MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc cán mốc 100 tỷ USD

Trung Quốc là thị trường đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam trong năm nay. Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu trong khối ASEAN về giao thương với Trung Quốc khi chiếm 29% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp gần 1/4 kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ khu vực Đông Nam Á.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 5,5 tỷ USD trong tháng 10. Qua đó, nâng tổng kim ngạch 10 tháng đầu năm lên hơn 37,9 tỷ USD.

Hết tháng 10, có 10 nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại; giày dép; rau quả; cao su; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt hơn 8 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10, riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch hơn 65,6 tỷ USD. Có 12 nhóm hàng có kim ngạch hơn 10 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (hơn 14 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (hơn 13 tỷ USD).

Với tổng kim ngạch hơn 103,5 tỷ USD, Trung Quốc là thị trường đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD trong năm nay. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc vẫn ở mức cao, gần 28 tỷ USD. Đối tác lớn thứ hai sau Trung Quốc của Việt Nam là Mỹ với quy mô kim ngạch 10 tháng gần 74 tỷ USD.

Mặt khác, số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố ngày 13/10 cho biết, trong tháng 9, xuất khẩu của quốc gia này tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 239,7 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu trong tháng 9 tăng 13,2%, đạt 202,7 tỷ USD. Đây là mức tăng mạnh nhất của kim ngạch nhập khẩu Trung Quốc kể từ đầu năm đến nay.

Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong khối ASEAN khi chiếm 29% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, đóng góp gần 1/4 kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 trên thế giới của Trung Quốc. 

Theo ông Zhong Feiteng, thành viên của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động trao đổi thương mại toàn cầu bị ngừng trệ, những kết quả này là tương đối ấn tượng trong lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc từ đầu năm đến nay.

Ông Zhong Feiteng cũng nhận định rằng các mô hình thương mại được hình thành trong thời gian gần đây sẽ tiếp tục tồn tại. Trong tương lai, nhiều biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại song phương sẽ tiếp tục được thúc đẩy, tạo đà đưa quan hệ thương mại hai nước tiếp tục phát triển.

H.S

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên