Kim ngạch nhập khẩu cả nước tăng 490 triệu USD trong 6 tháng
Tính bù trừ giữa tăng về lượng nhưng giảm về giá nhập khẩu đã khiến kim ngạch nhập khẩu cả nước tăng 490 triệu USD trong 6 tháng.
- 25-05-2016Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đạt hơn 12 tỷ USD
- 09-05-2016Kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 176 triệu USD
- 26-04-2016Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đạt hơn 10 tỷ USD
Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tại Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 ngành Công Thương chiều 12/7, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khá là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng của những tháng cuối năm 2016.
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ tăng 7,5%, là mức tăng khá thấp so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giảm ở nhóm ngành khai khoáng, cụ thể là do sản lượng khai thác dầu thô, các ngành còn lại đều có mức tăng cao hơn cùng kỳ.
Tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì xu hướng tăng 8,8%. Tồn kho tiếp tục duy trì mức thấp hơn so với mức tăng của 2015. Chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo tại thời điểm 1/6 tăng 9% (thấp hơn 2,8 điểm phần trăm của cùng thời điểm năm 2015).
Trong lĩnh vực thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng thấp, kể cả xem xét trong tương quan với mức tăng GDP của năm nay.
“Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng thấp chủ yếu do giá xuất khẩu giảm 6,3%, bao gồm cả giảm giá dầu thô và giá xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến. Nếu loại trừ yếu tố giá giảm, thì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 10,1% (mặc dù vẫn thấp hơn mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước 13,4%) nhưng là mức cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra của năm 2016”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận, trong bối cảnh cả cung trong nước và cầu nước ngoài cùng giảm sút, giá xuất khẩu lại duy trì ở mức thấp thì tốc độ này là khá tích cực, đặc biệt là nếu so sánh với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất siêu 6 tháng đầu năm ước khoảng 1,54 tỷ USD, bằng khoảng 1,9% kim ngạch xuất khẩu. Giá nhập khẩu của các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu giảm mạnh so với cùng kỳ khiến tổng kim ngạch nhập khẩu giảm mặc dù lượng nhập khẩu các mặt hàng hầu hết đều tăng, như sắt thép, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, cao su, giấy, xơ sợi dệt, kim loại...
“Trong 22 mặt hàng tính được về giá và lượng thì tác động do giá nhập khẩu giảm đã làm giảm kim ngạch nhập khẩu 4,95 tỷ USD, do lượng nhập khẩu tăng góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu 4,46 tỷ USD. Tính chung bù trừ giữa tăng/giảm giá và lượng đã khiến cho kim ngạch nhập khẩu cả nước tăng 490 triệu USD”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, lượng nhập khẩu của một số hàng hóa là đầu vào quan trọng cho sản xuất như sắt thép, xăng dầu, khí hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, cao su, giấy, xơ sợi dệt, kim loại... vẫn tăng, phù hợp với mức tăng của công nghiệp chế biến chế tạo. Vì vậy, nhập khẩu giảm 6 tháng đầu năm chưa hẳn thể hiện dấu hiệu tiêu cực.
Trong 6 tháng cuối năm, ngành công thương xác định tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường việc giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển, mục tiêu nhiệm vụ được giao của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư ngành công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ cùng phối hợp với các ngành, các cấp để bảo đảm kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng ở mức hợp lý (dưới 5%) theo chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra, coi đây là giải pháp cơ bản để ổn định và phát triển tổng cầu. Chú trọng cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu, bảo đảm không để xảy ra sốt giá cục bộ.
Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, đánh giá lại chủ trương, chính sách đối với cho vay tiêu dùng để kích thích được tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ cho sản xuất trong nước phát triển.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại nội địa; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các địa phương, vùng miền trong cả nước để tăng lưu chuyển, tiêu dùng hàng hóa trong nước.
Bên cạnh đó, ngành công thương sẽ tiếp tục tăng cường triển khai các đợt ra quân để kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên thị trường; thiết lập và duy trì kỷ cương, trật tự trên thị trường để tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển.
Cùng với đó, ngành công thương còn triển khai nghiên cứu ngay hệ thống bán lẻ để có các biện pháp không trái cam kết quốc tế nhưng bảo đảm cạnh tranh công bằng trên thị trường, hỗ trợ cho các nhà bán lẻ trong nước phát triển trước khi mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho EU và các nước TPP (dự kiến vào năm 2023)./.
VOV