đảng Lao động Triều Tiên cùng năm, ông Kim Jong Un cũng đã nhấn mạnh việc tập trung vào kinh tế của Bình Nhưỡng.
Sẽ không phải chờ quá lâu để Chính sách, khẩu hiệu đi vào thực tế ở Bình Nhưỡng. Nhà văn Travis Jappensen, người mới xuất bản cuốn sách "Hẹn gặp lại bạn ở Bình Nhưỡng", cũng đã có những chia sẻ về cuộc sống thú vị ở Triều Tiên trong bài viết trên tờ New York Times. Với thuật ngữ Jangmadang, Jappensen đã giúp hé lộ về những "chợ trời" ở Triều Tiên, nơi người dân có thể mua được nhiều thứ, bao gồm cả hàng xa xỉ mang tầm cỡ quốc tế.
Xã hội Triều Tiên không còn là một bức tranh đơn giản mà ngày càng phức tạp. Tầng lớp trung lưu xuất hiện ngày càng rõ rệt ở Bình Nhưỡng trong khi một bộ phận giàu có xuất hiện tại các thành phố cảng Chongjin hay các thành phố dọc thương mại với Trung Quốc, nơi thương mại hợp pháp và bất hợp pháp cùng nhau phát triển.
Không khó để nhận thấy những thay đổi ở Triều Tiên. Những cửa hàng bán đồ sang trọng tại Bình Nhưỡng không phải là thứ để trưng bày cho khách du lịch mà đã thu hút đông đảo người dân Triều Tiên. Những hàng quán sang trọng, đẳng cấp, cũng xuất hiện nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân quốc gia này.
Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động ở Triều Tiên cũng nói lên nhiều điều. Dù được mệnh danh là quốc gia bí ẩn nhất thế giới nhưng tỷ lệ sử dụng điện thoại ở Triều Tiên là 1 trên 4, tức là cứ 4 người thì có một người sở hữu điện thoại. Smartphone cũng không còn là của hiếm, nhất là khi Triều Tiên có công ty sản xuất điện thoại thông minh của riêng mình. Người Triều Tiên có thể kết nối Internet dù Internet của Triều Tiên không hòa chung với mạng toàn cầu.
Văn hóa của Triều Tiên cũng đang chứng kiến những sự biến đổi mạnh mẽ. Nó đến từ trang phục, âm nhạc hay điện ảnh…. Người Triều Tiên có thể xem phim nước ngoài, nghe nhạc Kpop, mặc váy ngoài đường miễn là chúng không quá ngắn. Những sản phẩm xa xỉ của những thương hiệu danh tiếng nước ngoài cũng được bán công khai ở Triều Tiên.
Một trong những lần hiếm hoi, nhiều nhà phân tích về chính trị Triều Tiên đều đồng thuận rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang thực sự muốn thay đổi. Ông Kim, có thể sẽ lựa chọn đi theo con đường đổi mới của Việt Nam hay Trung Quốc, để phát triển kinh tế của Triều Tiên.
Là một dân tộc, Hàn Quốc chắc chắn sẽ rót nhiều vốn để đầu tư vào Triều Tiên khi hai nước thực sự xây dựng được một mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp và bền vững khi hòa bình được lập lại trên bán đảo. Nhiều nhà đầu tư cũng sẽ tới tìm cơ hội phát triển ở mảnh đất này khi Triều Tiên không còn là quốc gia bí ẩn nhất hành tinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhấn mạnh: "Ông Kim Jong Un có cơ hội để Triều Tiên trở thành một người khổng lồ về kinh tế. Quốc gia này có cơ hội trở thành một trong những nền kinh tế lớn của thế giới. Tuy nhiên, điều này phải diễn ra với quá trình phi hạt nhân hóa".
Đó là lý do nhiều người kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, dự kiến diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 27 và 28/2 tới.
Trí Thức Trẻ
- Tạp chí Diplomat: Hà Nội có thể trở thành một Paris hay Geneva khác
- Chuyện gì xảy ra tiếp theo Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều?
- Hy vọng về một nền hòa bình bền vững nhìn từ nụ cười của Chủ tịch Kim lúc chia tay
- Những chuyện thú vị về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều
- Tổng thống Mỹ vừa khen, phóng viên quốc tế đổ xô về Tràng An Ninh Bình